Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính phủ Úc kêu gọi doanh nghiệp làm ăn có lãi trong mùa dịch trả lại tiền hỗ trợ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp lớn ở Úc đã nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ để trả lương cho nhân viên, giúp họ ứng phó tình hình kinh doanh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trong số các doanh nghiệp này vẫn kiếm được lợi nhuận lớn, thậm chí đạt mức kỷ lục trong đại dịch và giờ đây họ đang được yêu cầu trả lại tiền hỗ trợ.

Chương trình JobKeeper của chính phủ Úc, với tổng ngân sách 98 tỉ đô la Úc (73 tỉ đô la Mỹ), được triển khai từ năm ngoái để hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên trong các đợt phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dữ liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Úc công bố hồi tháng 7 cho thấy trong 3 tháng đầu tiên triển khai chương trình này, khoảng 12,5 tỉ đô la Úc đã được giải ngân cho những doanh nghiệp nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2021, Harvey Norman lãi ròng mức kỷ lục 841,4 triệu đô la Úc. Trước sức ép của dư luận, chuỗi bán lẻ gia dụng và nội thất này trả lại gần 1/3 số tiền trợ cấp của chính phủ. Ảnh: The Global Herald

Vụ việc đã làm dấy lên tranh cãi ồn ào trước thềm tổng tuyển cử ở Úc, dự kiến có thể tổ chức sớm vào tháng 11 năm nay hoặc muộn nhất là tháng 5-2022. Đảng Lao động đối lập chỉ trích chính phủ hỗ trợ cho những doanh nghiệp không thực sự khó khăn.

“Đó là sự lãng phí tiền bạc lớn nhất trong lịch sử của Úc. Ý tưởng về việc chúng ta nên dùng tiền đóng thuế của dân để giúp những doanh nghiệp có doanh thu tăng gấp 2 hoặc gấp 3 thật đáng chỉ trích”, Andrew Leigh, trợ lý phụ trách vấn đề ngân sách quốc gia của đảng Lao động, nói.

Bộ trưởng Nội vụ Úc, Karen Andrews, kêu gọi những doanh nghiệp có lợi nhuận trong thời kỳ dịch bệnh tự vấn lương tâm xem có nên trả lại tiền trợ cấp hay không.

Ownership Matters,  một tổ chức bảo vệ quyền lợi cổ đông, cho biết có 34 doanh nghiệp lớn ở Úc đã đăng ký nhận các khoản trợ cấp trả lương cho nhân viên từ chính phủ dù lợi nhuận của họ tăng lên cao hơn cả trước đại dịch. Trong số này, có 24 doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết ở Sở giao chứng khoán ASX đã nhất trí trả lại một phần tiền trợ cấp.

Một số doanh nghiệp khác như tập đoàn kinh doanh cờ bạc và cá cược Tabcorp và hãng bán lẻ đồ thể thao Accent Group hứng búa rìu của dư luận vì không trả lại một phần hoặc tất cả số tiền trợ cấp từ chương trình JobKeeper dù doanh thu của họ tăng trong thời kỳ dịch bệnh.

Tabcorp đã nhận được các khoản trợ cấp tổng cộng 12 triệu đô la Úc từ chương trình này. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tabcorp đạt lợi nhuận 269 triệu đô la nhưng không trả lại bất kỳ phần tiền trợ cấp nào. Tabcorp cho rằng các khoản trợ cấp đã sử dụng đúng mục đích.

Sau khi nhận được 24,5 triệu đô la Úc từ chương trình JobKeeper, tháng trước, Accent cho biết đạt lợi nhuận 76,9 triệu đô la Úc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 và quyết định chi trả mức cổ tức kỷ lục. Cũng như Tabcorp, công ty này không trả lại tiền trợ cấp.

David Gordon, Chủ tịch Accent, cho biết tiền trợ cấp đã được sử dụng hết để chi trả lương đầy đủ cho nhân viên.

Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bị chỉ trích không giám sát chặt chẽ các khoản tiền trợ cấp đã giải ngân. Ownership Matters chỉ phát hiện được sự bất cập của khoản tiền trợ cấp ở các công ty đại chúng vì họ bị buộc phải công bố các thông tin tài chính.

Tuần trước, sau nhiều tháng hứng chỉ trích của dự luận, chuỗi bán lẻ đô gia dụng và nội thất Harvey Norman của tỉ phú Gerry Harvey nhất trí trả lại số tiền trợ cấp 6 triệu đô la Úc đã nhận được từ chương trinh Job Keeper.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục bị gọi tên vì chỉ trả lại chưa đến 1/3 trong số 22 triệu đô la Úc tiền trợ cấp đã nhận. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2021, Harvey Norman lãi ròng mức kỷ lục 841,4 triệu đô la Úc.

Andrew Leigh cho rằng tỉ phú Harvey Norman trả lại 6 triệu đô la Úc vì sức ép từ dư luận. Ông kêu gọi doanh nghiệp này trả hết số tiền trợ cấp còn lại.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Úc, Josh Frydenberg lên tiếng bảo vệ chương trình JobKeeper vì cho rằng nó đã thành công trong việc giúp bảo vệ việc làm. Ông nói: “Qua đánh giá, Bộ Tài chính thấy rằng chương trình này đã hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì việc làm. Nó giúp bảo vệ mối quan hệ lao động và cung cấp sự hỗ trợ thu nhập cần thiết”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới