Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch Kiến Á: Giấc mơ lớn sẽ ‘nẩy mầm’ nếu được ‘ươm’ bằng sự kiên trì

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xem bất động sản là cơ duyên kinh doanh còn giáo dục là giấc mơ lớn của cuộc đời, TS Huỳnh Bá Lân - nhà sáng lập của Tập đoàn Kiến Á - chia sẻ sự nỗ lực của ông luôn hướng đến mục tiêu cân bằng và phát triển hai lĩnh vực này một cách song hành. Đối với ông, điểm kết nối hợp lý giữa hai lĩnh vực này chính là cùng kiến tạo giá trị hạnh phúc cho con người.

Trong cuộc trò chuyện cùng KTSG Online vào những ngày đầu xuân Quý Mão, vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kiến Á cho rằng năm 2022 là khoảng thời gian ông đầu tư toàn phần cho giấc mơ làm giáo dục của mình. Một trường đại học đã nên hình hài sau cả một thập niên theo đuổi và chuẩn bị. TS Huỳnh Bá Lân bộc bạch, giấc mơ lớn sẽ “nảy mầm” nếu được “ươm” bằng lòng kiên trì.

Giấc mơ đã nảy mầm sau sự kiên trì theo đuổi

Được biết năm qua, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT) đã khai giảng niên khóa đầu tiên. Xin được dùng sự kiện cũ này để chúc mừng năm mới đến ông và Tập đoàn Kiến Á. Trường đại học đi vào vận hành ngay sau khi nền kinh tế và xã hội vừa trải qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ông có thể chia sẻ đôi chút về hành trình của dự án này không?

Ông Huỳnh Bá Lân: Đối với chúng tôi, đây là một hành trình đầy tự hào. Chúng tôi cảm nhận được điều này khi tổ chức lễ khai giảng niên khóa đầu tiên 2022-2023 trong Tòa nhà Sáng tạo, với khuôn viên sân trường thoáng đãng, những sân thể thao hiện đại. Phía sau hành trình này, không chỉ là khó khăn của 2 năm gặp đại dịch Covid-19, mà còn là cả chặng đường gần 10 năm đầy thử thách cho sự kiên trì của tôi cùng đội ngũ sáng lập UMT.

TS. Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kiến Á

Đó là giây phút tôi nhớ lại một số cột mốc ấn tượng trong quá trình hình thành và phát triển ngôi trường này. Bắt đầu từ năm 2013, dự án Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt chủ trương thành lập. Năm 2020, chính thức khởi công xây dựng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án thành lập Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường tổ chức hoạt động đào tạo. Đến tháng 10-2022, chúng tôi khai giảng niên khóa đầu tiên của trường.

Khởi đầu là một nhà giáo và khởi sự kinh doanh ở lĩnh vực bất động sản. Hoạt động đầu tư giáo dục vẫn được ông duy trì song hành (trước đây là trường trung học, giờ là đại học). Giáo dục có được xem là hành trình trọn đời của ông hay không?

Dù làm bất cứ lĩnh vực gì thì đối với tôi, giáo dục vẫn là sự nghiệp trọn đời. Có thể trước đó 10 năm hay sau đó 10 năm, 20 năm nữa, cảm xúc của tôi dành cho giáo dục vẫn trọn vẹn và hết lòng như thuở ban đầu. Có thể nói, sau nhiều năm ấp ủ và đầy khát vọng về ước mơ xây dựng, phát triển một ngôi trường đại học chất lượng quốc tế thì giờ đây, UMT chính là hiện thực của giấc mơ đó - Giấc mơ lớn nhất của cuộc đời tôi.

Nhưng ông cũng hiểu theo đuổi con đường phát triển kinh doanh trong lĩnh giáo dục là rất khó. Chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực này, thách thức lớn nhất với ông là gì?

Giấc mơ lớn là quan trọng nhưng thực tế chỉ ra rằng không có một hành trình sự nghiệp nào bằng phẳng hay một kỳ tích từ “kinh doanh lãng mạn” mà tất cả đều phải “vun trồng” trong sự kiên trì. Giấc mơ sẽ nảy mầm khi chúng ta tích lũy đủ khát vọng trên thực tế.

"Bất động sản là cơ duyên kinh doanh đưa đến, là nền tảng để tôi đầu tư phát triển giáo dục. Còn giáo dục là giấc mơ lớn nhất, là tâm nguyện cả đời của tôi"

Thật ra đối với lĩnh vực giáo dục, tôi không xác định theo đuổi con đường phát triển kinh doanh, mà là muốn trả nghĩa cho quê hương. Trường Phổ thông Duy Tân (Phú Yên) hay Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM đều là những món quà vô giá tôi muốn đền đáp cho những vùng đất đã làm nên con người tôi hiện tại. Tôi chấp nhận những thách thức này nếu những gì tôi làm thực sự tạo ra giá trị tốt đẹp.

Không phải là một sự chuyển hướng đầu tư và giáo dục luôn song hành trong quá trình phát triển của Tập đoàn Kiến Á. Vậy đâu là sự liên kết giữa giáo dục và một tập đoàn giàu kinh nghiệm về phát triển bất động sản? Ngược lại vai trò của UMT trong hệ sinh thái của Kiến Á được thể hiện thế nào?

Có thể nói, bất động sản là cơ duyên kinh doanh đưa đến, là nền tảng để tôi đầu tư phát triển giáo dục. Còn giáo dục là giấc mơ lớn nhất, là tâm nguyện cả đời của tôi. Một lĩnh vực được lĩnh hội bên ngoài, một lĩnh vực xuất phát từ bên trong, việc của tôi là tìm được điểm cân bằng để phát triển bền vững. Điểm cân bằng chính là có cùng một tư duy phát triển, điểm kết nối hợp lý giữa hai lĩnh vực này chính là cùng kiến tạo giá trị hạnh phúc cho cộng đồng và phát triển đất nước.

Với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi không chỉ tạo nên những ngôi nhà, mà còn góp phần xây dựng tổ ấm, tạo ra văn hóa sống khác biệt, để cư dân được thụ hưởng những giá trị tốt nhất; đồng thời mang đến cho khách hàng sự đầu tư lâu dài và tương lai bền vững. Với lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đầu tư và phát triển hệ thống trường học từ cấp một đến đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo những công dân toàn cầu hạnh phúc và thành công. Tôi nghĩ mỗi lĩnh vực đều có một hành trình riêng biệt nhưng vai trò của cả hai đều hướng đến sự hoàn thiện của con người. Đó là lý do cả hai lĩnh vực này phát triển song hành một cách bền vững trong hệ sinh thái của Tập đoàn.

Khi đầu tư bất động sản, những giá trị về chất lượng sống của người trẻ được chứng minh bằng dự án hiện hữu. Với UMT, giá trị ông theo đuổi trong tiến trình đầu tư giáo dục của mình là gì?

Nếu tâm huyết dành cho bất động sản của chúng tôi được minh chứng bằng những ngôi nhà hiện hữu với chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu của người trẻ. Với giáo dục cũng tương tự, giá trị lớn nhất chúng tôi theo đuổi chính là chất lượng đào tạo đầu ra của nhà trường, là tương lai thành công của các thế hệ sinh viên.

"Mỗi lĩnh vực đều có một hành trình riêng biệt nhưng vai trò của cả hai đều hướng đến sự hoàn thiện của con người"

Với tinh thần giáo dục khai phóng, hệ sinh thái hợp tác quốc tế và doanh nghiệp toàn diện, chúng tôi hướng đến xây dựng một ngôi trường đại học mà mọi sinh viên đều được phát triển tiềm năng tối đa, linh động làm được nhiều ngành nghề. Do đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, hệ sinh thái liên kết hợp tác doanh nghiệp/đại học… tất cả đều chung một mục đích phục vụ cho chương trình đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu hạnh phúc và thành công.

Không ít dự án giáo dục đại học ngoài công lập đã thất bại dù từ đầu mục đích cũng rất tốt đẹp và những người sáng lập cực kỳ uy tín. Với ông, đâu là yếu tố mà một nhà đầu tư giáo dục cần đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài?

Đó là nói phải đi đôi với làm. Mỗi chặng đường đi qua, chúng tôi lại càng trăn trở để thực thi như đúng tôn chỉ đã đề ra. Tất cả những nỗ lực mà chúng luôn phấn đấu là mang lại sản phẩm giáo dục tốt nhất cho sinh viên của mình. Tôi chỉ thích những gì thực chất, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng nên tôi vẫn tìm tòi mỗi ngày để tạo ra những giá trị tốt nhất.

Ngoài ra, muốn phát triển bền vững và lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, đòi hỏi phải có tâm, đạo đức luôn đi liền với tài năng. Thành công được hun đúc từ kinh nghiệm nhưng giá trị xuyên suốt của hành trình đó chính là làm việc tử tế một cách vô tư, tự nhiên. Để có thành quả, không đơn thuần là mức độ đầu tư mà việc duy trì sự nghiêm túc trong suốt quá trình phát triển. Nghĩ về một môi trường giáo dục chất lượng cho sinh viên, nghĩ về một công việc tử tế cho nhân viên để tạo động lực cho mình.

Hành trình biến giấc mơ thành di sản

Việc đảm bảo được các yếu tố để phát triển bền vững là cần thiết nhưng thế giới luôn thay đổi và đòi hỏi chúng ta cần xử lý tình huống tốt trong những thời điểm nhất định. Chẳng hạn như tác động của Covid-19 trong những năm vừa qua. Nhìn lại 2 năm lịch sử này, giải pháp tình huống mà Kiến Á lựa chọn là gì? Và bài học nào được doanh nghiệp rút ra?

Covid-19 trong những năm qua đã thực sự gây ra tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tập đoàn Kiến Á cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng rất lớn, quá nhiều trở ngại và thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Kiến Á đã phải điều chỉnh quy mô hoạt động, ban hành nhiều chính sách mới, thay đổi kế hoạch kinh doanh… nhằm đảm bảo duy trì hoạt động và có thể thích ứng trước những biến động bất thường của thị trường. Khó khăn chắc chắn sẽ có nhưng theo tôi, cơ hội vẫn còn cho những doanh nghiệp hướng đến mục tiêu lâu dài, phát triển bền vững. Càng trong khó khăn, càng nhiều sức ép thì đòi hỏi sự cố gắng càng cần gấp đôi, gấp ba.

Năm cũ khép lại và năm mới đã mở ra với nhiều dự định, hy vọng và niềm tin mới. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng tin rằng tất cả chúng tôi có thể nhìn thấy khía cạnh tích cực để tăng thêm sức mạnh làm việc và gặt hái thành công.

Vậy còn trong năm mới này, những dự báo về chu kỳ phục hồi mới được rút ra. Dưới góc độ là một doanh nhân đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng, ông có kỳ vọng gì vào chu kỳ phục hồi này của nền kinh tế?

Tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẵn sàng hồi phục trong năm 2023. Sự phục hồi có thể đạt được nhờ kinh tế thế giới đã phần nào kiểm soát được lạm phát, tốc độ tăng trưởng chậm nhưng chưa đến mức suy thoái, có nhiều dấu hiệu hồi sinh tích cực. Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao, thương mại tiếp tục được mở rộng, đi cùng chương trình quyết liệt phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Đầu tư công cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy kinh tế phục hồi hậu Covid-19.

Thu hút FDI 2022 khá tốt, nếu nhiều dự án được triển khai trong 2023 sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Thị trường bất động sản có thể “gỡ” và triển khai một số dự án quan trọng sẽ giúp tăng nguồn cung, kích thích ngành xây dựng cùng một số ngành khác phát triển. Kinh tế có thể tiếp tục phục hồi tốt và mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là khả thi.

Sau tất cả, câu chuyện niềm tin của thị trường, niềm tin của công chúng là cực kỳ quan trọng. Vì giai đoạn cuối 2022, thị trường phải đối mặt với khó khăn rất lớn khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng kinh doanh, lực lượng lao động bị giảm lương, giảm giờ làm, sa thải hàng loạt. Vì thế, năm nay sức mua sẽ giảm, tạo áp lực lên hầu hết các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng... Doanh nghiệp cần phải xây dựng chính sách phù hợp mới có thể thích ứng với thời kỳ đặc biệt này.

Trong suốt hành trình phát triển kinh doanh của mình, dù ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện được tinh thần hết mình trong việc tạo nên những giá trị bền vững. Đã là doanh nhân, hầu hết đều muốn dành tâm huyết để tạo ra một di sản (có thể là về tinh thần) để lại cho thế hệ sau và cho xã hội. Nếu được lựa chọn, ông chọn di sản cho mình là gì?

Như tôi có chia sẻ, tâm nguyện cả đời, khát vọng lớn nhất của tôi chính là xây dựng UMT trở thành di sản cho các thế hệ tương lai, là biểu tượng về văn hóa giáo dục của TPHCM và đất nước. Với định hướng xây dựng ngôi trường đại học đẳng cấp quốc tế, tinh thần giáo dục khai phóng, chúng tôi có quyền khát vọng và tin tưởng khát vọng ấy sẽ trở thành hiện thực. UMT đã hoạt động và bắt đầu để lại những giá trị đầu tiên về tri thức, tôi nghĩ đây có thể là tiến trình thực tế đầu tiên để giấc mơ lớn của mình trở thành một di sản ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới