Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Chọn cái được cho nông dân’

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) – Theo đại biểu Quốc hội, đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận, ngân sách tăng thu nhưng nông dân chịu thiệt; nếu áp thuế 0%, doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế đầu vào, nông dân không chịu áp lực tăng giá còn ngân sách phải bù 1.500 tỉ đồng mỗi năm. Giữa cái được và cái mất, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chọn cái được cho nông dân.

Nếu phân bón chịu thuế VAT 5% thì theo ước tính, mỗi hộ nông dân phải trả thêm khoảng 461.000 đồng/năm.

Chiều 24-6-2024, Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Rất nhiều đại biểu, nếu không muốn nói là đa số, đề cập đến vấn đề có nên áp thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng phân bón không, nếu có thì thuế suất nên là bao nhiêu?

Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, việc chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5% “sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp”.

Lâu nay, theo phản ánh của doanh nghiệp phân bón trong nước, do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ.

Tuy vậy, trên hội trường, đa số đại biểu Quốc hội không tán thành đề xuất của Chính phủ. Theo đại biểu, tăng thuế VAT sẽ làm tăng giá phân bón và tăng chi phí của nông dân. “Lập luận nói rằng đánh thuế để giá giảm xuống là không thuyết phục”, ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội nói.

Bởi, ngay báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính chỉ ra, từ tháng 1-2015, sau khi phân bón không còn thuộc diện chịu thuế VAT theo quy định tại Luật sửa đổi các luật về thuế năm 2014, giá phân bón liên tục giảm, đến năm 2018 mới tăng lên là do Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất. Năm 2022, giá phân bón tăng rất nhiều là do xung đột giữa Nga với Ukraine. “Do vậy, không lý do gì nói rằng chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá”, ông Cường nói.

Bộ Tài chính cần tiếp tục đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng phải chịu thuế 5% ở cả hai góc độ: tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón và tác động đến giá thành phân bón, đến thu nhập của nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp để Quốc hội cân nhắc thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cũng cho rằng lập luận áp thuế VAT với phân bón sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm và giảm giá bán cho nông dân “chỉ là lý thuyết trong điều kiện nền kinh tế tập trung kế hoạch”.

Nay là kinh tế thị trường, giá sản phẩm do thị trường thế giới quyết định, trong nước dù sản xuất với giá thành bao nhiêu, cao hay thấp thì cũng bán sản phẩm theo giá thị trường thế giới.

Nếu giá trong nước thấp thì doanh nghiệp sẵn sàng xuất khẩu để thu lợi nhuận tối đa, không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải hy sinh lợi ích chính đáng của họ. “Nông dân luôn phải mua vật tư theo giá thị trường thế giới, cộng thêm thuế nếu có. Do vậy, nếu tăng thuế VAT tức là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp và đây là điều hiển nhiên, chắc chắn”, ông Lâm phân tích.

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang), nông nghiệp, nông dân của Việt Nam đa số sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất bấp bênh. “Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung luôn phải phập phồng trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu khiến phải mất mùa, nay tiếp tục oằn mình với những nỗi lo thua lỗ, nếu phân bón và vật tư nông nghiệp lại tiếp tục tăng cao”.

Trong khi chưa rõ việc áp thuế VAT có giúp giảm giá thành phân bón hay không thì có một hậu quả khác thấy được ngay. Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, nếu áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón, ngân sách sẽ thu được khoảng 5.700 tỉ đồng, sau khi khấu trừ cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỉ đồng thì ngân sách còn lại 4.200 tỉ đồng. “Hỏi rằng 4.200 tỉ đồng ngân sách thu và 1.500 tỉ đồng bù đắp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra? Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn, điều đấy bất hợp lý”.

Chia sẻ “ấm ức” của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, cho rằng chính sách của Nhà nước cũng cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm trong nước cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, có nhiều cách để hỗ trợ, không nhất thiết phải hy sinh lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, của ngành nông nghiệp, của khu vực nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Một trong số đó là đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 0% – như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất trên hội trường. Như vậy, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào mà không gây thiệt hại cho nông dân; tuy nhiên ngân sách hàng năm sẽ phải hoàn lại cho doanh nghiệp khoảng trên 1.500 tỉ đồng tiền thuế VAT đã thu từ các khâu trước.

Cũng ủng hộ áp thuế VAT 0% với phân bón như nhiều đại biểu khác, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng giữa cái được và cái mất, Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ một lần nữa đánh giá tác động của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, việc áp thuế VAT 5% với mặt hàng này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Khi được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đổi mới công nghệ, hạ giá thành, phát triển bền vững hơn.

Còn với nông dân, nếu phân bón chịu thuế VAT 5% thì theo ước tính, mỗi hộ nông dân phải trả thêm khoảng 461.000 đồng/năm, tương đương 38.000 đồng/tháng. Cũng theo ông Phớc, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng hay giảm tác động chính bởi yếu tố cung – cầu, mùa vụ. Giá sẽ tăng khi nguồn cung khan hiếm và ngược lại, giá giảm khi nguồn cung dồi dào.

Đến kỳ họp Quốc hội tháng 10-2024, vấn đề thuế suất VAT với mặt hàng phân bón mới được định đoạt. Từ nay tới đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng phải chịu thuế 5% ở cả hai góc độ: tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón và tác động đến giá thành phân bón, đến thu nhập của nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp để Quốc hội cân nhắc thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nông nghiệp – nông dân là nền tảng chủ lực của kinh tế đất nước. Doanh nghiệp phân bón có hai nhiệm vụ chính : Một là, cạnh tranh tốt, để tồn tại và phát triển. Hai là, đồng hành cùng nông dân để tạo thế và lực, không chỉ cho chính mình mà cho cả sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Thuế, với lĩnh vực phân bón lâu nay luôn được cân nhắc ưu đãi, nên không phải cái cớ để nói rằng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nông dân luôn là khách hàng quan trọng nhất của các nhà cung ứng phân bón. Vậy nên, không chỉ nhà nước, mà cả doanh nghiệp cũng phải cộng đồng trách nhiệm. Ngoài thuế, nhà nước cần có nhiều chính sách dài hạn khác để tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần và vật chất cho nông nghiệp và nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới