Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa có ai sở hữu máy bay tư nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa có ai sở hữu máy bay tư nhân

(SGTO) – Việt Nam cho phép các tổ chức và cá nhân được phép sở hữu và sử dụng máy bay tư nhân. Nhưng cho tới nay, chưa có tổ chức hay cá nhân nào hướng tới nhu cầu mới mẻ và khá “nhạy cảm” này.

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành vào đầu năm nay và sau đó Chính phủ ban hành nghị định số 76/2007/NĐ-CP ngày 9-5-2007 quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không nói chung, đều cho phép các tổ chức, cá nhân được phép sở hữu và sử dụng máy bay riêng phục vụ mục đích phi thương mại.

Ông Võ Huy Cường, Trưởng phòng Vận chuyển hàng không, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV), cho rằng đây được xem là những quy định cho phép sở hữu và sử dụng máy bay tư nhân cho cá nhân hay công ty dùng vào việc riêng của cá nhân và công ty, không dính dính dáng tới kinh doanh vận chuyển hàng không, tương tự như sở hữu máy bay tư nhân ở các nước phát triển.

“Tuy nhiên, đến giờ này, sau gần 9 tháng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có hiệu lực, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một hồ sơ của tổ chức hay cá nhân đăng ký sử dụng máy bay tư nhân”, ông Cường nói với SGTO qua điện thoại.

Ông cũng cho rằng việc mua và đăng ký sử dụng máy bay tư nhân cũng không khác là bao so với mua và đăng ký sử dụng một chiếc xe ô tô riêng của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hiện nay. Tuy nhiên, do là máy bay và liên quan đến các quy định hàng không nên việc nhập khẩu vào Việt Nam phải đủ kiều kiện về tuổi máy bay, tổ lái và một số điều kiện khác thì CAAV, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không ở Việt Nam, mới cấp chứng chỉ khai thác. Ngoài ra, khi khai thác máy bay còn phải xin phép sân bay, hành lang bay trên không.

Không chỉ tổ chức hay cá nhân người Việt Nam mà ông Cường cho biết quy định về máy bay tư nhân còn cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân người nước ngoài được phép sử dụng máy bay riêng vì mục đích phi thương mại nhưng phải tuân thủ thêm một số quy định về thời gian sinh sống và hoạt động tại Việt Nam, như cá nhân thì phải thường trú ở Việt Nam ít nhất 6 tháng.

Giải thích nguyên nhân chưa có tổ chức hay cá nhân sở hữu máy bay riêng phi thương mại, ông Cường nhận xét: “tôi nghĩ có nhiều người trong nước có đủ điều kiện tài chính để sở hữu máy bay riêng nhưng có lẽ do chưa có thói quen có một chiếc máy bay riêng, chưa nắm bắt đầy đủ các quy định mới của luật pháp, thậm chí có thể có người biết rõ nhưng còn e ngại dư luận đánh giá họ quá giàu có hay sợ bị nói là chơi trội”.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Pacific Airlines, cho biết giá máy bay trên thị trường thế giới dùng cho mục đích phi thương mại không quá cao so với thu nhập của một số cá nhân giàu có ở Việt Nam mà báo chí đã từng đăng tải về tài sản tính bằng số cổ phiếu mà họ nắm giữ trên thị trường chứng khoán.

Thông thường, trên thế giới máy bay tư nhân đa phần là loại nhỏ, dưới 20 chỗ ngồi, có giá dao động từ 1 tới 30 triệu đô la Mỹ, tùy vào loại cánh quạt hay phản lực. “Thực ra máy bay tư nhân mà các hãng sản xuất máy bay trên thế giới tung ra thị trường có tới ít nhất 30 lọai khác nhau, đáp ứng nhiều thị hiếu khác nhau cho người muốn sở hữu nó”, ông Nam cho hay. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết có nhiều tỉ phú ở nước ngoài thậm chí còn mua máy bay thương mại của hãng Airbus hay Boeing làm máy bay riêng mắc dù giá cực đắt. Ông Nam khẳng định trong tương lai không xa sẽ có người sở hữu và sử dụng máy bay tư nhân. Vì thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhiều người đang giàu lên nhờ kinh doanh phát đạt.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới