Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chưa hẳn là cách hay!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa hẳn là cách hay!

Minh Tâm

Chưa hẳn là cách hay!
Cấm các nhà sản xuất sữa khuyến mãi chưa hẳn là cách hay để ổn định thị trường. Ảnh TL SGT

(TBKTSG) – Đang nuôi hai con nhỏ, đứa lớn hơn 2 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi, mỗi tháng dùng hết 6-7 hộp sữa bột loại 900 gam, chị Nhung, nhà ở quận Phú Nhuận, TPHCM tá hỏa khi thấy ông xã thông báo, sắp tới khi mua sữa chị sẽ không còn được tích điểm, tặng quà như lâu nay vì có quy định mới, cấm các nhà sản xuất sữa áp dụng bất cứ hình thức khuyến mãi nào. Chị Nhung phàn nàn, “thế là tước quyền lợi của những bà mẹ”.

Nhiều bà mẹ cần mua sữa

Lâu nay, chị Nhung thường mua mỗi lần hàng chục hộp để được khuyến mãi xe đạp hay ba lô cho con xài, lại được tích điểm để được tặng sữa. Chị Nhung tính rằng, mua như thế lợi hơn mua từng hộp, chị có thể tiết kiệm được ít tiền mà con lại có vật dụng để dùng.

Quy định mới mà chồng chị Nhung nhắc đến là Nghị định 100/2014/NĐ-CP vừa được ký ban hành hôm 6-11 và sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành vào ngày 1-3 năm sau. Văn bản này ghi rõ, các cơ sở sản xuất kinh doanh không được áp dụng các biện pháp khuyến mãi đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Các sản phẩm thay thế sữa mẹ không phân biệt là sản phẩm dành cho trẻ bao nhiêu tháng tuổi nên phạm vi rộng hơn rất nhiều so với quy định đang có hiệu lực là Nghị định 21/2006/NĐ-CP ban hành ngày 27-2-2006 (cấm khuyến mãi dành cho sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và thức ăn dùng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi).

Chị Nhung cho biết, không còn khuyến mãi thì chị vẫn phải mua sữa vì hai con của chị không thể ngừng uống sữa. Bản thân chị thì không còn sữa cho đứa con thứ hai (một tuổi) vì công việc thường xuyên phải đi công tác xa. Còn đứa con đầu thì đã phải cai sữa mẹ từ hồi năm tháng tuổi khi mẹ mang thai đứa thứ hai.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Minh Hà, Phó phòng kế toán Công ty Grainco (quận 7, TPHCM) cho đứa con đầu lòng bú sữa bột từ tháng thứ tư, do phải đi làm sớm trong khi sữa mẹ không đủ. Lâu nay, việc lựa chọn loại sữa cho con, chị dựa vào rất nhiều yếu tố: các quảng cáo trên truyền hình, kinh nghiệm của đồng nghiệp có con nhỏ và khả năng tài chính. Nhưng dù sao quảng cáo cũng là kênh thông tin quan trọng. “Trước giờ, không quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi thì còn tạm hiểu. Bây giờ cấm đến sữa dưới 24 tháng, loại mà thị trường có nhu cầu lớn. Như vậy vô tình làm khó các bà mẹ”, chị Hà nêu ý kiến.

Nghị định 100, theo những người làm chính sách là hướng đến mục tiêu “giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên cơ sở khuyến khích và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ”. Điều này đang trở nên bức thiết khi theo thống kê của các cơ quan chuyên ngành, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tại Việt Nam đang sụt giảm và thậm chí còn thấp hơn khá nhiều các nước phát triển tại châu Âu.

Tuy nhiên, như chia sẻ của không ít bà mẹ mà TBKTSG có dịp tiếp cận, việc nuôi con bằng sữa mẹ không phụ thuộc vào việc các hãng sữa quảng cáo hay khuyến mãi cao, mà ở tình trạng sức khỏe và suy nghĩ của mỗi người. Có rất nhiều bà mẹ vì sinh mổ hoặc mắc bệnh nên không có sữa mẹ nuôi con. Bên cạnh đó, rất nhiều bà mẹ phải đi làm sớm, không có thời gian nghỉ nuôi con. Chính vì vậy, sữa mẹ bị sụt giảm về cả lượng và chất. Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ bằng thức ăn, sản phẩm thay thế là cần thiết và quan trọng là phải kịp thời, hợp lý để tránh tình trạng suy dinh dưỡng.

Cần kiểm tra giám sát

Còn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, trả lời cho câu hỏi của TBKTSG về các quy định cấm mới kể trên, đều cho biết là “sẽ chấp hành”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng bày tỏ, cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của các hãng sữa như thế nào để đảm bảo công bằng. Bởi lẽ, Nghị định 100 là sự tiếp nối và mở rộng phạm vi hơn so với quy định cũ, Nghị định 21 ban hành năm 2006. Nghị định này đã quy định hàng loạt hành vi bị cấm như không quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, cấm cử nhân viên tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bà mẹ, phụ nữ mang thai…

Tuy nhiên, trên thực tế, chính các cơ quan quản lý khi thực hiện một số đợt thanh tra đã phát hiện sữa cho trẻ dưới sáu tháng tuổi được bày bán tại các căn tin ở bệnh viện… Còn các bà mẹ như chị Hà, chị Nhung, trong suốt thai kỳ cũng như quá trình nuôi con, liên tục nhận được những cuộc điện thoại mời tham dự hội thảo chăm sóc thai nhi hay tư vấn dùng sữa. Đó là chưa kể khi đưa con đi khám tại một số bệnh viện, phòng khám vẫn gặp các nhân viên giới thiệu sản phẩm…
Trưởng phòng truyền thông của một doanh nghiệp sữa có vốn đầu tư nước ngoài mong muốn cơ quan chức năng khi đã ra quy định, cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.

Theo ông này, ngành sữa cần có một bộ quy tắc chung trong đó có các quy tắc về đạo đức với sự hợp tác, xây dựng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa và cơ quan quản lý hơn là những quy định cứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới