Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chủ tịch Quốc hội không đồng ý giao 12 dự án cao tốc cho các địa phương

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có kết luận về Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 lấy từ nguồn vốn đầu tư công và dự kiến ban đầu giao cho 12 địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư các tiểu dự án.

Hôm 27-11, sau cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã có thông báo tán thành sự cần thiết đầu tư Dự án cao tốc đường bộ nói trên theo đề nghị của Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Dự án cao tốc phía Đông đoạn Cam Lộ- La Sơn đang thi công trong giai đoạn 2017-2020. Ảnh: TTXVN

Theo đề nghị của Chính phủ, dự án xây dựng tuyến đường bộ dài 729 km, quy mô 4 làn xe gồm các đoạn từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ);  từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.

Chính phủ mong muốn các dự án này được giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn đầu tư công là 95% tổng mức đầu tư (139.640 tỉ đồng) và phần còn lại 7.350 tỉ đồng sẽ chuyển tiếp bố trí trong giai đoạn 2026-2030.

Lý do về việc dùng vốn đầu tư công, Chính phủ và Bộ GTVT đã phân tích những nhược điểm khó khả thi của phương án huy động đầu tư dự án theo phương thức đối tác công- tư (PPP) do rút kinh nghiệm trong việc huy động đầu tư tại các dự án PPP 2017-2020.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT rà soát các phương án thiết kế của dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, hướng tuyến tối ưu… để đảm bảo hiệu quả và khả năng cân đối vốn. Các tác động môi trường ở những địa phương nơi dự án đi qua cũng phải đánh giá theo đúng quy định pháp luật mới nhất.

Song, ông Vương Đình Huệ lưu ý việc giao dự án cho các địa phương không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hơn nữa, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến, trong khi kinh nghiệm của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư Dự án.

Riêng về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án sẽ giao đến các địa phương và mới đây Chính phủ đã có Nghị định cho phép tách riêng việc GPMB ra khỏi dự án chính để các bên phối hợp đảm bảo tiến độ, tránh những thiệt hại rủi ro do công tác GPMB vốn chậm trễ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới