Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuẩn bị kịch bản nhằm duy trì ổn định kinh tế

Đông Hải

-

(KTSG Online) – Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn chưa có tiền lệ…

Năm 2023 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát tiếp tục ở mức cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước vẫn tiếp tục.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của 2023 là thúc đẩy tăng năng lực sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong nước ổn định.

Giá dầu thô, khí đốt và một số hàng hóa cơ bản vẫn biến động khó lường; nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn chưa có tiền lệ…

Việt Nam cần phải làm gì để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội trong nước, phấn đấu giữ lạm phát CPI bình quân 4,5%, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5- 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%…

Tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng. Tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Tiếp tục chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đảm bảo cung ứng kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tế.

Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, cân bằng lượng tiền vào – ra, điều tiết giá cả. Trong kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách kiểm soát giá cả. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô.

Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả thị trường để kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm về đầu cơ, tháo túng giá cả. Để kiềm chế lạm phát tăng cao, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát.

Để kiềm chế lạm phát bền vững trong dài hạn, cần tiếp tục chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng (dựa trên các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, trình độ khoa học – công nghệ cao). Có như vậy, nền kinh tế mới hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm áp lực lạm phát, suy thoái trong năm 2023.

Đối với việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, phải lấy mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng; thời điểm cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì siết chặt tín dụng cho bất động sản.

Trong trường hợp tỷ giá trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng lên, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, dư địa chính sách hạn chế do lãi suất đã ở mức cao. Khi đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng sẽ giúp hạn chế tối đa việc tăng thêm lãi suất.

Bộ Công Thương được yêu cầu có các giải pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường, chống việc găm hàng, thổi giá, tránh tình trạng lợi dụng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Thực hành tiết kiệm chi phí, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ gây nên lạm phát ở Việt Nam.

Đối với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, cần giám sát chặt chẽ thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh để giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Thị trường bất động sản phát triển cần huy động vốn từ nhiều kênh như: đầu tư trực tiếp, vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân, vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường này.

Sức ép giải ngân đầu tư công 700.000 tỉ đồng là bài toán khó nhất của Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển nền kinh tế. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Vì thế năm 2023, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tập trung cho các dự án có tác động tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội; kiên quyết dừng, thu hồi các dự án trì trệ, chậm tiến độ.

Luồng vốn FDI lớn vẫn đổ vào Việt Nam, tạo lực đẩy tăng trưởng, góp phần lan tỏa kinh tế. Cũng cần nhắc tới, Việt Nam có chính sách an sinh xã hội tốt, không để xảy ra những biến động về xã hội lớn, duy trì trật tự xã hội. Việt Nam cần kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu mở rộng năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Cần dự trữ xăng dầu bằng hàng chứ không phải bằng tiền nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị liên quan cần chủ động mở rộng năng lực nguồn dự trữ xăng dầu, tránh tình trạng khan hiếm xăng như năm 2022. Ảnh: Lê Vũ

Thực hiện giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu nhằm giảm áp lực tới mặt bằng giá cả hàng hóa. Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Giảm mức đóng học phí, giảm thuế, lệ phí một số mặt hàng tiêu dùng, tiếp tục chưa tăng giá điện, chi phí khám, chữa bệnh ổn định an sinh xã hội, cũng là góp phần kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế không được tạo ra cung tiền ào ạt vào nền kinh tế. Gói trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng không thực hiện bơm tiền vào nền kinh tế. Áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ chỉ có thể khi tổng cầu tăng cần sử dụng nhiều nguyên vật liệu, nhu cầu nguyên vật liệu tăng làm giá cả tăng.

Chính phủ sẽ giám sát, chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành tiếp tục điều chỉnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu và không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tránh tình trạng tăng giá bất thường…

Và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, hạn chế tham nhũng bằng kiểm soát quyền lực, đảm bảo an toàn để doanh nghiệp, bộ máy chính quyền nghiêm chuẩn hoạt động. Tránh chuyện “sợ không dám làm” rồi kéo theo bộ máy trì trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Muốn xóa tham nhũng tận gốc, thì phải xóa cơ chế xin – cho và phải kiểm soát được quyền lực.

Nội dung: Đông Hải – Hình ảnh: Lê Vũ – Trình bày: Thu Trang

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Tài liệu Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).
  2. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 18 xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023.
  3. Báo cáo của Trương ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây