(KTSG) - Những định hướng bước đầu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cho thấy cơ quan đề xuất chính sách chưa thực sự nghĩ cho dân.
- Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cao nhất 10 năm qua do bất cập luật thuế
- Thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng đã gần đạt mức dự toán cả năm
Những ngày đầu năm mới, vấn đề thuế thu nhập cá nhân nóng ran các mặt báo, trang tin và cả trong câu chuyện trà dư tửu hậu. Cũng dễ hiểu bởi đây là việc cơm áo gạo tiền, liên quan sát sườn với mỗi người dân.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị dự thảo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026). Theo đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5-2026). Bước đầu, một số định hướng sửa đổi, bổ sung biểu thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đã được nêu trong phụ lục của dự thảo báo cáo này sau quá trình rà soát, nghiên cứu.
Theo luật hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm bảy bậc với các mức thuế suất từ 5-35%. Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau rất rộng so với các bậc trước. Chẳng hạn, thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất từ 0 đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch (về thu nhập tính thuế) ở bậc 4, 5, 6 lên tới hàng chục triệu đồng. Hai quy định này chưa hợp lý, vì đẩy áp lực nộp thuế rơi vào nhóm có thu nhập thấp hơn. Cơ quan thuế cũng vất vả hơn, bởi quá nhiều bậc và giãn cách giữa các bậc không hợp lý sẽ dẫn đến nhảy bậc khi tổng hợp thu nhập cuối năm, làm tăng số lượng phải quyết toán thuế trong khi số tiền nộp thêm không nhiều. Định hướng sửa luật lần này sẽ cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5 bậc; đồng thời có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc. Đây là phương án hợp lý, giúp giảm gánh nặng cho những người thu nhập thấp hơn và cho cả cơ quan thuế.
Dù các định mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã quá lỗi thời nhưng cơ quan đề xuất chính sách lại tỏ ra “nước đôi”, không rõ có điều chỉnh hay không.
Liên quan đến giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, dù các định mức hiện hành đã quá lỗi thời nhưng cơ quan đề xuất chính sách lại tỏ ra “nước đôi”, không rõ có điều chỉnh hay không. “Nếu dự kiến đến 2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới”, dự thảo báo cáo viết. Tuy nhiên, ở phần phân tích trước đó, hầu hết lập luận, dẫn chứng đưa ra lại để chứng minh rằng, các mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là… phù hợp.
Sau lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế thu nhập cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Dự thảo báo cáo cho rằng, như vậy, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Hơn nữa, khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 là 4,2 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân 9,184 triệu đồng. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay gấp hơn 2,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng) và cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc cũng tương đương với thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Đề xuất “nước đôi” liên quan đến giảm trừ gia cảnh cũng cho thấy kế sách “khoan thư sức dân”, mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cân nhắc kỹ ở đây. Nếu các định hướng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân giữ nguyên như dự thảo báo cáo này, người dân sẽ phải gánh gánh nặng thuế thêm vài năm nữa!
Phân tích này thoạt nghe có lý nhưng có một thực tế khác đã bị lãng quên. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị đạt 5,38 triệu đồng, ở nông thôn là 3,48 triệu đồng. Điều này có nghĩa con số “2,6 lần” nói trên không đại diện cho phần lớn người làm công ăn lương ở khu vực thành thị với mức thu nhập cao gần gấp 1,5 lần vùng nông thôn - là những người đang và sẽ tiếp tục đóng góp chính vào thuế thu nhập cá nhân.
Hơn nữa, 16 năm đã trôi qua từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành (năm 2007), mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh hai lần (năm 2013 và năm 2020). Dù việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh căn cứ tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là đúng với thông lệ quốc tế nhưng quy định hiện nay - biên độ tăng CPI phải tới 20% thì mới bắt đầu điều chỉnh mức giảm trừ là quá cao, nên phải chờ lâu. Tần suất điều chỉnh thực tế thời gian qua (6-7 năm/lần) không thể phản ánh kịp thời những thay đổi trong giá cả sinh hoạt. Chưa kể, các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ. Những chi phí thiết yếu, mức chi tương đối lớn như học phí, tiền thuê nhà, chi phí y tế… đều không được giảm trừ (trong khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ tiền học phí cho con, tiền mua vé máy bay về phép…).
Không biết bao nhiêu người làm công ăn lương ở khu vực thành thị có thể trang trải đủ cho cuộc sống hiện nay chỉ với 11 triệu đồng/tháng? Người phụ thuộc về cơ bản cũng có mức tiêu dùng tương đương người nộp thuế, nhưng chỉ được giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế; hoặc tiêu chí xác định người phụ thuộc là có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng cũng là những định mức quá lạc hậu, cần phải được xem xét, sửa đổi lần này.
Theo kế hoạch xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được xem xét sửa đổi trong giai đoạn 2023-2025. Dự thảo báo cáo của Chính phủ đề xuất trình Quốc hội dự luật này vào tháng 10-2025, thông qua vào tháng 5-2026 là có phần chậm trễ và trì hoãn. Đề xuất “nước đôi” liên quan đến giảm trừ gia cảnh cũng cho thấy kế sách “khoan thư sức dân”, mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cân nhắc kỹ ở đây. Nếu các định hướng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân giữ nguyên như dự thảo báo cáo này, người dân sẽ phải gánh gánh nặng thuế thêm vài năm nữa!
Thuế, vốn dĩ là công cụ quản lý, có chức năng tái phân bổ nguồn lực tài chính xã hội. Thu mới có để chi. Chi để nuôi dưỡng, làm giàu hơn nguồn thu. Tuy hai mà một. Làm sao cho công bằng, hợp lý, đó mới là điều quan trọng nhất. Do vậy, hành thu và hành chi đều có vai trò, tầm quan trọng như nhau. Nhưng rất tiếc, lâu nay hành thu vẫn luôn là xu thế chủ đạo, chi phối nhất của ngành thuế. Tăng thu, thu vượt kế hoạch, tận thu… là những khẩu hiệu phổ biến nhất không chỉ ngày xưa mà cả ngày hôm nay. Đã đến lúc, phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ, hành động đúng đắn và kịp thời.