(KTSG Online)- Trong tờ trình gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho TPHCM, trong đó có đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm; HĐND thành phố được quyết cơ cấu, số lượng cán bộ cấp xã và phân bổ một số quyền cho thành phố Thủ Đức nhằm phát huy tiềm năng của thành phố.
- Vì sao chính sách đặc thù cho TPHCM lại rất quan trọng cho cả nước?
- Kinh tế TPHCM quí 1 suy giảm vì hệ thống điều hành quá tải
Baochinhphu.vn đưa tin, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Sau khi trình, tham vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 vừa qua, Chính phủ chính thức đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TPHCM và thành phố Thủ Đức.
Đáng chú ý, liên quan đến cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TPHCM, Chính phủ đề nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TPHCM từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
Sở An toàn thực phẩm sẽ có một số chức năng, nhiệm vụ như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được quy định tại các luật: Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y.
Theo TTXVN, Chính phủ đề xuất HĐND TPHCM được quyết cơ cấu, số lượng cán bộ cấp xã, trong đó tăng từ 2 phó chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn theo quy định hiện nay lên 3 để đảm bảo nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.
Theo Chính phủ, mật độ dân số của TPHCM hiện gần 4.300 người/km2, có 48 phường có dân số 80.000 người trở lên và 6 phường có dân số trên 100.000 người. Để có thêm cán bộ giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thì cần phải bổ sung thêm lãnh đạo UBND huyện, xã trên địa bàn.
Chính phủ cũng nêu thực tế khó khăn của TPHCM do số lượng cán bộ, công chức cấp xã được phân bố chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa.
Từ đó, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định chính sách phân cấp cho HĐND TPHCM quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn để tạo tính chủ động trong xây dựng nguồn lực tại cơ sở.
Chính phủ cũng đề nghị quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, chủ tịch UBND TPHCM cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức.
Chính phủ đề xuất UBND TPHCM quyết định thành lập tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; Ban đô thị thuộc HĐND thành phố Thủ Đức.
Một số đề nghị khác của Chính phủ: HĐND TPHCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.
TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). HĐND thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố; ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.
Chính phủ cũng đề xuất UBND TPHCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất…