Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chọn lọc nhà mua hàng ngay cả khi ‘khát’ đơn hàng sản xuất

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh nền kinh tế khắp nơi khó khăn và thị trường tiêu thụ giảm mạnh kéo dài thì việc cẩn trọng với nhà mua hàng, đơn vị nhập khẩu và đáng chú ý là đối tác mới được xem là rất cần thiết với nhà sản xuất nhằm phòng ngừa và giảm rủi ro.

Đáng chú ý, sau đại dịch Covid, một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới sụp đổ, kéo theo đó là những hệ lụy với nhiều nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, trong đó có cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Không ít doanh nghiệp Việt cũng đã lao đao theo nhà nhập khẩu và khách hàng phân phối khi họ bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và lạm phát tăng cao...

House Home Furniture LLC (Noble House) gần đây đệ đơn theo Chương 11 xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ảnh minh họa: Los Angeles Daily News

Lao đao vì đối tác khó khăn

Việc nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ đồ nội ngoại thất với hơn 30 năm hoạt động Noble House Home Furniture LLC (Noble House) gần đây đệ đơn theo Chương 11 xin bảo hộ phá sản tại Mỹ khiến cho các nhà cung cấp hàng hóa trong nước thêm phần lo lắng về tình hình khó khăn của thương trường trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Đáng chú ý khi thông tin Noble House gặp khó khăn thì lập tức những công ty Việt Nam có hoạt động kinh doanh với doanh nghiệp ở xứ cờ hoa này cũng bị vạ lây, nhất là những công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Liền ngay sau đó, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước nêu tên những doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động cung cấp hàng hóa cho nhà phân phối xứ cờ hoa này, gồm có Công ty cổ phần Phú Tài (Gỗ Phú Tài, mã chứng khoán: PTB) và Công ty cổ phần Cẩm Hà.

Trong đó đáng chú ý Công ty cổ phầm Cẩm Hà bị ảnh hưởng tiêu cực với doanh thu của Noble House bình quân chiếm tới khoảng 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Hiện tại, Cẩm Hà cho biết đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của tòa án Mỹ để thu hồi các khoản phải thu đối với khách hàng Noble House.

Một công ty trong nước khác cũng có hoạt động kinh doanh với đối tác Noble House là Công cổ phần Phú Tài (Gỗ Phú Tài, mã chứng khoán: PTB), nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất và đá ốp lát sang thị trường Mỹ với tỷ trọng doanh thu lớn.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét nửa đầu năm cho thấy tại ngày 30-6, Phú Tài có khoản phải thu ngắn hạn hơn 79 tỉ đồng đối với Noble House, gấp khoảng 10 lần so với đầu năm.

Tuy nhiên, phía Phú Tài cũng đã nhanh chóng phản hồi thông tin này rằng ở thị trường xứ cờ hoa, công ty đồ gỗ này có nhiều khách hàng là các doanh nghiệp uy tín và truyền thống. Dù xác nhận Noble House cũng là khách hàng, nhưng Phú Tài cho rằng nhà phân phối này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 5%) trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường này.

Một số doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam bị ảnh hưởng khi Noble House đệ đơn theo Chương 11 xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ảnh minh họa là các mẫu thiết kế đồ ngoại thất của Noble House, nguồn: website doanh nghiệp

Phía Phú Tài khẳng định rằng các khách hàng của công ty tại thị trường Mỹ đều là khách hàng uy tín nhiều năm, luôn trả nợ đúng hạn và chưa có bất cứ khoản nợ quá hạn từ trước đến nay. So với thời điểm 30-6 vừa qua, số dư hiện tại phải thu với Noble House còn lại thấp hơn nhiều so với các thông tin đã đăng tải. Vì từ ngày 30-6, Noble House vẫn tiếp tục thực hiện thanh toán theo cam kết với công ty.

Mặt khác, đại diện Công ty Phú Tài cho rằng việc Noble House tuyên bố bảo hộ phá sản theo Chương 11 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Và việc bảo hộ phá sản như trên nhằm phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu Noble House trong thời gian tới.

Phú Tài cho biết Noble House vẫn đang liên hệ đặt hàng với công ty nhằm duy trì hoạt động kinh doanh thường xuyên và thực hiện thanh toán theo quyết định của tòa án.

Tuy nhiên, không chỉ hai doanh nghiệp niêm yết nói trên mà còn có một số doanh nghiệp đồ gỗ khác của Việt Nam không niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng đến việc xin bảo hộ phá sản của Noble House.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ ngành này, ngoài hai doanh nghiệp nói trên, ông còn biết có ít nhất 8 doanh nghiệp khác có giao dịch thương mại với Noble House. Các giao dịch của các nhà cung cấp Việt Nam liên quan có thể từ vài trăm ngàn và có cả nhà cung cấp lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, người này không tiện nêu tên vì đây là câu chuyện buồn trong kinh doanh và là thông tin riêng của những doanh nghiệp này.

"Đói" cũng không nhận khách hàng bất chấp

Câu chuyện công ty Noble House thua lỗ phải đi đến phá sản không phải là hiếm mà trước sức tiêu thụ kém và dai dẳng thì nguy cơ các nhà phân phối, ngành hàng khác thu hẹp kinh doanh hoặc đi đến đóng cửa được các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo là chuyện không xa.

Trên thực tế, Noble House chỉ là cái tên nối dài danh sách những doanh nghiệp phân phối, thương hiệu nổi tiếng kinh doanh khó khăn trên thế giới phải rời thị trường sau hàng loạt "cơn bão" khó khăn dồn dập từ đại dịch Covid đến nay.

Trước đó, hàng loạt cái tên và thương hiệu lớn khác trong ngành phân phối, nội thất, thời trang... như JC Penney, Neiman Marcus, J. Crew, Pier 1, Modell's Sporting Goods, True Ton, RTW RetailWinds, Lucky Brand, The Paper Store, Men's Wearhouse, Lord & Taylor… cũng đã sụp đổ do khó khăn hoặc kinh doanh bị sụt giảm mạnh.

Hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: H.Như

Còn nhớ hơn 3 năm trước, khi RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York & Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ nộp đơn xin phá sản khiến cho Công ty cổ phần May Sông Hồng gặp nhiều khó khăn.

RTW Retailwind là khách hàng của Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) với số nợ chưa thanh toán khi đó lên đến khoảng 220 tỉ đồng. Đây là một trong những khách hàng truyền thống và là khách hàng lớn đứng thứ 3 trong số các khách hàng FOB của May Sông Hồng khi đó.

Quay trở lại ngành nội thất, một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ tại Bình Dương cho biết, cách đây gần 2 năm một đối tác tại Anh phá sản khiến công ty ông mất trắng gần 100 tỉ đồng. Vị này cho biết, trong năm nay, rất nhiều đồng nghiệp của ông rơi vào tình trạng khách hàng nợ tiền, không trả tiền.

Trao đổi với báo chí tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế tại Việt Nam diễn ra tại TPHCM gần đây, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt, cho biết sau nhiều tháng trì trệ, gần đây đã có khá nhiều khách hàng tìm đến đề nghị đặt hàng nhưng công ty không dám nhận do lo ngại rủi ro về thanh toán trước thông tin nhiều nhà mua sỉ ở khu vực châu Âu, Mỹ có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Theo ông Liêm, đơn hàng của Lâm Việt mới chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đã tích cực hơn rất nhiều so với mức trung bình chỉ 55% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, đa phần là các khách hàng cũ đặt hàng thêm, còn với những khách hàng mới, công ty rất thận trọng. Điều này cũng góp phần khiến cho sự phục hồi trở nên chậm chạp hơn.

Trong khi đó, để bán được hàng, doanh nghiệp phải chấp nhận những “luật chơi” của các thị trường. Ông Liêm chia sẻ, mặc dù Mỹ là nơi khai sinh ra hình thức thanh toán L/C (thanh toán theo thư tín dụng), nhưng các doanh nghiệp Mỹ lại không chấp nhận L/C.

Các doanh nghiệp Mỹ chấp nhận đàm phán để được trả chậm 30-60 ngày, thậm chí có thể lên đến 120 ngày. “Không đáp ứng được điều khoản này đồng nghĩa với việc DN không bán được hàng cho đối tác đó”, một doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ nói.

Giảm rủi ro nợ xấu và cần "tấm lá chắn"

Trước tình hình khó khăn tại Mỹ và châu Âu, việc tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp lại sự sụt giảm là điều đã được các doanh nghiệp tính tới và tích cực triển khai. Trong đó đáng chú ý là thị trường Ấn Độ, khu vực Trung Đông...

Thị trường đồ gỗ - nội thất trung và cao cấp kinh doanh sụt giảm nhiều. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Tuy nhiên, với những thị trường mới này, nhiều doanh nghiệp cũng chưa quen về hình thức giao dịch kinh doanh, sẽ dẫn đến rủi ro cao. Đó là chưa kể tập quán, môi trường kinh doanh của các quốc gia và khu vực này chưa quen với nhiều doanh nghiệp Việt. Do đó các chuyên gia lưu ý khi làm ăn với khách hàng mới, thị trường mới thì doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ đối tác.

Bởi lẽ “mua trước trả sau” dường như là một yêu cầu tất yếu nếu doanh nghiệp muốn tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho bên bán khi bên mua chậm hoặc không thanh toán. Dù đó là một khoản thanh toán trễ, mất khả năng thanh toán, không thanh toán vì lý do chính trị hoặc thậm chí gian lận, các nhà xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trên thực tế, những giao dịch dẫn đến rủi ro về thương mại quốc tế cũng đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh bất ổn hiện tại. Nguyên nhân là các doanh nghiệp ít chú trọng đầu tư đến khía cạnh pháp lý, cả tin đối tác trong khi chưa có công cụ quản lý rủi ro phù hợp.

Như vậy nguy cơ không được khách hàng, nhà nhập khẩu thanh toán là một trong những rủi ro rất lớn mà các nhà sản xuất và xuất khẩu thường phải đối mặt. Và để giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần có “tấm lá chắn” như mua bảo hiểm tín dụng thương mại.

Khi đó, doanh nghiệp không chỉ được bảo vệ các khoản phải thu khách hàng mà sẽ còn được các nhà bảo hiểm cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho những người ra quyết định để lên được chiến lược kinh doanh phù hợp.

Quay trở lại với khách hàng truyền thống, các chuyên gia cho rằng đây cũng là những nhóm khách hàng mà nhà cung cấp dễ bị ảnh hưởng khi họ gặp khó khăn.

Do đó, các ý kiến cho rằng nhà xuất khẩu cần phải liên tục theo dõi khách hàng về tình hình tài chính của họ và cố gắng giảm khoản phải thu xuống. Việc này dù sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng nhưng phải chấp nhận, bởi nếu dính vào nợ xấu thì có nguy cơ mất hết.

Hoặc giải pháp khác là bán khoản phải thu cho các công ty thu nợ. Nếu quá thời hạn thanh toán, khách hàng chưa trả tiền thì bên công ty thu nợ đứng ra thanh toán cho doanh nghiệp. Việc này có phần tương tự trường hợp một đơn vị đứng ra bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ mất phí, giảm lợi nhuận của đơn hàng nhưng an toàn hơn. Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng bán được khoản phải thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới