Thứ Năm, 12/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chống cuộc gọi rác phải chặn từ cái gốc là nhà mạng

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mọi cuộc gọi rác đều xuất phát từ nhà mạng viễn thông, vì vậy các biện pháp nhằm vào thuê bao chỉ là cái ngọn. Muốn ngăn chặn tận gốc thì phải nhắm vào nhà mạng như tăng mức xử phạt và bắt buộc tuân thủ quy chuẩn công nghệ.

Một chuyên gia viễn thông đã bình luận vui “tình trạng cuộc gọi rác hiện nay là đúng theo… định luật bảo toàn: cuộc gọi rác không mất đi mà chỉ chuyển từ số điện thoại di động sang điện thoại cố định”.

Đó là mô tả chính xác nhất cho tình trạng cuộc gọi rác “đổ bộ” qua các số điện thoại cố định hiện nay. Cuộc gọi rác từ điện thoại cố định diễn ra liên tục, có người bị “khủng bố” đến 4-5 cuộc gọi rác mỗi ngày. Nhiều người còn sợ đến mức nhìn thấy số cố định gọi đến là không dám nghe(1).

Tương tự như cuộc gọi rác từ điện thoại di động, cái gốc vấn đề nằm ở chỗ đơn vị cung cấp dịch vụ là các nhà mạng viễn thông. Trước đây, Bộ Thông tin Truyền thông đã có hai đợt tổng dọn dẹp SIM rác vào năm 2016 (khóa 17 triệu SIM) và 2020 (khóa 7 triệu SIM).

Thế nhưng, đến năm 2023 khi mở đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao để chống SIM rác, cơ quan chức năng lại phát hiện ra 12,5 triệu SIM rác. Điều này cho thấy chính sách quản lý của các nhà mạng không chặt chẽ và các biện pháp xử phạt còn nương nhẹ nên cứ dọn dẹp xong thì SIM rác lại xuất hiện với số lượng lên đến hàng triệu.

Với cuộc gọi rác từ đầu số điện thoại cố định, tình trạng vi phạm của nhà mạng cũng khá phổ biến. Hồi tháng 4 năm nay, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định chống cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định tại bốn doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, CMC Telecom và FPT Telecom đã phát hiện cả bốn nhà mạng này đều có vi phạm.

Kết quả trong thời gian kiểm tra cho thấy, Viettel có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. VNPT cũng để tồn tại 1.239 cuộc gọi rác, quảng cáo đến 626 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo.

CMC Telecom để 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Nghiêm trọng nhất là FPT Telecom không triệt để ngăn chặn và có đến 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo(2).

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom cùng bị đề nghị xử phạt hành chính mỗi đơn vị 140 triệu đồng. Riêng VNPT chưa bị phạt do giải trình có hạn chế về công nghệ nên không thể ngăn chặn cuộc gọi rác.

Chỉ trong một thời gian ngắn kiểm tra mà một nhà mạng như FPT Telecom đã để “lọt lưới” đến hơn nửa triệu cuộc gọi rác thì không khó hiểu về tình trạng cuộc gọi rác từ điện thoại cố định hiện nay.

Vì vậy, muốn ngăn chặn tận gốc tình trạng này thì phải thay đổi quy định để siết quản lý nhà mạng về nhiều mặt như thay đổi cách phạt, mức phạt và cấm phát triển thuê bao mới.

Chẳng hạn, thay vì áp một mức phạt bằng nhau như trong cuộc kiểm tra nói trên thì phải ban hành mức phạt mới tính trên số cuộc gọi rác bị phát hiện. Cách phạt này không cào bằng, tránh tình trạng vi phạm vài ngàn cuộc gọi rác cũng bị phạt như hàng trăm ngàn cuộc gọi rác khiến các doanh nghiệp dễ có tâm lý “lỡ vi phạm thì vi phạm mức cao” khi tiền phạt là như nhau.

Ngoài ra, cần bổ sung biện pháp cấm phát triển thuê bao mới dựa theo cuộc gọi rác vi phạm, chẳng hạn cứ 10.000 cuộc gọi rác vi phạm thì cấm trong một tháng, 100.000 cuộc gọi vi phạm thì cấm trong một năm.

Khi các biện pháp chế tài đủ mạnh và nhắm trực tiếp vào “túi tiền” nhà cung cấp dịch vụ thì cuộc chiến chống cuộc gọi rác mới có tác dụng như kỳ vọng. Nếu mức phạt lớn hơn nhiều so với doanh thu có được từ vi phạm thì nhà mạng sẽ chùn tay.

Ngoài tăng chế tài xử phạt, các cơ quan quản lý nhà nước còn cần ban hành các quy chuẩn công nghệ về chống cuộc gọi rác và bắt buộc các nhà mạng phải đầu tư đầy đủ, tránh tình trạng vi phạm nhưng không bị phạt vì giải trình “do hạn chế về công nghệ” như trong cuộc kiểm tra nói trên.

—————————————

(1) https://tuoitre.vn/siet-thue-bao-di-dong-lai-bung-phat-cuoc-goi-rac-tu-so-co-dinh-20240805222917845.htm

(2) https://thesaigontimes.vn/ba-nha-mang-bi-de-nghi-phat-420-trieu-dong-vi-vi-pham-ve-cuoc-goi-rac/

4 BÌNH LUẬN

  1. Tôi và rất nhiều người quen của tôi ngày nào cũng bị hàng trăm đầu số 024.888 và 028.888 gọi để chào bán bất động sản, chứng khoán v.v chặn số này thì số khác gọi tiếp. Sau này mới biết đầu số 888 là của nhà mạng Digitel mới thành lập năm 2021. Bây giờ chúng tôi gọi các đầu số này là của nhà mạng lừa đảo.

  2. Hiện giờ người dân hễ thấy điện thoại có cuộc gọi đến từ các số “không bình thường” như 024, 028, … thì chả bao giờ nghe! Bởi biết đó là lừa đảo rồi!

  3. Tiêu cực và nguy hiểm đến mức mọi người dường như không muốn nghe khi thấy số điện lạ ! Những cuộc gọi ngoài luồng này, gọi là “rác” thì chưa hẳn đúng. Nên gọi là “bẩn” thì đúng hơn. Bởi rác, nhìn chung, vẫn được xem là tài nguyên, còn có khả năng tái chế ?

  4. Cách đơn giản để thiết lập cuộc gọi từ số lạ thành công : Cuộc gọi + Tin nhắn kèm theo. Hóa ra, nhà mạng lại càng có lợi ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới