Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chủ đầu tư e ngại tâm lý chờ đợi của người mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chủ đầu tư e ngại tâm lý chờ đợi của người mua

Đình Dũng

(TBKTSG Online) – Hiện tượng giảm giá trên thị trường trong thời gian gần đây đã tạo cho người mua tâm lý chờ giá căn hộ giảm thêm nữa, và điều này đang tạo áp lực lên giới chủ đầu tư dự án.

Chủ đầu tư e ngại tâm lý chờ đợi của người mua
Một khu chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Tại buổi tọa đàm “Chất lượng và giá thành nhà ở” do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổ chức ngày 23/12, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng bên cạnh yếu tố như tình hình khó khăn chung của thị trường và lãi suất cao, tâm lý thị trường là một nguyên nhân lớn làm cho thị trường căn hộ bị đóng băng.

Sau khi dự án Petroland Mark tại quận 2 và dự án An Tiến tại huyện Nhà Bè, TPHCM nổ phát pháo đầu tiên cho đợt giảm giá, nhiều người dự đoán giá căn hộ sẽ tiếp tục giảm về mức giá trị thật của nó sau một thời gian bị đẩy lên cao.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), nhận định giảm giá là điều tất yếu trong bối cảnh bong bóng thị trường bất động sản đang xì hơi. Nhiều chủ đầu tư phải bán tháo căn hộ của mình trước áp lực vốn vay và lãi suất, và do vậy buộc họ phải làm mọi giá để để đẩy nhanh tiến độ bán hàng, thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. “Động thái giảm giá mạnh của một vài dự án đã khiến nhà đầu tư cá nhân và người mua nhà để ở mang tâm lý chờ đợi giá còn giảm nữa,” ông Hiếu nhận định.

Thực tế cho thấy nhà đầu tư cá nhân lúc này không đầu tư vào căn hộ vì không thấy có lãi. Trong khi đó, những người có nhu cầu mua nhà ở thì không đủ khả năng chi trả do lãi suất vay ngân hàng quá cao, cộng với khó khăn do lạm phát.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp địa ốc phản ứng mạnh trước một số nhận định cho rằng thị trường căn hộ sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa mới hợp lý, vì với giá bán hiện tại doanh nghiệp bất động sản vẫn còn siêu lợi nhuận.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, nói bất động sản hiện nay vẫn còn siêu lợi nhuận là nhận định cảm tính của người không có kinh nghiệm thực tế trong việc đầu tư xây dựng các dự án. Những nhận định này vô hình trung tạo nên hậu quả rất năng nề cho các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và cả thị trường bất động sản nói chung.

Ông Châu cho rằng chi phí đầu tư của các dự án bị đội lên cao do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí vốn bao gồm lãi suất ngân hàng, chi phí xây dựng và thủ tục hành chính kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, tính toán với giá bán theo kiểu xả hàng như một số dự án vừa qua, các doanh nghiệp sẽ bị lỗ, vì chi phí đầu tư xây dựng của một mét vuông nhà ở hiện nay xấp xỉ 10 triệu đồng, chưa tính đất và tiền đầu tư hạ tầng. Do vậy với giá bán 15 triệu đồng/mét vuông thực tế chỉ huề vốn.

Giống như các doanh nghiệp khác, ông Đực cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang bị ăn thâm vào vốn. Đặc thù của các dự án từ khi đầu tư đến khi ra sản phẩm phải mất từ 3 – 5 năm nên nhiều dự án đôi khi thấy là lãi nhưng thực chất chưa chắc đã lãi.

Ông Hiếu cho rằng giá bất động sản cao hay thấp là do thị trường, phụ thuộc phần lớn vào vị trí, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và tiện ích kèm theo. Do vậy người mua nhà sẽ cân nhắc các yếu tố đó khi ra quyết định mua căn hộ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang ngán ngại về tình hình bán hàng hiện nay, cho rằng thị trường sẽ không có biến chuyển một khi tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư cá nhân và người mua nhà để ở vẫn còn đó.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng bức tranh thị trường đang xám xịt khi sức mua chậm và nguồn cung thừa. Nhiều doanh nghiệp đang phải chủ đông tìm lối thoát hiểm.

Mặc dù cũng đã thấy động thái từ phía Nhà nước, nhưng nhìn chung thị trường chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm trong năm 2012. Theo lộ trình lãi suất cho vay có thể hạ, nhưng hy vọng một sớm một chiều bất động sản sẽ bùng lên là điều khó có thể xảy ra.

“Lạc quan nhất cũng phải hết quý 3 và quý 4 năm sau thị trường mới có thể bình ổn trở lại, và hy vọng sẽ khởi sắc hơn vào năm 2013,” ông Hiếu dự báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới