(KTSG Online) – Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn từ ngày 1-7 năm nay. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đề xuất sớm triển khai giai đoạn 2 vì lưu lượng giao thông trên tuyến chính đã gần chạm mức mãn tải, tức gần hết công suất khai thác và trở nên quá tải.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, tính từ ngày 30-4-2022 (tức thời điểm cho phép xe lưu thông miễn phí trên cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận) đến nay, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến chính đạt khoảng 800.000 lượt, tức đạt mức trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, giai đoạn 1 của dự án chưa có làn dừng khẩn cấp, chỉ bố trí các điểm dừng khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên, trong đó, có 5 điểm dừng bên trái và 6 điểm bên phải), có chiều rộng dải dừng chỉ 2 mét nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, nhất là xe container. Điều này dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ và xử lý kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.
Công ty BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết, hiện dọc hai tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (49,6 km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5 km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200. Như vậy, đoạn từ km28+200 đến cuối tuyến (km101+126) dài khoảng 73 km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông nhằm đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.
Từ vấn đề ở trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đề xuất các đơn vị liên quan phải cấp thiết bổ sung ngay các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu, xử lý sự cố phương tiện hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự án còn đề xuất sớm có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 để hoàn thiện dự án, bởi lượng xe lưu thông trên tuyến ghi nhận gần chạm mức mãn tải hay nói cách khác là gần hết công suất khai thác và trở nên quá tải.
Nguyên nhân sắp mãn tải được doanh nghiệp dự án lý giải là do dự án được thực hiện theo quy hoạch và tính toán căn cứ vào mốc khởi điểm cách đây 13 năm (tức năm 2009- PV).
“Cao tốc” 2 làn thì làm sao không quá tải được ? Không hiểu các vị ngành GTVT làm ăn với “tầm nhìn” như thế nào ?
Chờ đợi phê duyệt xong 1 dự án thì cũng là lúc các nghiên cứu kinh tế xã hội trở nên lỗi thời