(KTSG Online) - Nhằm thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng lên khoảng 50.000 - 60.000 tỉ đồng, tăng gần 4 lần so với trước đó.
- EU nâng rào cản kỹ thuật, xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể gặp khó
- TPHCM: Các nhà bán lẻ lớn đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản Việt
Chiều 16-10, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, theo chinhphu.vn
Theo Thủ tướng, để ĐBSCL phát triển thì phải tháo gỡ hai điểm nghẽn lớn về về hạ tầng và nhân lực bằng việc đặt mục tiêu để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, cảng Cái Cui, các cảng thủy nội địa…. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL để khu vực phát triển hơn trong tương lai.
Hiện ĐBSCL là vựa lúa, trái cây, thuỷ sản lớn của cả nước, vì thế, để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng này lên khoảng 50.000-60.000 tỉ đồng, tăng gần 4 lần.
Ban đầu, gói tín dụng với lâm, thủy sản có số vốn lúc đầu chỉ khoảng 15.000 tỉ đồng, nhưng do giải ngân tốt đã tăng lên 30.000 tỉ đồng và đang tiếp tục lên khoảng 40.000 tỉ đồng. Và nay, được xem xét để nâng lên 50.000 - 60.000 tỉ đồng như đề cập ở trên.
Theo người đứng đầu Chính phủ, xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 50 tỉ đô la Mỹ và cả năm có thể đạt khoảng 60 tỉ đô la. Trong bối cảnh các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, thì những kết quả sản xuất, xuất khẩu nông sản của các vùng khác, đặc biệt là tại ĐBSCL càng có ý nghĩa đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. ĐBSCL hiện chiếm tới 90% xuất khẩu gạo, 60-70% xuất khẩu trái cây, thủy hải sản của cả nước.