Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chưa xác định blacklist phát tán “rác”, vẫn khó chống tin nhắn “rác”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chưa xác định blacklist phát tán “rác”, vẫn khó chống tin nhắn "rác"

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phải tổ chức xây dựng danh sách, địa chỉ IP/dải IP (IP Blacklist) phát tán thư điện tử rác. Đây là một trong những yêu cầu được nêu ra trong dự thảo Nghị định chống tin nhắn rác… mà Chính phủ đang đưa ra lấy ý kiến.

Vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi “rác” và thư điện tử (e- mail) “rác” tràn ngập hàng ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mọi người. Nhiều khi đó là các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử liên tục mời mua sản phẩm bất động sản, dịch vụ bảo hiểm, mời nhận quà trúng thưởng nhưng mang tính chất lừa đảo…

Chưa xác định blacklist phát tán “rác”, vẫn khó chống tin nhắn
Tin nhắn quảng cáo mời mua dịch vụ, sản phẩm liên tục được các doanh nghiệp gửi đến người sử dụng điện thoại hàng ngày. Ảnh minh họa: TS

Việc đặt ra các hàng rào kỹ thuật chặn các loại “rác” nêu trên, tránh làm phiền người sử dụng thiết bị di động là mong muốn từ lâu nhưng các cơ quan quản lý không có biện pháp hữu hiệu nào. Ngoại trừ mỗi cá nhân tự sử dụng các tính năng trên thiết bị để chặn các cuộc gọi, tin nhắn “rác”.

Lần đầu tiên, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo gửi qua tin nhắn, thư điện tử và gọi điện.

Theo dự thảo này, tin nhắn hay cuộc gọi, e-mail “rác” là những thứ mà không được sự đồng ý trước của người nhận hoặc tin nhắn quảng cáo vi phạm các quy định về tin nhắn quảng cáo. Hoặc gửi các  thông tin quảng bá thời sự, chính sách xã hội không thuộc loại hình được phép theo quy định của pháp luật, chưa được sự đồng ý của Bộ TT-TT. Mặt khác, những tín nhắn, e-mail  lừa đảo, quấy rối, phát tán các phần mềm gây hại…cũng đều bị coi là “rác”.

Tuy nhiên, trong dự thảo các biện pháp phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác, e-mail rác mới đề ra các biện pháp chung chung như : theo dõi, giám sát, chia sẻ thông tin dữ liệu về nguồn, mẫu tin nhắn rác, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử, số điện thoại phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác….

Bộ TT-TT yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nói trên có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý các loại “rác”. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại …tới các địa chỉ không chấp nhận quảng cáo. Bên cạnh đó, bộ phải xây dựng danh sách đen địa chỉ IP/dải IP (blacklist) phát tán thư điện tử rác nhằm hạn chế việc bị lạm dụng để phát tán thư điện tử rác đến các máy chủ mail….

Cơ quan này cũng dự kiến yêu cầu các doanh nghiệp viến thông thực hiện các biện pháp ngăn chặn như: không cung cấp dịch vụ tin nhắn cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mà chưa được Bộ TT-TT cấp mã số quản lý, thu hồi số thuê bao dùng để phát tán tin nhắn rác…

Các biện pháp nêu ra trong bản dự thảo, nhìn chung không có gì mới và trên thực tế đều đã có nhưng vấn nạn tin nhắn, điện thoại, e-mail “rác” mỗi ngày một nhiều hơn, gây phiền phức đáng kể đến đời sống của người dân mà dường như không có biện pháp mạnh hơn được đề ra để xủ lý.

Theo một số chuyên gia công nghệ, một trong những yếu tố quan trọng và thiết thực mà trong bản dự thảo này chưa đề cập đến: như thế nào thì bị gọi là IP backlist, tin nhắn rác, mức độ tung “rác” đến đâu sẽ bị đưa vào danh sách “đen”. Nếu chưa đề ra được mức độ danh sách các IP, số điện thoại, tin nhắn… bị rơi vào danh sách “đen” thì rất khó ngăn chặn được “rác ” loại này. Nhất là danh mục các số điện thoại “rác” lại do các mạng viễn thông xây dựng tiêu chí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới