Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cho học sinh học trực tiếp kiểu ‘thập thò’, cha mẹ chịu sao xiết

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng thứ Hai, vừa mở cửa nhà để đưa hai con đến trường thì cô chủ nhiệm của đứa con nhỏ đang học tiểu học gọi điện báo vừa có một phụ huynh nghi ngờ con nhiễm Covid-19, đang xét nghiệm, nên cả lớp trở lại học trực tuyến trong hôm nay.

Thế là lịch học hành, làm việc phải thay đổi vào giờ chót. Nhà bốn người được chia làm hai ngả, hai người đến trường, công sở để học hành, làm việc trực tiếp, hai người còn lại ở nhà học trực tuyến và làm việc từ xa. Tất cả lịch họp hành, gặp gỡ công việc được lên lịch hàng tuần trước phải hủy ngay lập tức.

Câu chuyện sáng nay của gia đình chúng tôi kể ra thì nghe có vẻ khá êm xuôi, như kiểu "bật - tắt" để sống chung với dịch, nhưng thực tế lại cực kỳ rối.

Ở lớp tụi nhỏ, có chưa đến một nửa số học sinh có thể lên mạng học sáng nay vì cha mẹ không xoay xở kịp. Mấy đứa đang lỡ trớn đi trên đường thì phải theo cha/mẹ vào công sở... ngồi chơi vì nơi làm việc đâu có chỗ cho trẻ học hành.

Mấy đứa kịp ở nhà lại loay hoay khó học vì thiếu tập sách hoặc đói bụng... Học bán trú mà, chuyện ăn uống và tập vở đều để hết trong trường cho nên chẳng ai xoay kịp khi bị "đánh úp" vào phút chót.

Còn phụ huynh thì khỏi nói, ai cũng méo xẹo vì bất thình lình không thể giải quyết được công ăn việc làm, y như những câu chuyện "bật - tắt" dở khóc dở cười đang "rần rần cõi mạng" từ một tuần qua, kể từ khi học sinh tiểu học và mẫu giáo tại nhiều địa phương được đi học trực tiếp.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn có dịch nên gần như ai cũng hiểu, mọi việc có thể thay đổi tùy theo diễn biến của dịch bệnh, nhưng nếu cứ thay đổi vào phút chót như thế này là không ổn.

Cho trẻ đến trường, cũng như nối lại các hoạt động kinh tế, xã hội là phải chấp nhận với tình trạng sẽ có những người nhiễm Covid-19 trong lúc học hành, làm việc. Vì thế, tương tự như nhà máy, công sở, trường học cũng cần có kế hoạch và kịch bản chủ động ứng phó.

Mấy người bạn sống ở Nhật Bản kể, nước này có một số mô hình cho trẻ học trong suốt hai năm dịch vừa qua. Trong đó, ở một số tỉnh, trẻ học xuyên suốt qua mùa dịch theo phương pháp trực tuyến kết hợp trực tiếp với quy trình rõ ràng về phòng dịch và xử lý khi có ca nhiễm.

Theo lịch trình cố định hàng ngày, mỗi lớp sẽ chia đôi, luân phiên một nửa đến trường, nửa còn lại ở nhà học qua mạng. Điều này giúp nhà trường có thể thực hiện giãn cách khi giảng dạy. Giờ ăn cũng được bố trí luân phiên nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm.

Học sinh được hướng dẫn nằm lòng và tự thực hiện quy trình tự kiểm tra sức khỏe trước khi đến lớp. Khi có biểu hiện như đau họng, ho, sổ mũi hoặc sốt, đo thân nhiệt trên 370C là trẻ sẽ báo giáo viên, ở nhà theo dõi sức khỏe, nếu hôm sau bình thường thì đi học lại còn nhiễm bệnh thì điều trị.

Những học sinh có tiếp xúc với bạn bị nhiễm Covid-19 nhưng không ngồi đối diện dưới 1 mét, không trò chuyện quá 10 phút thì cũng không bị xếp vào nhóm F1 (tiếp xúc gần) nên vẫn tiếp tục đến lớp.

Đặc biệt, nhà trường không công bố tên học sinh bị nhiễm để trẻ không hoang mang, mọi việc sẽ được xử lý theo quy trình. Ai có công việc nấy để lịch trình giảng dạy bảo đảm được thực hiện xuyên suốt còn phụ huynh có điều kiện chủ động sắp xếp công việc.

Có thể, mô hình giảng dạy trong thời dịch ở Nhật Bản không phù hợp với điều kiện của một số vùng ở Việt Nam nhưng với tình trạng nhiều phụ huynh và học sinh bị ảnh hưởng bởi việc học "tắt - mở" đột ngột như hiện nay, ngành giáo dục nên tham khảo để có quy trình giúp phát hiện và chủ động ứng phó khi có học sinh nhiễm bệnh.

Rõ ràng, việc chỉ vì một trẻ nghi ngờ nhiễm Covid-19 mà hàng chục học sinh cùng phụ huynh phải đột ngột ở nhà, không biết ngày mai, ngày mốt có thể đến trường trở lại hay không, sẽ tiếp tục học hành, làm việc theo kiểu nào, là không ổn trong giai đoạn "bình thường mới" và cần phải điều chỉnh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình thường mới cũng có nghĩa là ON/ OFF khi cần thiết. Nếu phụ huynh cảm thấy an toàn cho con trẻ thì cứ mạnh dạn cho đến trường. Nếu không thì vẫn cứ ở nhà học trực tuyến. Nhà trường phải đồng thời áp dụng cả hai phương thức. Dù sao, có lựa chọn vẫn tốt hơn không có gì để lựa chọn cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới