Chuẩn bị cho hậu Covid
Phan Minh Ngọc
(KTSG) - Dù đang hoành hành nhưng đại dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi như mọi cuộc đại dịch khác, và xã hội vẫn phải tiếp tục vận động tiến lên phía trước. Do đó, ngay từ bây giờ cần phải chuẩn bị cho quá trình phục hồi hậu Covid.
Có thể hình dung nền kinh tế và xã hội sau đại dịch cũng sẽ như một quốc gia mới trải qua một cuộc chiến tàn khốc, với ngổn ngang thiệt hại vật chất và con người, với nhiều ngành nghề, doanh nghiệp từ thoi thóp đến đóng cửa. Ngược lại, cũng sẽ có một số ngành nghề, doanh nghiệp khấm khá, ăn nên làm ra. Nếu ví von thì cũng đã có người, có nơi dùng hình ảnh chữ K để mô tả tình trạng phân hóa thành hai nửa của hai nhóm ngành nghề, doanh nghiệp nói trên, cũng là tình trạng của nền kinh tế trong và sau đại dịch, với nửa trên của chữ K chỉ sự đi lên và nửa dưới đi xuống.
Với một nền kinh tế trong tình trạng như vậy, điều cần làm, cần ưu tiên là dọn dẹp đổ nát, “ma chay” cho ngành nghề, doanh nghiệp đã chết và cấp cứu cho ngành nghề, doanh nghiệp thoi thóp sống. “Ma chay” là để giảm nhẹ tác động quá lớn lên người lao động của doanh nghiệp nay đã trở nên thất nghiệp, vô gia cư.
Doanh nghiệp chết đi đã vậy nên doanh nghiệp đang thoi thóp sống thì càng cần phải khẩn trương hỗ trợ để chúng gượng lại được, không (tiếp tục) sa thải, cắt lương người lao động, đẩy xã hội vào một vòng xoáy luẩn quẩn lao xuống hố.
Do đó, việc cần chuẩn bị ngay từ bây giờ là phải thu xếp, dự trữ nguồn lực. Nhưng nguồn lực nào đây khi mà các nguồn nội tại, như ngân sách và các quỹ dự trữ, đã và đang được sử dụng với quy mô ngày càng cao với thời điểm cạn kiệt đã không còn xa? Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thì như nước nhỏ giọt và cũng không thể nhỏ ra mãi được.
Đi vay trong và ngoài nước do đó là tất yếu. Quốc hội gần đây đã thông qua kế hoạch vay hơn 3 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025. Lưu ý rằng con số dự tính này được xây dựng vào đầu năm nay, khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh trên quy mô cả nước như hiện nay. Do đó, diễn biến dịch bệnh xấu đi nhanh chóng từ nửa sau của năm nay có khả năng đẩy mức nợ công trên GDP lên cao hơn (so với tính toán hiện nay) bởi tác động kép gồm GDP tăng chậm hơn và nợ công tăng nhanh hơn để tài trợ cho các nhu cầu chống dịch tăng vọt.
Để tránh áp lực gia tăng nợ công lên kinh tế, xã hội, cần, một mặt, tránh lạm dụng vay mượn với lý do tài trợ chống dịch và phục hồi kinh tế. Mặt khác, cần tăng cường nguồn thu nội tại có tính bền vững hơn, cụ thể là thuế.
Tăng thu thuế nghe thì rất có vẻ nghịch lý trong giai đoạn này khi Bộ Tài chính đang đề xuất cắt giảm hàng loạt sắc thuế. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đây, người viết cho rằng việc cắt giảm thuế trên diện rộng là điều bất hợp lý, ít nhất bởi có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân vẫn phát đạt trong và sau đại dịch.
Do đó, với những đối tượng này, nếu không muốn tăng mức thuế họ phải nộp, như cách Mỹ đang muốn thực hiện (tăng thuế thu nhập doanh nghiệp) để lấy vốn tài trợ cho các gói kích thích, phục hồi kinh tế ở nước này, thì cũng đừng nên cắt giảm thuế cho họ.
Dẫu vậy, về trung hạn, sau khi đại dịch qua đi, do việc tăng vay nợ không thể là một giải pháp bền vững nên giải pháp tăng thuế, ít nhất là thuế thu nhập (doanh nghiệp và cá nhân) và có thể là thuế giá trị gia tăng như một số nước đã/sẽ làm (chẳng hạn Singapore) cần được xem xét và chuẩn bị.
Trước mắt, cần tăng cường nguồn thu thuế từ các đối tượng dạng tình nghi chưa nộp thuế (đầy đủ) như các đối tượng kinh doanh, quảng cáo trực tuyến, các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới... Nhưng để thu được thuế của các đối tượng này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả ở cấp độ đàm phán quốc gia, bởi nó liên quan đến các thỏa thuận đánh thuế toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia nói chung và doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ nói riêng.
Lo nguồn lực cũng là để đảm bảo cho các sự chuẩn bị khác có tính khả thi hơn. Để phục hồi và phát triển hậu đại dịch thì trước đó cần chuẩn bị cho người lao động và doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với một hoàn cảnh và môi trường kinh tế, xã hội mới mà có thể sẽ rất khác với thời tiền dịch. Hoàn cảnh và môi trường mới này đòi hỏi, ví dụ, các ngành nghề, doanh nghiệp phải tích cực chuyển đổi số, người lao động thì phải có kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng được nền sản xuất, kinh doanh mới dựa vào số hóa, làm việc từ xa nhiều hơn.
Sự chuẩn bị về phía Chính phủ trên khía cạnh này là thiết kế, hỗ trợ thực thi các giải pháp giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số theo các hình thức như doanh nghiệp và Chính phủ cùng làm (doanh nghiệp bỏ ra một phần kinh phí, Chính phủ hỗ trợ một phần).
Người lao động được Chính phủ hỗ trợ chi phí sinh hoạt và đào tạo khi tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, đổi mới chuyên môn do Chính phủ thiết kế và/hoặc đài thọ (một phần).
Về bản thân bộ máy chính trị và chính quyền các cấp cũng cần có sự chuẩn bị theo hướng tinh gọn tối đa và nâng cấp khẩn trương chất lượng hoạt động của mình. Đại dịch đã bộc lộ một thực tế rõ ràng rằng bộ máy quản lý hiện tại vừa thừa vừa yếu, vốn dựa nhiều vào các quyết tâm chính trị đã không đủ năng lực cần có để quản lý hữu hiệu kinh tế, xã hội. Nếu không có thay đổi về chất, đây sẽ là lực cản cho quá trình hồi phục và phát triển hậu đại dịch và các giai đoạn tiếp theo.
Tóm lại, đại dịch đã làm bộc lộ hết những mặt khuất của kinh tế, xã hội, đồng thời cũng là động năng cho các thay đổi mang tính cách mạng. Nhận thức được các xu hướng thay đổi tất yếu để có những chuẩn bị kịp thời sẽ giúp nhanh chóng khắc phục được các hậu quả của dịch bệnh và đưa đất nước sang một trang phát triển mới.
----------
(1) https://vov.vn/kinh-te/rui-ro-no-cong-hien-huu-sau-dai-dich-844407.vov