Thứ tư, 14/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chính sách cho vùng kinh tế trọng điểm phải gắn với thực tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chính sách cho vùng kinh tế trọng điểm phải gắn với thực tế

Trung Chánh

Chính sách cho vùng kinh tế trọng điểm phải gắn với thực tế
Cơ chế chính sách cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm không được xa rời thực tế của ĐBSCL. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Muốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL - gồm 4 tỉnh thành An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ) thì một cơ chế chính sách mới cho vùng là đòi hỏi tất yếu. Thế nhưng, cơ chế chính sách đó phải xuất phát từ thực tiễn, từ việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại của vùng, chứ không thể rời xa thực tế, theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị “Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL lần thứ nhất năm 2016” được tổ chức tại Cần Thơ chiều nay 1-11, ông Trần Hữu Hiệp cho rằng cơ chế chính sách mới cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL phải dựa trên tiềm năng, thế mạnh cũng như những điểm nghẽn trong quá trình phát triển thời gian qua của vùng.

Theo ông Hiệp, một quy chế điều phối của vùng kinh tế trọng điểm tất nhiên sẽ có nhiều điểm vướng về mặt cơ chế chính sách, thậm chí có những cái phải “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. “Nhưng, những đề xuất đưa ra phải xuất phát từ thực tiễn, chứ không đề xuất trên trời, thoát khỏi thực tiễn được”, ông cho biết.

Theo ông Hiệp, dù 4 tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng xuất phát điểm của cả vùng vẫn có những khó khăn nhất định.

Cụ thể, với lĩnh vực hạ tầng giao thông, thời gian qua diện mạo giao thông đã có thay đổi, nhưng khi so sánh với các vùng khác, ĐBSCL còn thua kém rất nhiều. “Cả nước có 740 km đường cao tốc, nhưng vùng ĐBSCL chỉ có 40 km thôi và đó hoàn toàn không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm này”, ông Hiệp dẫn chứng.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, tuy những trục giao thông quan trọng đã hình thành, có cầu lớn vượt sông kết nối đi lại đã cơ bản hoàn chỉnh, “Nhưng, kết nối giao thông phục vụ kinh tế thì còn vướng. Có đường, thì vướng tải trọng cầu; kết nối giao thông đường bộ, đường thủy chưa đồng bộ. Như vậy, phải chăng từ những tiềm năng, thế mạnh và điểm nghẽn đó, cần có cơ chế chính sách giải quyết cho phù hợp”, ông đặt vấn đề.

Theo ông Hiệp, khi đề xuất cơ chế chính sách giúp kết nối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phải đặt trong mối quan hệ với 9 tỉnh còn lại của ĐBSCL. “Giao thông của vùng kinh tế trọng điểm này phải kết nối, phải là trục xương sống và nó phải có quan hệ với các tỉnh còn lại, chứ không thể độc lập được”, ông cho biết.

Về nhân lực, theo ông Hiệp, phải tiếp cận theo hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao và có sự kết nối với doanh nghiệp, với thị trường lao động rõ ràng.

Còn về chính sách tiếp cận vốn, theo ông, địa phương nào cũng nhắm đến việc tranh thủ nguồn vốn của trung ương và vốn ODA. “Nhưng, nên nhớ dư địa của hai nguồn này là hết sức khó khăn trong thời gian tới và có một số thông tin cho biết khoảng tháng 7-2017 vốn ODA sẽ cạn kiệt”, ông cho biết.

Theo ông Hiệp, vốn từ trung ương tất nhiên phải tiếp tục tranh thủ, "nhưng trong bối cảnh hạn hẹp như hiện nay, phải chăng cần phải có cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách", ông gợi ý.

Theo ông, muốn như vậy, thì phải tạo một môi trường tốt hơn ở vùng kinh tế trọng điểm này. “Muốn thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, thì phải có cơ chế tài chính sáng tạo, trong đó nguồn lực của tư nhân là một trong những nguồn lực rất quan trọng”, ông cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới