Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chợ chiều chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chợ chiều chứng khoán

Thanh Thương

Chợ chiều chứng khoán
Chán nản là tâm trạng chung của nhà đầu tư khi mà thị trường chứng khoán lình xình qua nhiều tháng. Ảnh: Thanh Tùng.

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán đang lâm vào cảnh chợ chiều khi giao dịch ngày càng thấp, nhiều cổ phiếu bán không có ai mua, chuyện chỉ năm nay mới có.

Trong năm 2012, thời kỳ chứng khoán được mua bán sôi động nhất là tháng 3 đến tháng 5, với giao dịch mỗi tháng tại sàn TPHCM lên xấp xỉ 30.000 tỉ đồng, từ sau thời gian đó đến nay mỗi tháng thanh khoản càng kiệt quệ hơn khi thị trường chứng khoán không tìm được lối ra.

Đến thời điểm này của tháng 11, tức gần nửa tháng, giá trị giao dịch của sàn TPHCM mới chỉ đạt khoảng hơn 4.000 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 so với tháng 10 và tháng 9, nhưng nếu so với tháng 8 thì chỉ bằng 1/4.

Giao dịch chứng khoán các tháng gần đây.

Không chỉ giao dịch giảm, thống kê sơ các cổ phiếu đang niêm yết trên cả sàn Hà Nội, TPHCM và UPCoM trong 20 phiên gần nhất sẽ thấy nhiều cổ phiếu không có giao dịch trong cả 20 phiên này. Sàn UPCoM  có 132 cổ phiếu đang niêm yết thì có 71 cổ phiếu không có giao dịch nào trong 20 phiên. Ở sàn Hà Nội, có khoảng 16 cổ phiếu là không có ai mua bán trong thời gian đó. Không có cổ phiếu nào nằm trong dạng đó ở sàn TPHCM nhưng ở sàn có vốn hóa lớn nhất này cũng có một số cổ phiếu chỉ chuyển nhượng vài trăm cổ phiếu trong một phiên.

Theo tiến sĩ Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, nguyên nhân dẫn đến việc không có giao dịch của các cổ phiếu này một phần là do tiềm năng của cổ phiếu không được đánh giá cao vì công ty kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ, thêm nữa là nhiều cổ phiếu kết quả kinh doanh tốt nhưng giá cao khiến cho nhà đầu tư ngần ngại. Nhưng cũng có một số cổ phiếu do nhà đầu tư thiếu thông tin do công ty quá kín tiếng nên cũng ít có giao dịch.

Một dạng nữa là dù đã lên sàn nhưng những cổ phiếu cổ đông bên ngoài nắm là không nhiều, chủ yếu là lãnh đạo và cán bộ công nhân viên nắm nên ít có giao dịch, họ mua cổ phiếu là để đầu tư vào doanh nghiệp và lãnh cổ tức, ít có nhu cầu mua đi bán lại, ví dụ như trường hợp cổ phiếu MCF của Công ty Xây lắp Cơ khí và lương thực thực phẩm, dù giá chỉ xoay quanh 10.000 đồng, công ty làm ăn có lãi, thậm chí đã hoàn thành kế hoạch năm và cổ tức dự kiến chia năm sau là 20% thì trong 6 phiên liên tiếp gần nhất đã có đến 5 phiên MCF không có giao dịch nào.

Hỏi một nhà đầu tư chứng khoán về việc vì sao không chọn một cổ phiếu như MCF, ông bảo đã từng nắm khoảng 1.000 cổ phiếu, nhưng khi bán phải cả tháng trời mới bán hết chừng này do quá ít lệnh mua, vì vậy nếu mua sẽ chỉ chọn cổ phiếu có thanh khoản.

Việc lên sàn của doanh nghiệp thường có 3 mục đích, một là huy động vốn, hai là tạo ra thanh khoản cho cổ phiếu, và cuối cùng là để minh bạch với cổ đông. Theo ông Chí, sở dĩ những cổ phiếu liên tục không có giao dịch như trên vẫn ở lại sàn trong bối cảnh cả 2 mục đích đầu đều không thực hiện được là do họ muốn chờ cơ hội của các năm sau, đồng thời cũng là để nhà đầu tư thấy rõ sự minh bạch của mình. Trên thực tế, thường thì nhà đầu tư sẽ không quen với việc cổ phiếu hủy niêm yết, cho dù là tự nguyện hay bắt buộc, và nếu hủy, nhà đầu tư sẽ chịu thiệt vì khó chuyển nhượng cổ phiếu.

Trên thực tế, việc cổ phiếu có thời gian không giao dịch quá dài cũng sẽ bị hủy niêm yết, nhưng với thời hạn lên đến 12 tháng thì thị trường chưa có tiền lệ hủy niêm yết vì lý do này.

Ông Chí cho rằng thị trường chứng khoán cũng là chợ, vì vậy hàng hóa có khi bán được có khi không, đó là bình thường, nhưng trong bối cảnh này thì nó khắc họa lại cái chợ chứng khoán dường như đang về chiều, nên cả người mua lẫn người bán không mặn mà.

Nói về diễn biến của thị trường trong thời gian tới, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Âu Việt cho rằng thị trường sẽ chưa có gì khởi sắc cho đến hết 2-3 năm nữa khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa lấy lại đà tăng. Thanh khoản kiệt quệ cũng là nguyên nhân khiến AVS muốn rời khỏi thị trường chứng khoán để giảm lỗ.

Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn cũng cho rằng quỹ của ông không dự định sẽ giải ngân trong thời gian này, vì ông cho rằng chưa có dấu hiệu nào hỗ trợ thị trường, kể cả đến năm sau thì quyết định mua bán cũng sẽ dè dặt, và mục đích sẽ là đầu tư vào một số công ty dài hạn thay vì lướt sóng trên sàn chứng khoán.

Khi các tổ chức lớn cũng có quan điểm ngần ngại thì thanh khoản thị trường sẽ khó mà có cơ hội cải thiện trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới