Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chữa ngập từ gốc

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cần Thơ vừa ban hành danh mục cấm san lấp 63 hồ, kênh rạch cụ thể tại tất cả các quận huyện khi chuyện ngập ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống thành phố, cấu trúc đô thị sông nước đã có nhiều thay đổi.

Triều cường đã biến đường phố Cần Thơ thành sông. Ảnh: HUỲNH KIM

Cần Thơ ngày càng ngập nặng, năm sau ngập hơn năm trước. Năm nay trên địa bàn quận Ninh Kiều (trung tâm thành phố Cần Thơ) có đến 83 tuyến đường bị ngập, tăng hơn nhiều so với đỉnh triều cường lịch sử năm 2019. Nhiều tuyến đường ngập sâu từng đoạn từ 0,45-0,7 mét; có nhiều đường ngập toàn bộ từ 0,25-0,65 mét, thời gian ngập kéo dài có khi vài ngày. Triều cường rằm tháng 9 Âm lịch năm nay tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu cao hơn mức báo động 3 là 0,27 mét và vượt đỉnh triều cường lịch sử năm 2019.

Tình trạng ngập nặng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, giao thông bị ách tắc, buôn bán ế ẩm, mọi sinh hoạt thường nhật bị rối loạn, thiệt hại về vật chất khá lớn. Nhằm khắc phục và tiến tới hạn chế tình trạng ngập đô thị, mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành danh mục các ao hồ, kênh rạch cấm san lấp trên địa bàn thành phố. Danh mục này gồm có 63 hồ, kênh rạch cụ thể tại tất cả các quận huyện. Giới chuyên môn đánh giá đây là một quyết định đúng. Dù khá muộn nhưng nếu làm triệt để, tình hình ngập nước sẽ được cải thiện.

Vùng đất Cần Thơ được người Việt khai phá và hình thành một đơn vị hành chính vào năm 1739 với tên gọi là Trấn Giang và trở thành thành phố vào thời Pháp thuộc, khoảng năm 1865. Khi ấy người Pháp ý thức được vị trí của thành phố cho nên các trung tâm hành chính, và công sở đều được đặt ở chỗ cao để không bị ngập nước. Theo thời gian Cần Thơ gia tăng về diện tích và quy mô dân số.

Hiện nay Cần Thơ là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, với diện tích 1.400 ki lô mét vuông, có 1,2 triệu dân và mang đặc trưng sông nước. Nó được bao bọc bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt với ba con sông lớn là sông Hậu, sông Cần Thơ và kênh Cái Sắn. Nằm sát sông (trong đó sông Hậu chạy thẳng ra biển Đông cách có hơn 70 ki lô mét), chịu tác động trực tiếp của thủy triều, do vậy, Cần Thơ bị ngập là chuyện đương nhiên, nhất là khi cộng hưởng cùng lúc triều dâng và mưa to.

Những năm trước 2000, Cần Thơ bị ngập nhưng thời gian không lâu, diện ngập không quá rộng và không sâu như bây giờ. Trước 1990, khi ấy Cần Thơ chưa tiến hành đô thị hóa cho nên sông rạch còn nguyên trạng, chạy khắp thành phố, các ao hồ chi chít.

Người dân Cần Thơ và cả các thị xã, thị trấn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không lo lắng chuyện ngập mà coi chuyện nước vào rồi ra là bình thường. Mấy năm gần đây nước trở nên “dữ hơn”, trong nội thành mà ngập đến gần ngang thắt lưng. Chuyện nước ngập nhiều đúng là có biểu hiện của biến đổi khí hậu, nhưng cái chính vẫn là “nhân tai”.

Cần Thơ hiện nay đã tăng diện tích lên gấp 3 lần so với thời kỳ trước năm 1980. Việc mở rộng thành phố, thành lập thêm các quận mới đồng nghĩa với việc dân số tăng thêm, công trình xây dựng nhiều hơn và quá trình bê tông hóa bề mặt thấm ngày càng rộng ra. Để có đất xây nhà, công trình xây dựng, rất nhiều ao hồ, kênh rạch bị san lấp lấy mặt bằng làm mất khoảng trũng chứa nước, các con kênh, rạch còn lại cũng bị vô hiệu hóa khả năng thoát nước.

Cần Thơ có một số con rạch tham gia vào việc điều tiết nước như Tham Tướng, Bần, Ngã Cái, Cái Khế, Bà Nga... nhưng hiện nay đã bị thu hẹp dòng chảy do công trình xây dựng lấn ra. Nhiều rạch không còn khả năng thoát nước vì ngập đầy rác thải, nước đen ngòm và mùi hôi thối khó chịu.

Việc người dân xây nhà dọc theo rạch ngày càng nhiều, rác thải, nước thải sinh hoạt của hộ dân và các cơ sở sản xuất trong khu vực đều thải trực tiếp xuống rạch là vấn nạn thành phố phải đối mặt. Hiện nay Cần Thơ có một nhà máy xử lý chất thải rắn mỗi ngày đốt được 400 tấn rác khô. Với năng lực này, nhà máy này chỉ tiếp nhận được khoảng 75% lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Thới Lai.

Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, hiện nay, mỗi ngày thành phố có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt thải ra, như vậy 250 tấn rác thải không được xử lý đi đâu? Câu trả lời là đổ xuống kênh rạch, sông ngòi. Người dân ĐBSCL có một thói quen là tống hết rác xuống kênh, sông và tin chắc nó sẽ trôi ra biển. Điều đó có thể chấp nhận được vào thời mà người dân không biết đến túi nylon, chai nhựa và đồ dùng bằng các chất liệu nhân tạo. Bây giờ, tống rác xuống các kênh, rạch khiến cho dòng chảy bằng 0. Đó là một trong số các nguyên nhân chính yếu khiến Cần Thơ bị ngập ngày càng nặng.

Bảo vệ và phục hồi giá trị của những dòng kênh, rạch, ao hồ ở Cần Thơ là giải pháp đúng nhất và tốt nhất. Cần Thơ không thể và không nên sử dụng giải pháp công trình như đắp đê, tôn nền, làm kè chắn sóng hay hệ thống máy bơm. Làm như thế rất tốn kém mà không hiệu quả.

Tất cả các thành phố, thị xã của ĐBSCL cần tận dụng tối đa giải pháp thoát nước tự nhiên như hàng trăm năm nay vốn có, thích nghi với biến đổi khí hậu, giữ diện mạo đô thị sông nước. Muốn thế, các thành phố phải trân trọng gia sản tự nhiên, bảo vệ, yêu quý nó, cái gì lỡ đã làm sai thì sửa. UBND thành phố Cần Thơ đang làm điều đó, tuy muộn, nhưng vẫn còn kịp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới