(KTSG Online) - Ngày 11-5, tại Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI), Chủ tịch UBND TPHCM đã phản ánh địa phương này gửi gần 600 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022 trong khi hầu hết những sự vụ này đều thuộc thẩm quyền của địa phương.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho rằng trong hơn 600 văn bản trả lời của Bộ KH-ĐT cũng có nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời địa phương cũng không biết phải triển khai ra sao…
- Bí thư Thành ủy TPHCM: Mọi thứ dường như đang quá tải
- TPHCM sẽ 'chữa trị' cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai ra sao?
Trong phần phát biểu kết luận Hội nghị công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp sở, ngành, địa phương năm 2022 của TPHCM vào ngày 11-5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã chia sẻ thông tin về phản ánh địa phương này gửi gần 600 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2022 trong khi hầu hết đều thuộc thẩm quyền của địa phương.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra tại buổi làm việc với TPHCM của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 16-4-2023. Và vào ngày 9-5 vừa qua, tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tiếp tục đặt vấn đề này ra.
Cụ thể theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp ông Dũng nêu lại việc năm 2022, TPHCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ này đã trả lời 604 văn bản. Đáng chú ý, ông Dũng cho rằng các vấn đề đó không quan trọng, mà quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TPHCM. "Đó là hiện tượng né tránh, đá bóng”, ông Dũng nói.
Tại cuộc họp sáng về công bố DDCI năm 2022 của TPHCM, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết việc nêu lại vấn đề trên của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ông không được trực tiếp lắng nghe mà chỉ đọc lại qua thông tin báo chí tường thuật lại.
Do đó, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM muốn nói rõ hơn về vấn đề này. "Vừa rồi, khi đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với TPHCM, đồng chí Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư có phát biểu về việc địa phương gửi 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Từ đây liên hệ tới vấn đề tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của TPHCM không dám làm dẫn đến đình trệ", ông Phan Văn Mãi dẫn lại.
Sau khi có phản ánh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định, địa phương đã lập tức phân tích các văn bản đã xin ý kiến. Qua dữ liệu, thành phố nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm.
Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TPHCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi; nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia nên phải hỏi; nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau nên phải hỏi; nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên hỏi.
"Nếu quy các trường hợp của nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại phải hỏi", Chủ tịch UBND TPHCM phân tích, và cho rằng: "Thực tế trong hơn 600 văn bản bộ trả lời cũng có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào câu trả lời cũng không biết sao mà làm".
Cũng theo ông Mãi, việc thành phố hỏi những vấn đề không cần hỏi là có, nhưng không phải là tất cả. TPHCM phân tích các vấn đề này trên tinh thần nếu có vấn đề sẽ làm tốt hơn chứ không trốn tránh trách nhiệm hay đổ lỗi.
Liên quan vấn đề trên, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thủ tướng và TPHCM vào ngày 16-4-2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.
Trước đó, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.
“Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy cho nhau. Trung bình mỗi ngày, bộ phải trả lời cho thành phố 2 văn bản, mà chúng tôi còn trăm ngàn việc khác. Những địa phương khác nếu ai cũng vậy thì suốt ngày trả lời, trong khi đã phân công phân cấp rồi”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động, sáng tạo, quyết liệt là một trong những lý do khiến kinh tế của TPHCM sụt giảm. Nếu không giải quyết vấn đề này, TPHCM khó tạo những đột phá về tăng trưởng trong thời gian tới.
Nếu không thay đổi cơ chế tương tác giữa cấp trên và cấp dưới, thì câu chuyện hỏi – đáp sẽ cứ diễn ra lòng vòng mãi, không có hồi kết. Hậu quả sẽ là sự trì trệ, chậm tiến, bảo thủ, lạc hậu. Một mô hình nhà nước kiến tạo đúng nghĩa, trong đó cấp trên sáng suốt, thực tiễn – cấp dưới năng động, sáng tạo, luôn là điều kiện tiên quyết để mọi chủ trương chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, mở rộng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững.