(KTSG Online) - Các kỳ lân khởi nghiệp, tức công ty khởi nghiệp (startup) được định giá 1 tỉ đô la Mỹ trở lên, ở châu Á đang chịu sức ép từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Số kỳ lân mới được tạo ra tại khu vực này ngày càng giảm trong bối cảnh giới đầu tư ngày càng thận trọng với các khoản đầu tư mang tính rủi ro cao.
- Các kỳ lân Ấn Độ đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự trong thời kỳ đại dịch
- Các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á chạy đua IPO
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 321 kỳ lân tính đến cuối tháng 7, chiếm chưa đến 30% trong tổng số 1.178 kỳ lân trên toàn cầu, theo dữ liệu của CB Insights. Con số đó thấp hơn so với Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa tổng số kỳ lân toàn cầu. Châu Á hiện lên như một bức tranh mờ nhạt trong các xu hướng tăng trưởng liên quan đến kỳ lân trong năm qua.
Các kỳ lân của châu Á - Thái Bình Dương có tổng giá trị thị trường 1,04 ngàn tỉ đô la Mỹ vào tháng 7, tức trung bình 3,2 tỉ đô la Mỹ cho mỗi kỳ lân, hầu như không thay đổi so với mức trung bình khoảng 3 tỉ đô la Mỹ vào tháng 9 năm ngoái, ngay cả khi số lượng kỳ lân trong khu vực đã tăng gần 20%.
Mức định giá trung bình của kỳ lân đang giảm ở một số nước. Tại Ấn Độ, nơi có 69 kỳ lân, chỉ đứng sau Trung Quốc ở khu vực châu Á, mức định giá trung bình mỗi kỳ lân đã giảm xuống còn 2,9 tỉ đô la Mỹ từ 3,3 tỉ đô la Mỹ hồi tháng 9-2021. Mức định giá chỉ tăng mạnh ở những tên tuổi lớn như Byju's, một kỳ lân về công nghệ giáo dục, với mức tăng 40%, lên 22 tỉ đô la Mỹ. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Singapore và Hàn Quốc.
Trung Quốc, quê hương của 173 kỳ lân, chứng kiến mức định giá trung bình mỗi kỳ lân lên mức 3,8 tỉ đô la Mỹ, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng của các kỳ lân lớn nhất. Nhà bán lẻ điện tử thời trang nhanh Shein, có trụ sở tại TP. Nam Kinh, Trung Quốc, đã xây dựng cơ sở khách hàng mở rộng sang châu Âu, Mỹ và Trung Đông và đã chứng kiến mức định giá của nó tăng gấp 6 lần so với tháng 9 năm ngoái, lên 100 tỉ đô la Mỹ. Nhưng những trường hợp có mức định giá tăng nhanh như vậy là rất ít.
Trong khi đó, tốc độ xuất hiện kỳ lân mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chậm lại rõ rệt, chỉ tăng thêm 15 kỳ lân trong quý vừa qua, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Môi trường huy động vốn quỹ kém thân thiện là một trong những yếu tố chính đằng sau sự thay đổi này. Thị trường khởi nghiệp trước đây ngập tràn tiền mặt nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ, dẫn đến mức định giá của các startup tăng cao vượt trội so với giá trị thực của chúng. Một nguồn tin trong ngành đầu tư mạo hiểm cho biết: “Vào thời kỳ đó, việc tạo ra các kỳ lân đã trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư và doanh nhân”.
Giờ đây, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, giới đầu tư đang có cách tiếp cận thận trọng hơn, khiến các công ty khởi nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn để thu hút nguồn vốn mạo hiểm sẵn sàng đầu tư đang thu hẹp.
Sự gia tăng số lượng kỳ lân cũng dẫn đến những hoài nghi vì có những lo ngại rằng sự chùng xuống của thị trường chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang khiến các startup trì hoãn niêm yết cổ phiếu lần đầu.
Các công ty ở châu Á - Thái Bình Dương đã huy động được 50,9 tỉ đô la Mỹ trong 393 đợt IPO trong nửa đầu năm nay, tương ứng với mức giảm 40% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Các startup ít có khả năng đạt được mức định giá mà họ mong muốn trong những điều kiện thị trường bất ổn như vậy và các cổ đông hiện hữu của họ có thể không thu hồi được vốn đầu tư.
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng châu Á, một trong số ít khu vực có triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc nhờ dân số tăng, sẽ tiếp tục sản sinh ra một lượng kỳ lân ổn định.
Shun Ishikawa, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư mạo hiểm Gunosy Capital (Nhật Bản), nhận định: “Châu Á sẽ thu hút tiền từ khắp nơi trên thế giới khi khu vực này đang nỗ lực số hóa cơ sở hạ tầng”.
Theo Nikkei Asia