(KTSG) - “Chúng ta có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai cách quản lý, hoặc là Nhà nước ấn định về giá hoặc để thị trường quyết định và tự điều tiết. Cũng nên cân nhắc giảm hoặc bỏ các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường để giá xăng dầu giảm xuống”, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nêu quan điểm về những bất cập trên thị trường xăng dầu và cách thức điều hành, quản lý giá xăng dầu tại Việt Nam.
- Nhập khẩu xăng dầu dự báo tiếp tục khó khăn
- Việc quản lý kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 cơ quan
Lỗ không bán, lời cũng... găm hàng
KTSG: Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10-2022, giá xăng dầu liên tiếp có các lần điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, thị trường xăng dầu cả nước biến động, tình trạng thiếu xăng dầu, cây xăng treo bảng hết hàng hay bán nhỏ giọt xảy ra từ thị trường miền Tây Nam bộ, lan tới TPHCM và Hà Nội. Theo ông, đó có phải là một sự trùng hợp... ngẫu nhiên?
TS. Huỳnh Thanh Điền: Trước tiên phải xác định, đối với doanh nghiệp, nguyên tắc kinh doanh là lợi nhuận. Khi giá xăng được điều chỉnh tăng, họ sẽ vui; ngược lại, họ kêu lỗ, và như thời gian vừa qua là không bán hoặc không nhập hàng để bán.
Đây có phải là một hiện tượng mới không? Tôi khẳng định là không. Đó chỉ là biểu hiện khác của một vấn đề cũ.
Năm nào cũng vậy, trước kỳ điều chỉnh giá xăng là nhiều doanh nghiệp kinh doanh nghe ngóng. Nếu tăng giá thì họ tìm lý do để đóng cửa trước đó 1-2 ngày, găm hàng không bán. Sau khi giá xăng được điều chỉnh chính thức, họ bán ra và thu lợi.
Nghĩa là, tại thị trường Việt Nam, đang tồn tại một hiện tượng tréo ngoe: doanh nghiệp thấy lỗ không bán và doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhiều cũng có thể không bán hàng.
Tất nhiên, phải xét thêm một yếu tố nữa. Theo quy định, doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ thương mại ít nhất 20 ngày, doanh nghiệp phân phối ít nhất 5 ngày. Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới có tăng có giảm và việc điều hành giá xăng bám sát diễn biến thế giới, việc dự trữ này sẽ giúp doanh nghiệp cân đối phần nào lời - lỗ.
Tại thị trường Việt Nam, đang tồn tại một hiện tượng tréo ngoe: doanh nghiệp thấy lỗ không bán và doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhiều cũng có thể không bán hàng.
Thế nhưng, diễn biến giá dầu thế giới hiện nay rất phức tạp, với nhiều động thái muốn giữ giá dầu ở mức cao của các nước xuất khẩu lớn, lệnh trừng phạt với xăng dầu của Nga từ các nước phương Tây...
Về điều hành trong nước, trong suốt hai tháng, giá xăng giảm liên tục. Như đã nói, khi điều chỉnh giảm giá thì doanh nghiệp thấy lỗ, họ lại không biết giá giảm tiếp thế nào nên họ không nhập dẫn đến thiếu hụt cục bộ.
KTSG: Thế nhưng, theo các số liệu được ngành chức năng công bố chính thức, Việt Nam đã tự sản xuất được khoảng 80% xăng dầu cung ứng cho toàn thị trường nội địa. Có thể hiểu gần như chúng ta đã chủ động được nguồn cung và phần nào chủ động được về giá phải không, thưa ông?
- Quả thật, thời gian vừa qua, những doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhập xăng từ thị trường trong nước bán rất tốt. Nhưng cũng có những doanh nghiệp đầu mối lựa chọn nhập từ nguồn nước ngoài, và như tôi đã nói, họ không biết điều hành giá tiếp sẽ thế nào nên không nhập nữa.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, trong quí 2-2022, Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi kỷ lục 9.900 tỉ đồng, tới quí 3, lợi nhuận sau thuế là gần 455 tỉ đồng. Tình hình tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa được thuận lợi như vậy. Tháng 5-2022, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp thực hiện các cam kết theo hợp đồng cung cấp sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước. Hiện doanh nghiệp này được cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, thúc đẩy các bên liên quan cho việc tái cấu trúc tổng thể.
Về giá, theo Nghị định 95/2021, giá xăng dầu trong nước được tính bằng giá xăng dầu thế giới cộng trừ các yếu tố khác, theo điều kiện vận chuyển thực tế trong nước. Đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có Nghị định 85/2022 về cơ chế xử lý tài chính cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án này.
Nhìn chung, chúng ta chỉ có thể khẳng định chắc chắn, Việt Nam không bao giờ thiếu xăng dầu.
KTSG: Thưa ông, vậy còn vai trò của nhóm các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu mà Nhà nước vẫn đang giữ cổ phần chi phối?
- Xăng dầu không giống như điện. tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang có 100% vốn nhà nước, việc cổ phần hóa chỉ xảy ra ở các công ty thành viên và ở các doanh nghiệp này, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.
Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, không có doanh nghiệp nào hiện còn 100% vốn nhà nước. Nhà nước giữ cổ phần chi phối và được lựa chọn người đại diện doanh nghiệp còn mọi quyết định đều phải ra hội đồng cổ đông.
Tôi nghĩ chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp xăng dầu là đúng. Hiện giờ quan trọng nhất là việc Nhà nước quản lý thị trường và phải chọn đúng phương pháp.
Quản lý tốt, giá xăng dầu có thể giảm
KTSG: Vậy đó là phương pháp nào, thưa ông? Làm cách nào để có thể xử lý triệt để hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trên thị trường xăng dầu?
- Chúng ta có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai cách quản lý. Đầu tiên, nếu xác định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giá xăng dầu ổn định sẽ mang lại tăng trưởng đủ để bù đắp cho phần chênh lệch do phải bù giá, Nhà nước sẽ quản lý giá xăng dầu. Khi đó, giá bán được ấn định, không phụ thuộc vào diễn biến thị trường thế giới. Nhà nước chỉ tính toán nhu cầu xăng dầu theo năm, lượng thiếu hụt và lượng dự trữ để điều tiết.
Việc điều chỉnh giá vẫn thực hiện nhưng với tần suất thấp, dựa vào diễn biến giá trên thế giới. Nếu giá thế giới có xu hướng tăng và sẽ không dừng lại thì buộc phải tăng giá. Nếu giá thế giới có xu hướng giảm và sẽ tiếp tục duy trì đà giảm trong năm tới thì điều chỉnh giảm.
Cách thứ hai là để thị trường quyết định. Nhà nước tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, không giới hạn doanh nghiệp tham gia thị trường và không can thiệp tới giá bán. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động nhập xăng dầu, mở rộng địa điểm phân phối, doanh nghiệp nào bán giá cao thì không có khách hàng, tự phải điều chỉnh hoặc phá sản. Như vậy thị trường sẽ tự điều tiết và Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường có khuyết tật.
Trong cả hai lựa chọn này, Nhà nước đều cần mở rộng kho dự trữ quốc gia. Khi giá ấn định thấp hơn quá nhiều so với giá sản xuất trong nước và giá nhập khẩu, hay khi giá thị trường tăng quá cao thì có thể rút từ kho dự trữ ra để ổn định cung cầu, giúp giá giảm xuống.
KTSG: Liệu chúng ta có dư địa để giảm giá xăng dầu không, thưa ông? Chẳng hạn, có thể tính tới việc đa dạng nguồn nhập khẩu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường hiện hữu.
- Nhập từ đâu là chuyện của doanh nghiệp, dựa vào các mối quan hệ làm ăn, đối tác... của họ. Doanh nghiệp bán hàng theo giá thị trường, họ sẽ tự quyết định nguồn hàng nào có lợi cho việc kinh doanh nhất.
Có thể họ nhập từ Hàn Quốc, Singapore, hay nhập từ Trung Quốc, có thể có giá rẻ hơn mặt bằng giá chung do đã nhập được một khối lượng lớn xăng dầu giá rẻ. Chỉ chắc chắn rằng, khi thị trường điều tiết thì sẽ có sự cạnh tranh về giá và doanh nghiệp nào cũng sẽ mong muốn nhập từ nguồn rẻ nhất để có sức cạnh tranh lớn nhất.
Về phía quản lý, có nên tiếp tục giữ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hay bỏ các loại thuế này để giá xăng dầu giảm xuống? Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế các loại hàng xa xỉ hay có thể gây ra tác động xấu như thuốc lá, rượu bia.
Thế nhưng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, người nghèo hay giàu đều phải sử dụng để đi lại, di chuyển. Tương tự với thuế bảo vệ môi trường, không thể bảo người dân không dùng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu để tránh tác động xấu tới môi trường.
Việc thu toàn diện đối với sản phẩm thiết yếu không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Chưa kể, kinh tế phát triển tốt thì nguồn thu về ngân sách sẽ tăng, bù đắp lại khoản hụt thu do bỏ hay giảm thuế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 5-11-2022 về chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ quan này đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Nghị định 95/2021 quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần, căn cứ vào giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới. Tuy nhiên, đó là trong điều kiện bình thường. Do thị trường xăng dầu hiện tại rất dị biệt nên quy định hiện hành bộc lộ khiếm khuyết. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉ đạo sát hơn so với tình hình. Nếu như 10 ngày không phù hợp thì có thể rút xuống còn 5 ngày. Thậm chí, nếu đa số người dân và các đối tượng chịu tác động đề xuất điều chỉnh theo ngày thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu các cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt vì giá xăng dầu ảnh hưởng tới tất cả giá hàng hóa trong nước .Năm 2000, tô phở gần nhà tôi là 10.000 thì giá một lít xăng là 15.000 .Rồi giá xăng tăng nhiều lần thì phở cũng ăn theo tăng nhiều lần, rồi xăng giảm n lần nhưng phở vẫn giữ giá y nguyên không giảm lần nào . Bây giờ giá một lít xăng là 25.000 thì tô phở gần nhà tôi đã 50.000. Giá xăng trên thế giới luôn luôn không ổn định lúc tăng lúc giảm,, nếu cứ để xăng tăng giảm giá theo thế giới thì giá hàng hóa trong nước cũng tăng theo mà không giảm , lúc đó nhà nước khó kiểm soát được lạm phát. Có quỹ bình ổn nhưng quỹ này không có tác dụng nhiều vì vẫn để giá xăng nhảy múa theo giá thế giới dù biên độ thấp hơn một chút. Giá xăng có lúc lên tới 32.000 và cũng có lúc xuống còn 15.000 trong khoảng mười năm gần đây. Nên cố định giá xăng ở một mức duy nhất trong nhiều năm , thí dụ 30.000 một lít ( nên xem thống kê giá xăng trong mười năm xem mức giá nào thích hợp nhất ), lúc giá xăng xuống dưới giá này thì số dư đưa vào quỹ bình ổn, lúc giá xăng lên cao hơn giá này thì trích quỹ bình ổn để giữ giá xăng y nguyên .Vì giá xăng ảnh hưởng tới giá tất cả hàng hóa trong nước, nên lúc cần thiết khi giá xăng tăng quá cao, quỹ bình ổn không gánh được thì nhà nước sẽ giảm thuế để giữ giá xăng y nguyên, việc giảm thuế xăng này rất có lợi cho việc bình ổn giá hàng hóa trong nước . Nếu việc này được thực hiện , tôi tin giá hàng hóa sẽ ổn định trong thời gian dài, nhà nước sẽ kiểm soát được lạm phát.