Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ dòng tiền bứt phá hơn nữa!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong tuần giao dịch trước (từ 19 đến 23-6-2023), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến tương đối khởi sắc với việc chỉ số VN-Index tiệm cận lại khu vực đỉnh cũ quanh 1.125 điểm.

Dòng tiền bắt đáy tham gia giúp hầu hết các nhóm ngành đều tăng tốt, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu hóa chất và thép. Dù vậy, sự giằng co vẫn được thể hiện rõ nét khi chỉ số chưa thể bứt phá hẳn khỏi vùng kháng cự mạnh. Tính chung trong cả tuần, VN-Index tăng 14 điểm, tương đương 1,27% lên mức 1.129 điểm.

Trái ngược với sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền nội, khối ngoại lại có tuần bán ròng ngàn tỉ đồng. Cụ thể nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 1.000 tỉ đồng trong năm phiên giao dịch, chia đều trên hai kênh khớp lệnh và thỏa thuận.

Trong ngày 23-6, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 TTCK trên thế giới, trong đó thông tin đáng chú ý là Việt Nam vẫn chưa góp mặt trong danh sách xem xét của tổ chức này để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Có chín tiêu chí MSCI đánh giá về Việt Nam nhưng đều không có sự thay đổi nào.

Cụ thể, theo MSCI, về tiêu chí giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Về tiêu chí quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Về tiêu chí mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).

Về tiêu chí đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thông qua. Về tiêu chí luồng thông tin, MSCI đánh giá các thông tin về TTCK thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết. Về hoạt động thanh toán và bù trừ, hiện Việt Nam không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước. Về tiêu chí khả năng chuyển nhượng thì một số giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vẫn cần được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Hiện tại, Việt Nam đang là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số cận biên (Frontier Markets) của MSCI. Theo báo cáo mới nhất, cổ phiếu Việt Nam chiếm khoảng 27,3% danh mục của MSCI Frontier Markets Index.

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng bao gồm (1) thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường; (2) nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; (3) hoàn thiện cơ chế chính sách; (4) vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài; (5) tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và (6) tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Trên thị trường thế giới, áp lực điều chỉnh đã quay trở lại trên TTCK Mỹ tuần qua, đánh dấu tuần sụt giảm của các chỉ số chính sau chuỗi tuần tăng giá liên tiếp. Theo đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng thời rớt 1,4%, đứt mạch năm tuần tăng liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones mất gần 1,7%, chấm dứt mạch ba tuần tăng liên tiếp.

Trên thị trường tiền mã hóa, sắc xanh lan tỏa trong tuần qua khi nhà đầu tư hứng khởi với thông tin nhiều ông lớn muốn mở một quỹ ETF tiền mã hóa giao ngay. Nhờ thông tin tích cực trên, giá bitcoin đã tăng hơn 17%, lên mức trên 30.775 đô la Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, giá bitcoin đã phục hồi 82%. Nhìn chung, giá các loại tài sản rủi ro trên toàn cầu thời gian gần đây đang được hưởng lợi từ kỳ vọng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đi đến hồi kết, mở đường cho đà phục hồi kinh tế.

Về diễn biến của TTCK trong nước, trong tuần này các nhà đầu tư sẽ chờ đón những số liệu về tình hình kinh tế quí 2 cũng như sáu tháng đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường có thể sẽ xuất hiện hiệu ứng “chốt NAV” bán niên của các quỹ.

Tại vùng cản 1.125-1.130 điểm, VN-Index vẫn đang cần một động lực lớn hơn từ dòng tiền để có thể bứt phá mạnh mẽ. Áp lực “rung lắc” vẫn hiện hữu tại khu vực này buộc các nhà đầu tư phải linh hoạt và kỷ luật trong quản trị danh mục để tránh FOMO mua đuổi ở các vùng giá cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới