(KTSG Online) – Sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trong 11 năm qua, thị trường tiền tệ, vàng... tuần này tiếp tục chờ tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
- Ngân hàng trung ương châu Âu lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ 2011
- Chuyên gia nhận định chứng khoán Việt Nam chịu áp lực lớn từ chính sách lãi suất của Fed
Trong tuần trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cao hơn so với kỳ vọng trước đó 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB sau 11 năm.
Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde nêu lý do tăng lãi suất là vì áp lực giá đang lan rộng ở nhiều ngành. Đại diện này đánh giá lạm phát vẫn sẽ ở mức cao không thể tránh khỏi, hãng tin Reuters dẫn lại.
Sau khi tăng lãi suất, ECB cũng chưa đưa ra thông tin nào thêm về khả năng tăng lãi suất dự kiến vào tháng 9, chỉ nói rằng các quyết định sẽ đưa ra theo từng cuộc họp.
Sau động thái này, đồng euro tăng lên mức cao nhất là 1,0278 đô la Mỹ, sau đó giảm trở lại về mức 1,0183, nhưng phục hồi vào cuối tuần khi đồng bạc xanh giảm nhẹ. Tại thời điểm hiện tại, tỷ giá euro so với đô la Mỹ giao ngay ở mức 1,020, tức đồng euro đang tiếp tục xu hướng giảm so với đô la Mỹ.
Đồng bạc xanh trong tuần này là tâm điểm chú ý, khi Fed sẽ họp bàn chuyện tiếp tục tăng lãi suất, với kỳ vọng tăng 75 điểm cơ bản. Trước đó, Fed đã tăng thêm 25 điểm hồi tháng 3 và 50 điểm hồi tháng 5.
Trong bối cảnh đó, thị trường vẫn chia làm “hai phe”, dự đoán về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát, ngược lại là khả năng “nhẹ tay” hơn khi lo ngại về suy thoái kinh tế.
Khả năng suy thoái kinh tế cũng được nhắc đến nhiều hơn khi trong tuần trước, thông tin về sự hồi phục kinh tế của Mỹ trở nên đáng quan ngại hơn.
Theo đó, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vào tháng 7 đã giảm so với tháng 6, hoạt động dich vụ cũng thu hẹp. Hãng Bloomberg dẫn lại Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nói rằng dữ liệu sơ bộ mới nhất về PMI cho thấy nền kinh tế đang “xấu đi đáng lo ngại”.
Khả năng tăng lãi suất của Fed cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường hàng hóa trong tuần qua, đặc biệt là vàng.
Theo đó, vàng tiếp tục chuỗi 5 tuần giảm điểm, về mức giá thấp nhất trong vòng một năm là 1.678 đô la Mỹ/oz. Tuy nhiên ngay sau đó vàng lại bật mạnh vào cuối tuần trước thông tin về diễn biến đồng đô la Mỹ đang yếu đi, và các nhà phân tích nói nhiều hơn về việc Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt của mình. Theo đó, giá vàng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tuần tăng vọt trở lại mức 1.721,40 đô la Mỹ/ounce, tăng hơn 1%.
Theo khảo sát của Kitco News mới đây, trong tuần Fed tăng lãi suất, nhưng có đến 67% lạc quan về giá vàng tuần này, khoảng 33% dự báo giảm và không có ai đoán thị trường đi ngang.