(KTSG Online) - Trong chuyến công tác tham dự APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ, chiều 15-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đại diện Tập đoàn Boeing đã có buổi làm việc. Tại đây, Boeing cam kết về xây dựng hệ sinh thái hàng không ở Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay, TTXVN đưa tin.
- Mời gọi Apple, Boeing, Google mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam
- Vietnam Airlines thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing giá trị 10 tỉ đô la
Cùng ngày, Chủ tịch nước cũng gặp gỡ đại diện nhiều tập đoàn lớn khác tại Mỹ. Tại cuộc tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đang tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về viễn thông, hướng đến phát triển kinh tế số, hạ tầng số, đào tạo nhân lực số và đề nghị Apple hỗ trợ về vấn đề này. Ông mong muốn Apple đầu tư vào các địa phương, nhất là tỉnh, thành phố lớn đang phát triển của Việt Nam.
Trong buổi tiếp Thống đốc bang California, Chủ tịch nước thông tin, Việt Nam đang có những ưu thế như có đường bay thẳng, có nhiều nhà đầu tư hai nước, California sẽ là bang tiên phong trong phát triển quan hệ song phương. Ông đề nghị Thống đốc ủng hộ để có thêm các cặp thành phố kết nghĩa mà trước mắt là thành phố Hà Nội và thành phố Los Angeles; đồng thời, ưu tiên tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại bang làm ăn sinh sống, có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước và với địa phương sở tại.
TTXVN đưa tin, trong khuôn khổ các hoạt động, từ ngày 14 đến 16-11, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023 diễn ra với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực.
Với chủ đề về kiến tạo các cơ hội kinh tế, hội nghị năm nay tập trung vào các vấn đề như tình hình kinh tế thế giới, chính sách thương mại, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi, nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp trong một thế giới khủng hoảng, vai trò của đổi mới sáng tạo, tương lai của trí tuệ nhân tạo...
Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đã đề ra, các bên cần đảm bảo mối quan hệ hỗ trợ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia; quản trị toàn cầu về công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Ông cho biết thêm, Việt Nam đang triển khai những giải pháp là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế; tăng khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu… Đồng thời, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Chủ tịch nước cũng tham dự và phát biểu tại tọa đàm về kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam - Mỹ. Ông khẳng định, Việt Nam chào đón các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, sản xuất chip, chất bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại tọa đàm, Chủ tịch nước cùng đoàn cấp cao Việt Nam và các quan chức Mỹ đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn như thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hưng Yên, SaigonTel với Công ty Allotrope Partners về hỗ trợ tỉnh Hưng Yên trong công tác giảm phát thải ròng; thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Phát triển đô thị Kinh Bắc với Cảng Los Angeles về thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư, phát triển cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; thỏa thuận hợp tác giữa SaigonTel, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM với Energy Capital và các đối tác về phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông…