Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán 2022, kỳ vọng nhiều nhưng cũng lắm lo ngại

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán năm 2022 nhiều khả năng sẽ tiếp nối “bữa tiệc” trong năm 2021 dưới nhiều kỳ vọng tích cực, đặc biệt là các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thị trường cũng sẽ trở nên “nhạy cảm” hơn và các nhà đầu tư không còn “dễ ăn” như trước nữa.

Sáng 4-1, gói phục hồi kinh tế trong vòng 2 năm (2022-2023) với quy mô khoảng gần 340.000 tỉ đồng chính thức được thảo luận trên nghị trường Quốc hội.

Nội dung gói hỗ trợ phục hồi chủ yếu bao gồm miễn, giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền mặt, gia hạn phân loại nợ xấu, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, hỗ trợ xây nhà cho người lao động (như nhà ở xã hội…), hỗ trợ lãi suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Nhiều kỳ vọng…

Theo Công ty chứng khoán SSI, mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế nhưng không sâu rộng như trước đây. Tuy nhiên, gói phục hồi cũng đem lại tâm lý hưng phấn cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

“Yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong sáu tháng đầu năm chính là gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc Hội thông qua vào tháng 1-2022, trong đó có thể bao gồm một gói hỗ trợ lãi suất mới”, báo cáo về triển vọng thị trường năm 2022 của SSI nhận định.

Thị trường chứng khoán năm 2022 được đánh giá tích cực. Ảnh minh họa.

Tương tự, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nhiều chính sách mới trong giai đoạn nửa đầu năm 2022 được kích hoạt, sẽ tạo ra kỳ vọng giúp thị trường có mức tăng trưởng nhanh. Theo đó, các chương trình kích thích kinh tế bao gồm đầu tư công, những gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, hỗ trợ lãi suất có thể tạo ra cú hích từ tăng trưởng tín dụng.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Chỉ số VN-Index tăng 35,73%,  HNX-Index ghi nhận mức tăng 133%, đẩy giá trị vốn hóa toàn thị trường tăng đến 44,3%. Theo ông Matthew, Trưởng bộ phận nghiên cứu khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá thị trường Việt Nam trong năm ngoái thị trường hấp dẫn nhất thế giới.

Với những con số cao kỷ lục về điểm số và thanh khoản liên tiếp được ghi nhận trong năm ngoái, dường như trong năm nay “đại tiệc” thị trường chứng khoán vẫn còn chưa kết thúc, ít nhất là trong ngắn hạn khi nhiều công ty chứng khoán đánh giá dòng tiền và tâm lý nay trở nên tích cực hơn so với thời điểm tháng 12 vừa qua. “Thị trường đang có xu hướng đi lên và sẽ tiếp tục tăng nhờ các yếu tố cơ bản trong năm 2022”, đại diện Yuanta Việt Nam nhận xét.

Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán đồng thuận đưa ra nhận định chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đà tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch sẽ phục hồi ở mức 6-6,5%, dù biên độ tăng không còn mạnh như năm 2021.

Bên cạnh kỳ vọng lớn về gói phục hồi kinh tế hỗ trợ, thị trường chứng khoán còn được kỳ vọng nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới trên thị trường chứng khoán, khả năng nâng hạng thị trường, thoái vốn nhà nước, tăng trưởng kinh tế trở lại từ mức nền thấp, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước, chính sách thúc đẩy đầu tư tư nhân.

… nhưng không “dễ ăn”

Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI, năm 2022 là năm không còn dễ dàng đối với chứng khoán Việt Nam dù quan điểm chung vẫn là tích cực. Theo đó, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.

Do đó, SSI kỳ vọng nhiều hơn vào khoảng thời gian nửa cuối năm 2022 khi mọi triển vọng trở nên rõ ràng hơn, về cơ chế kiểm soát đại dịch cũng như các rủi ro trên. “Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm do mức so sánh thấp của năm 2021, được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước hồi phục và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm”, SSI nhận định.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng năm 2022 câu chuyện phân hóa nhóm cổ phiếu sẽ có sự rõ rệt hơn. Theo đó, dòng tiền đang dần chuyển dịch sang nhóm ngành cơ bản, kết quả kinh doanh tốt và an toàn. Một số công ty chứng khoán còn cho rằng các cổ phiếu tăng nóng nhưng không có giá trị cơ bản có thể sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh dài.

Còn theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3-2020).

Theo đó, những thông tin tiêu cực bao gồm ẩn số về lạm phát, rủi ro về dịch bệnh Covid-19 và các biến động địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ trên thế giới.

Một thách thức khác cũng được nhắc đến là sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn của chỉ số. “Ở kịch bản tiêu cực, thị trường sẽ phải đối mặt áp lực lớn hơn nếu lực lượng nhà đầu tư F0 không mạnh mẽ như năm 2021”, VDSC đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới