(KTSG Online) - Phục hồi dần sau một mùa hè tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách du lịch nội địa, tuy nhiên, hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú lại tiếp tục lo âu cho mùa kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới, bởi vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực. Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, so với thời điểm trước dịch Covid-19, định mức trung bình hiện tại chỉ đạt khoảng 0,4 lao động/buồng phòng.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Đầu năm 2022, ngành du lịch mở cửa trở lại và rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng. Trong mảng đào tạo, số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch cũng chỉ bằng 50% so với trước dịch. Số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25%, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35% và 10% lao động làm việc cầm chừng.
Trao đổi với TTXVN, thạc sĩ Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dẫn số liệu thống kê rằng số lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, và chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất hoạt động trung bình dưới 50% (tức là định mức chưa đến 0,6 lao động/buồng phòng). Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình khoảng 0,4 lao động/buồng phòng.
Tại Nghệ An, phần lớn doanh nghiệp du lịch đang hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa. Nguồn nhân lực giảm 50%. Tại Đà Nẵng, khoảng 80% doanh nghiệp du lịch vẫn đang tạm dừng hoạt động.
Trang web Danang.gov.vn dẫn lời bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, cơ quan này tiếp tục triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử phục vụ khách, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức các chương trình tuyển dụng, hướng nghiệp tuyển dụng nhân sự.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, địa bàn tỉnh có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành nghề du lịch. Trang web Binhthuan.gov.vn dẫn thống kê từ 75 doanh nghiệp hội viên, có hơn 60% cơ sở lưu trú thiếu lao động. Theo đó, mới chỉ đáp ứng từ 50-60% nhu cầu lao động thị trường du lịch tết 2023.
Tại thành phố Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội thống kê, khoảng 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề, gần 21.500 lao động thất nghiệp (chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối này). Theo TTXVN, số lượng lao động làm việc bán thời gian khoảng 13.400 người, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 11.600 người.
Chương trình hành động phát triển du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa. Một mục tiêu khác là tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12-14%/năm và khách nội địa từ 6-7%/năm. Bình quân, du lịch tạo khoảng 5,5-6 triệu việc làm. Trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp.
Tổng hợp