(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7 tới.
Ngày 25-7-2022, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4648/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí đối với xăng dầu.
Trong lần điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào ngày 11-7 vừa qua đã đưa giá xăng Việt Nam xuống thấp hơn một số nước trên thế giới.
- Giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ và Nhật Bản như thế nào?
- Giá xăng giảm mạnh, về mức 25.000 - 26.000 đồng/lít
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại văn bản số 240/LĐCP ngày 18-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ cho cả trước mắt và trung hạn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7.
Giá xăng dầu trong nước gần đây được "hạ nhiệt" trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đi xuống và mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm mặt hàng này giảm xuống mức sàn theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể bên cạnh giá xăng dầu thế giới giảm trong 3 kỳ điều chỉnh vừa qua cùng với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực vào ngày 11-7-2022 đã giúp giá xăng dầu trong nước được giảm đáng kể sau khi lập đỉnh trên 32.000 đồng/lít với xăng RON95).
Cụ thể, thuế này với xăng từ ngày 11-7 giảm từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng một lít, tức là khi tới tay người tiêu dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng một lít do được giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các loại dầu, mỡ khác giảm 500-700 đồng một lít.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 21-7, xăng E5RON92 giảm 2.710 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.600 đồng/lít. Sau điều chỉnh, xăng E5RON92 có giá bán là 25.070 đồng/lít, xăng RON95 là 26.070 đồng/lít.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá. Theo đó, dầu diesel giảm với mức nhẹ hơn là 1.740 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.170 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel có giá bán 24.850 đồng/lít, dầu hỏa 25.240 đồng/lít và dầu mazut 16.540 đồng/kg.
Đáng chú ý, nhờ giảm thuế môi trường ở mức kịch sàn mà giá xăng bán ở Việt Nam gần đây cũng đã được rút ngắn so với một số nước. Cụ thể trên trang Global Petrol Prices lấy giá xăng RON 95 để đưa giá xăng trung bình của các nước. Theo đó, mức giá trung bình trên thế giới tính đến ngày 18-7 vừa qua (tức chưa tính kỳ điều chỉnh vào ngày 21-7-2022 ở Việt Nam của Liên bộ Tài chính - Công Thương) là 33.632 đồng một lít xăng RON 95.
Giá xăng trung bình của Việt Nam ở thời điểm đó mà Global Petrol Prices lấy để so sánh là ở mức 30.307 đồng/lít, tương đương giá xăng RON 95 của Petrolimex tại các thị trường thuộc vùng 2, xa các cảng, kho xăng dầu.
Với mức giá đó, trang Global Petrol Prices xếp giá xăng của Việt Nam cao đứng vị trí 66/168 quốc gia. Trước đó (ngày 23-5-2022), khảo sát của Global Petrol Pricescho cho thấy giá xăng bán ở Việt Nam đứng thứ 79/170 quốc gia và khu vực trên thế giới, tức nằm tầm giữa (dữ liệu của Global Petrol Prices khi đó cho thấy mỗi lít xăng RON 95 tại Việt Nam là 1,349 đô la, trong khi giá xăng trung bình trên thế giới là 1,39 đô la Mỹ/lít).
Như vậy, sau khi giảm thuế môi trường xuống về mức sàn cho thấy giá xăng ở Việt Nam chỉ còn cao hơn 65 quốc gia và lãng thổ thay vì cao hơn 78 quốc gia và vùng lãnh thổ với kết quả so sánh cách đây gần 2 tháng.
Nếu Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất tiếp tục giảm thuế và phí được nữa thì chắc chắn giá bán xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được giảm nhiều hơn, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất đáng kể và người tiêu dùng tiếp cận được nhiều sản phẩm và dịch vụ giá thấp hơn.
Bởi lẽ theo Global Petrol Prices, tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.
Mặc dù giá xăng trong nước đã được giảm nhưng cũng theo trang Global Petrol Prices, tính ở thời điểm ngày 18-7-2022, một số nước và vùng lãnh thổ tại châu Á vẫn đang có giá xăng thấp hơn giá xăng của Việt Nam. Cụ thể, xăng RON 95 tại Malaysia 10.787 đồng/lít, Đài Loan giá 24.327 đồng/lít, tại Myanmar 24.536 đồng/lít, Indonesia 28.793 đồng/lít, Thái Lan 29.462 đồng/lít...
Đáng chú ý, theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng cao hơn. Thế nhưng đất nước cò nền kinh tế phát triển như Nhật Bản nhưng vẫn có giá xăng thấp hơn (28.348 đồng/lít).
Cũng trên trang Global Petrol Prices, 10 quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới gồm Venezuela 520 đồng/lít, Libya 716 đồng/lít, Iran 1.251 đồng/lít, Syria 6.694 đồng/lít, Algeria 7.379 đồng/lít, Kuwait 7.998 đồng/lít, Angola 8.712 đồng/lít, Nigeria 9.757 đồng/lít, Turkmennistan 10.026 đồng/lít, Kazakhstan 10.116 đồng/lít.
Tại Việt Nam hiện nay, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng; nhập khẩu; tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đã đến lúc NN cần loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và bỏ trích quỹ bình ổn giá ra khỏi giá xăng dầu.