(KTSG) - Giới chức Fed đang có cuộc tranh luận gay gắt về việc nên tiếp tục tăng lãi suất, hay tạm dừng trong cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới.
- Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, củng cố khả năng Fed dừng tăng lãi suất
- Fed lo ngại rủi ro nợ của lĩnh vực bất động sản thương mại
Tuyên bố ôn hòa bất ngờ của người đứng đầu Fed
Hôm 19-5-2023, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã khiến thị trường bất ngờ khi đưa ra một tuyên bố ôn hòa hơn nhiều so với dự kiến. Ông gợi ý rằng những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có thể đồng nghĩa với việc Fed sẽ không tăng lãi suất nhiều như dự kiến để kiểm soát lạm phát.
Phát biểu tại một hội nghị tiền tệ do Fed chủ trì ở Washington D.C., ông Jerome Powell cho biết các sáng kiến mà Fed đưa ra để giải quyết vấn đề tại các ngân hàng khu vực về cơ bản đã ngăn chặn được các kịch bản xấu nhất.
“Các công cụ ổn định tài chính đã giúp xoa dịu căng thẳng trong hệ thống ngân hàng. Nhưng mặt khác, những diễn biến trong hệ thống ngân hàng cũng khiến cho điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, từ đó có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”, ông Powell nhận định tại hội nghị. Ông nói tiếp: “Bởi vậy, chúng ta có thể không cần tăng lãi suất chính sách nhiều như dự kiến để đạt được mục tiêu lạm phát”.
Tuy nhiên, để cân bằng lại, ông Powell cũng nói thêm rằng “hiện vẫn còn nhiều điều không chắc chắn” liên quan đến vấn đề lãi suất, và tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn ở mức quá cao, buộc Fed phải quyết tâm đưa giá cả về mức kiểm soát.
Ông Powell nhận xét trạng thái chính sách tiền tệ của Fed hiện nay mang tính “hạn chế”, và cho biết, các quyết định lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế, thay vì được định sẵn từ trước.
Những tuyên bố của ông Powell được đưa ra trong bối cảnh các thị trường hiện đang nghiêng nhiều về khả năng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới.
Quan điểm được đánh giá là ôn hòa này của nhà lãnh đạo Fed ngay lập tức đã tác động đến thị trường tiền tệ, khiến chỉ số đô la Mỹ (DXY) rời khỏi mức cao nhất 7 tuần đạt được trong phiên trước đó. Chốt phiên giao dịch hôm thứ Sáu (19-5), DXY ghi nhận mức giảm 0,4% xuống 103,08. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm lần lượt ghi nhận mức tăng nhẹ, lên 3,688% và 4,291% trong phiên này.
Giới chức Fed tiếp tục chia rẽ về chính sách lãi suất
Tuy nhiên, triển vọng chính sách của Fed vẫn chưa có gì rõ ràng khi mà các quan chức hiện vẫn đang có quan điểm khá chia rẽ về động thái chính sách tiếp theo.
Hôm thứ Năm tuần trước, phát biểu tại một hội nghị ngân hàng ở San Antonio, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho biết, bà đang nghiêng về khả năng tăng lãi suất trong tháng 6. Bà nói: “Chúng ta đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế cho đến nay vẫn chưa chứng minh được rằng, chúng ta đã làm đủ để có thể tạm dừng tăng lãi suất”.
Trước đó, một số quan chức Fed khác bao gồm Thống đốc Michelle Bowman, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester hay Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng bày tỏ quan điểm tương tự. “Nếu lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động vẫn thắt chặt, việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ là phù hợp”, bà Bowman cho biết trong một bài phát biểu tại Đức.
Ở chiều ngược lại, Thống đốc Fed Philip Jefferson lại gợi ý rằng có lẽ đã đến lúc tạm dừng tăng lãi suất, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao.
“Lịch sử cho thấy rằng chính sách tiền tệ hoạt động với độ trễ dài và có thể thay đổi. Một năm không phải là khoảng thời gian đủ dài để nền kinh tế thực sự cảm nhận được tác động đầy đủ của lãi suất cao hơn”, ông Jefferson nói trong bài phát biểu trước Hiệp hội Ủy viên bảo hiểm Quốc gia Mỹ.
Một số quan chức khác bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Trả lời phỏng vấn Reuters, Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin nói rằng, trong bối cảnh có nhiều dữ liệu kinh tế cần được xem để xem xét kỹ lưỡng trước cuộc họp và sự bế tắc ở D.C. về việc nâng trần nợ công; ông vẫn để ngỏ cả hai khả năng tăng hoặc tạm dừng tăng lãi suất.
Thị trường tạm nghiêng về khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất
Theo công cụ FedWatch Tool của CME Group, những tuyên bố diều hâu của một số quan chức đã khiến khả năng Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 6 tăng từ mức 15,5% hôm 12-5 lên 36% vào 18-5.
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố ôn hòa hơn của Chủ tịch Fed Jerome Powell, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất đã giảm mạnh xuống mức 17,4 % vào đầu tuần này.
“Việc không có bất kỳ dấu hiệu nào về sự tăng lương cơ bản tại Mỹ, là tín hiệu cho thấy Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 6, trừ khi có những bất ngờ lớn trong các dữ liệu kinh tế sắp công bố. Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là một đợt tạm dừng mang tính chất diều hâu (tạm dừng nhưng vẫn sẽ hướng tới việc tiếp tục tăng trong tương lai)”, các chiến lược gia của Evercore ISI nhận định.
Theo các chuyên gia, tình hình sẽ còn tiếp tục biến động trong những ngày tới, khi các báo cáo mới nhất về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, khó có thể giải quyết cuộc tranh luận của các quan chức.
Các số liệu công bố vào thứ Sáu tuần này dự kiến sẽ cho thấy chỉ số PCE trong tháng 4 đạt mức tăng theo tháng là 0,2% - cao hơn mức tăng 0,1% trong tháng 3. Mức tăng theo năm của chỉ số dự kiến đạt 4,1% - thấp hơn mức 4,2% trong tháng 3, và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 5-2021, nhưng vẫn cao gấp đôi mức mục tiêu 2% của Fed.
Một báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến sẽ càng củng cố cho luồng quan điểm diều hâu trong giới hoạch định chính sách. Trả lời phỏng vấn Financial Times, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cho biết: “Tôi thực sự mong đợi lạm phát hạ nhiệt, nhưng quá trình này diễn ra chậm hơn tôi mong muốn. Do vậy, việc tăng lãi suất thêm một chút sẽ đảm bảo rằng chúng ta có thể thực sự kiểm soát được lạm phát”.
Triển vọng lãi suất dài hạn vẫn còn khó dự đoán
Đối với triển vọng lãi suất trong dài hạn, thị trường hiện vẫn đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tiến hành giảm lãi suất trong năm nay bất chấp những tuyên bố cứng rắn của các quan chức. Theo FedWatch Tool của CME Group, tính đến thứ Hai đầu tuần, xác suất Fed tiến hành cắt giảm lãi suất trong tháng 9 hiện là 33,9% và trong tháng 11 là 50,2%.
Joe LaVorgna, chuyên gia Kinh tế trưởng của Tập đoàn SMBC và là cố vấn kinh tế hàng đầu trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, ủng hộ quan điểm này khi cho biết: “Không đời nào Fed có thể ngồi yên khi tình trạng mất việc làm gia tăng tại Mỹ”.
Tuy nhiên, một báo cáo mới từ các nhà chiến lược lãi suất tại Bank of America Global Research lại cho rằng, thị trường có thể đã đánh giá quá thấp các động thái chính sách từ Fed, và các nhà hoạch định chính sách có thể khiến thị trường phải bất ngờ.
Theo kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội Kinh tế kinh doanh Quốc gia (NABE) công bố hôm thứ Hai tuần này, các chuyên gia dự báo Fed sẽ chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong cuộc chiến chống lạm phát trong phần còn lại của năm nay, ngay cả khi lãi suất cơ bản được giữ ở mức cao nhất trong vòng 16 năm qua.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát trung bình tại Mỹ trong năm nay sẽ ở mức 4,2% - cao hơn mức dự báo 3,9% hồi tháng 2, và vượt xa mức mục tiêu 2% của Fed. Việc lạm phát cao kéo dài sẽ là lý do khiến Fed tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức hiện tại là khoảng 5,1%, mức cao nhất trong 16 năm.
Nguồn: CNN Business, AP News, USA Today, Finance Yahoo, Barrons, Reuters, CNBC