Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chữ ngắn, buồn dài!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chữ ngắn, buồn dài!

Trần Ngọc Châu

(TBKTSG Online) – “Làn sóng Hàn Quốc” (Wave of Korea) đã thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến xứ sở Kim Chi trong thập kỷ qua.

Ở Á châu, theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, hiện nay người Hoa đông nhất, tiếp đến người Việt. Năm ngoái thì người Việt còn xếp thứ 5, năm nay đã lên số 2.

Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, hơn 450.000 người Việt Nam đã đến quốc gia Đông Á này, tăng 40% so với năm trước.

Các tour du lịch khuyến mãi và các chuyến bay trực tiếp của các hãng hàng không giá rẻ đã khiến Hàn Quốc trở thành lựa chọn số một của nhiều khách du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, những thành công gần đây của đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Hàn Quốc Park Hang-seo đã tạo ra sự “ngưỡng mộ” của du khách Việt. Theo dòng người đó, tôi lại đến Hàn Quốc sau 28 năm trời.

Tháng 4/1991 tôi đã đến Seoul lần đầu tiên và lưu lại một tháng vì công việc của một nhà báo làm việc với tổ chức Escap (Tổ chức kinh tế châu Á – Thái Bình Dương), và hầu như không biết gì về Hàn Quốc. Thời điểm đó, đồng nghiệp Hàn biết tôi đến từ Việt Nam thì bao giờ cũng tỏ ra ngạc nhiên. Không, “sững sờ” thì đúng hơn. Tôi không buồn mà rất giận vì điều đó.

Còn bây giờ, sự thân thiện đến độ như “người nhà”, khiến không cần giữ phép lịch sự: những dòng thông báo trong bức ảnh đăng kèm ở đây, theo tôi, nằm trong “nghịch lý của sự thân thiện” đó. Nỗi buồn nhân đôi khi chữ Việt nằm dưới chữ Hoa. Nếu chỉ có chữ Anh, thì có lẽ, không có bài báo ngắn này.

Chữ ngắn, buồn dài!
Một thông báo tại một nhà hàng ở Seoul (tháng 10/2019).

Ở Hàn Quốc, nơi nào có du khách Việt thì cũng có du khách Hoa. Có lẽ cái “gu” giống nhau chăng?

Vào nhà hàng, nghe rất nhiều tiếng nói to, kêu nhau ơi ới như sợ lạc nhau, bình phẩm về món ăn thì như đang cãi nhau, khiến nhà hàng ăn thanh lịch trở thành cái chợ ở quê nhà.
Đó không chỉ người Hoa. Bàn bên cạnh là những người Việt, dù người Việt nhìn chung, nói nhỏ hơn, ăn mặc nhiều màu sắc hơn. Hoặc có thể tiếng ồn do người Việt tạo ra trở nên “khiêm tốn” khi có đoàn khách Hoa đến.

Tuy vậy, khi bữa ăn kết thúc, những người dọn bàn ở bữa buffet (tự chọn món ăn) sẽ thêm việc: dọn dẹp quá nhiều món ăn lấy thừa.

Nhìn hai dòng chữ: Hoa và Việt trên bảng thông báo, mà không thấy vui chút nào vì “thông điệp” chính là nhắc nhở những thói quen xấu hổ.

-Xin thêm tự phục vụ
-Hãy lấy đủ lượng cần thiết. Đừng để thức ăn thừa
-Thêm thịt, phải trả tiền

Tất nhiên bạn cũng như tôi sẽ không hiểu tại sao người Việt chúng ta có thói quen này?
Khi nào bạn lấy thức ăn vào dĩa quá nhiều so với sức ăn của bạn thì người Việt nói: “Đói con mắt”.

Phải chăng chúng ta vốn là một nước nghèo khó, nên khi khá lên, thì vẫn “đói con mắt” vì bị ám ảnh bởi sự nghèo đói? Như nhân vật chính mà nhà văn Jack London đã mô tả trong truyện “Tình yêu cuộc sống”: sau khi được cứu khỏi chết đói từ hoang đảo, anh ta thường giấu thức ăn đầy trên giường ngủ?

Như anh ấy, tổn thương tâm lý từ những thời gian khó quá sâu đến nỗi lúc nào “chúng ta cũng lo đề phòng “một cơn đói khác” mà ý thức dân tộc chúng ta không hề nhận biết?

Nhiều người cho rằng tôi quá “nhạy cảm”, nghĩ nhiều quá. Theo các bạn này, thật ra đó chỉ là do “chúng ta mới hội nhập mà thôi”!
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới