Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chưa bước ra khỏi vùng an toàn, đừng mơ “chuyển đổi”

An Yên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chuyển đổi số đã thành cụm từ quá quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đặc biệt được nhắc đến như là một nền tảng giúp nhiều doanh nghiệp vững vàng hơn trong dịch Covid-19 khi họ cùng một lúc phải đối mặt với nhiều bài toán về chi phí, nhân sự, quản lý dữ liệu, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất và kinh doanh, khôi phục lại những đứt gãy của chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua.

Không hẹn mà gặp, cuộc hội nghị trực tuyến về thành phố thông minh Việt Nam ASOCIO 2021 hồi đầu tháng 11 này có năm phiên chuyên đề nhưng thảy đều gắn với chuyển đổi số, như chính quyền số; bất động sản thông minh; khu công nghiệp thông minh; nền tảng, giải pháp số cho thành phố thông minh; startup với thành phố thông minh.

Thay đổi tư duy, gắn kết với thực tế

Nhiều diễn giả ở Việt Nam ASOCIO 2021 cùng chia sẻ quan điểm rằng sự bùng phát gần hai năm qua của đại dịch Covid-19 đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển. Đây là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu của các đô thị tại Việt Nam. Do vậy, đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà khởi nghiệp trong nước đi theo xu hướng chuyển đổi số để tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho rằng cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, và phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Trên thực tế, chuyển đổi số đã không còn quá xa lạ với cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đang ứng dụng các giải pháp số vào phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế như hiện nay. Thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với câu hỏi lớn đó là nhân tố nào quyết định cho việc chuyển đổi số thành công tại doanh nghiệp, và liệu công nghệ có phải là yếu tố cốt lõi? Dù khá quen thuộc với cụm từ “chuyển đổi số”, song trên thực tế vẫn còn khá nhiều tổ chức, doanh nghiệp e ngại, chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để “chuyển đổi”. Họ không nghĩ rằng đầu tư cho chuyển đổi số là để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp gặp khó vì hiểu sai về bản chất

Để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tổng hòa các yếu tố, gồm văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, quản lý dữ liệu.

Ngoài ra, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng công nghệ số, nỗi lo ngại rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.

Ở góc nhìn của một người làm công nghệ, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho rằng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh thì một trong những giải pháp của doanh nghiệp là đầu tư cho chuyển đổi số từ sớm. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu sự hiểu biết về chuyển đổi số. Không ít người cho rằng, chuyển đổi số chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, bản chất của chuyển đổi số là bao gồm môi trường kinh doanh, con người, sau đó mới là hạ tầng công nghệ.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, chuyển đổi số phải được hiểu là chuyển đổi từ tư duy của nhà lãnh đạo đến nhân viên, từ các thủ tục giấy tờ đến tự động theo quy trình thống nhất… Có thể kể đến như tự động hóa khối văn phòng, không giấy tờ, làm việc thông qua văn bản, chữ ký số; đảm bảo vận hành kinh doanh và sản xuất trên nền tảng trực tuyến (online). Cùng với đó, doanh nghiệp triển khai kết nối với khách hàng, các đối tác cung cấp qua nền tảng thương mại điện tử, dùng công nghệ để kiểm soát và đảm bảo an toàn trong lao động.

Để chuyển đổi số, cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có những lợi thế, khó khăn nhất định. Với doanh nghiệp lớn, họ có lợi thế về nguồn kinh phí dồi dào, song thách thức lại là kho dữ liệu quá lớn, dẫn tới quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra chậm hơn, ì ạch do tư duy cũ, tổ chức cồng kềnh.

Trong khi đó, với doanh nghiệp nhỏ như SKD Việt Nam, chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh chóng hơn nhưng bản thân đơn vị lại thiếu kinh phí vận hành, thiếu năng lực kỹ thuật số. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu, lựa chọn chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực cũng như có giải pháp dài hơi cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kết bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia về chuyển đổi số doanh nghiệp, trước khi chuyển đổi số, bản thân nội bộ doanh nghiệp cần phải chuyển đổi nền tảng giao tiếp giữa các nhóm, phòng ban về phương thức liên hệ, làm việc. Doanh nghiệp có công nghệ nhưng không có năng lực kỹ thuật số như kỹ năng làm việc trong môi trường số, tư duy số của lãnh đạo doanh nghiệp; xây dựng văn hóa kỹ thuật số và những nhận thức, khả năng ứng dụng công nghệ vào hoạt động của đơn vị minh… thì cũng sẽ rất khó thành công.

Cần sự chuẩn bị mang tính lâu dài

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, công nghệ chỉ chiếm một phần cốt lõi của hoạt động chuyển đổi số nơi doanh nghiệp. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải xây dựng tổng hòa các yếu tố, gồm văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, phân tích và quản lý dữ liệu. Chuyển đổi số cần tính đến một kịch bản dài hơi. Nếu chưa thể đầu tư cho một dự án quy mô lớn, doanh nghiệp có thể tìm ra các vấn đề còn hạn chế nhất hiện tại của mình, để chuyển đổi cho phù hợp nhất, bắt đầu số hóa từ những vấn đề đơn giản nhất.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI, tổ chức gần đây phân tích rằng trong bối cảnh đầy thách thức do dịch Covid-19, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế số.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc chiến lược Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), cho biết có ba yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ. Và thay đổi thói quen, nhận thức là khó khăn lớn nhất của quá trình chuyển đổi số. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...

Chia sẻ về câu chuyện thích ứng với đại dịch của chính doanh nghiệp mình, bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, kể rằng trong những năm gần đây, công ty đã từng bước thành công trong chuyển đổi “tư duy 4.0”, chuyển đổi số, đầu tư cho nhân sự và cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng trực tuyến.

Traphaco chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng robot trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng, đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.

Khi các đợt bùng phát của dịch Covid-19 diễn ra, Traphaco đã thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng khả quan. Trong năm 2020, doanh nghiệp tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế, và qua 6 tháng đầu năm nay, những con số tăng trưởng tương ứng là 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới