(KTSG Online) – Thách thức cho việc xây dựng chính sách tài chính vĩ mô và điều hành thị trường tiền tệ vẫn chưa dừng lại, bởi các biến số kinh tế toàn cầu vẫn vẫn liên tục thay đổi.
Thị trường tài chính toàn cầu lại xảy ra biến cố mới khi Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chính thức thông báo đóng cửa ngân hàng First Republic và bên nhận xử lý sẽ là JPMorgan Chase. Theo Reuters, ngân hàng này sẽ tiếp quản danh mục khoản vay trị giá 173 tỉ đô la Mỹ, 30 tỉ đô la chứng khoán và bao gồm 92 tỉ đô la tiền gửi.
Giá trị tài sản của First Republic vào thời điểm bị tiếp quản khoảng hơn 220 tỉ đô la Mỹ, là ngân hàng lớn thứ 14 của nước Mỹ tính đến cuối năm 2022. Như vậy, đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.
Quy mô của First Republic lớn hơn một chút so với Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng đã sụp đổ trong tháng 3-2023. Các ngân hàng phương Tây đã sụp đổ trong thời gian qua có thể kể Signature Bank (Mỹ) hay Credit Suisse (Thuỵ Sỹ).
Những diễn biến này cho thấy thách thức vĩ mô từ các biến số kinh tế toàn cầu vẫn chưa dừng lại. Tháng 5 cũng là thời điểm mà cả thế giới đứng trước ngã ba đường, đánh giá lại về khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng đô la Mỹ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng.
Là một quốc gia có độ mở thương mại tương đối lớn, Việt Nam hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn từ những diễn biến mới nhất trên thị trường tài chính quốc tế.
Báo cáo kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê cho thấy nền kinh tế vẫn đang đối diện với những khó khăn, do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 108,6 tỉ đô la, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, kinh tế vẫn có điểm sáng khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 19% kế hoạch, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tính đến ngày 20-4 tăng 11,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.
Từ tháng 3 đến nay, các chuyên gia đánh giá tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam đã rõ ràng hơn. Ngân hàng Nhà nước hai lần giảm lãi suất điều hành, cũng như ban hành liên tiếp Thông tư 02 cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện giãn nợ tối đa 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời ban hành Thông tư 03 liên quan đến hoạt động mua bán trái phiếu của ngân hàng.
Đợt giảm lãi suất vừa qua được xem là động thái điều hành linh hoạt, được xem là định hướng quan trọng cho xu hướng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều rủi ro bất định, việc linh hoạt điều hành cũng đồng thời góp phần tạo thêm dư địa để kinh tế Việt Nam thích ứng với những biến động trên thị trường thế giới và ổn định vĩ mô.
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô toàn cầu thay đổi liên tục, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cùng phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 (Vietnam Banking Forum 2023), với chủ đề: “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”.
Diễn đàn thường niên năm nay có sự góp mặt của TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với bài trình bày về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam nửa cuối năm; bà Hà Thị Kim Nga, Cán bộ kinh tế cao cấp, Văn phòng đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, trình bày về áp lực của việc điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam và khuyến nghị chính sách để ổn định vĩ mô trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu còn nhiều bất ổn; đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ trao đổi thêm về chính sách tiền tệ linh hoạt trong thời gian tới.
Ngoài ra, diễn đàn còn bao gồm hai phiên thảo luận về áp lực thị trường, các biến số kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và những bài toán của thị trường nội địa, định hướng chính sách tiền tệ và làm thế nào để tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định.
Theo đó, các diễn giả tham gia thảo luận có TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS); ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư, Ngân hàng OCB và các diễn giả khác là chuyên gia uy tín, lãnh đạo ngân hàng.
Sự kiện Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng lần thứ tư sẽ diễn ra vào ngày 10-5 tới đây tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (ICC) tại Hà Nội, cùng sự góp mặt của hơn 120 khách mời là các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và nhiều định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.
Tiếp nối thành công của những sự kiện trước đây, mục tiêu cuối cùng của diễn đàn năm nay là làm thế nào để gia tăng hiệu quả linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Mọi diễn đàn thảo luận phải có trách nhiệm làm rõ những ẩn số và chìa khóa giải pháp cho những vấn đề quan trọng nhất. Ẩn số lớn nhất trong giai đoạn hiện nay chính là tình trạng bất ổn tài chính tiền tệ toàn cầu, tập trung trước hết ở Mỹ và Châu âu. Lạm phát cao và dai dẳng. Nhiều ngân hàng, kể cả các đại gia có máu mặt, lâm vào cảnh phá sản, bị thôn tính. Lý do là lòng tin vào chính sách tiền tệ đang ở mức thấp tồi tệ. Chính sách tiền tệ đang ở vị thế tiên phong nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro kèm theo. Cho nên việc can thiệp và xử lý ở mức độ nào, liều lượng ra sao cần phải được cân nhắc thận trọng.