Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán châu Á chưa thấy tín hiệu ‘cầm máu’

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tất cả các tín hiệu bất ổn trên thị trường đều chỉ ra rằng chứng khoán châu Á có thể còn chịu tổn thương trong thời gian tới sau đà suy giảm kéo dài bốn tháng, thổi bay 2.000 tỉ đô la vốn hóa của các công ty đại chúng chủ chốt ở khu vực này.

FILE PHOTO: A man wearing a protective mask is seen inside the Shanghai Stock Exchange building, as the country is hit by a new coronavirus outbreak, at the Pudong financial district in Shanghai, China February 28, 2020. REUTERS/Aly Song/File Photo

Giới phân tích cho rằng các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc và đà tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ sẽ gây thêm sức ép lên chỉ số MSCI Asia Pacific, vốn đã giảm gần 20% từ mức đỉnh hồi tháng 1. Chỉ số này theo dõi biến động giá của cổ phiếu của 1.547 công ty tiêu biểu ở 5 thị trường phát triển và 8 thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơn bán tháo cổ phiếu ở châu Á gây thêm một “nỗi đau” nữa cho các nhà đầu tư châu Á giữa lúc các trái phiếu và tiền tệ trong khu vực cũng bị bán mạnh dưới sự trỗi dậy đồng bạc xanh và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Các nhận định bi quan về thị trường chứng khoán Mỹ của các ngân hàng đầu tư từ Morgan Stanley cho đến Goldman Sachs gợi ý rằng thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung có thể trải qua những đợt suy giảm nữa trước khi ổn định trở lại.

Sat Duhra, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Janus Henderson Investors, cho biết: “Nếu chúng ta chứng kiến Trung Quốc đảo ngược chính sách “zero Covid” và thực sự mở cửa lại thực sự của nền kinh tế, thì điều đó tự nó sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong tâm lý đối với chứng khoán châu Á”.

Hiện tại, khả năng đó khó xảy ra. Bắc Kinh đã siết chặt cách tiếp cận quét sạch bóng ca nhiễm Covid-19 vào tuần trước ngay cả khi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch bệnh đang kìm hãm tăng trưởng của nước này.

Mối quan hệ thương mại và du lịch sâu rộng của Trung Quốc với châu Á có nghĩa là làn sóng phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải có thể làm trầm trọng thêm sức ép giả cả trong khu vực, dù một số nhà máy ở thành phố này đang dần trở lại sản xuất.

Một loạt doanh nghiệp lớn trong khu vực như SK Hynix, hãng sản xuất chip khổng lồ của Hàn Quốc,  Fast Retailing (Nhật Bản - chủ sở hữu của hãng thời trang Uniqlo) và hãng xe hơi Tata Motors (Ấn Độ) đã cảnh báo về tác động của tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đối với triển vọng kinh doanh của họ. Các dự báo về lợi nhuận trong một năm tới của các công ty có cổ phiếu nằm trong chỉ  số MSCI Asia Pacific đã giảm khoảng 4% kể từ mức dự báo cao nhất hồi tháng 3.

Ashish Chugh, Giám đốc danh mục đầu tư phụ trách các thị trường mới nổi toàn cầu ở Công ty Loomis, Sayles & Company, cho biết: “Nếu các đợt phong tỏa ở Trung Quốc kéo dài trong suốt quí 2 hoặc lâu hơn, chúng tôi cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến hầu hết các công ty sản xuất thiết bị và phần cứng trên toàn cầu”.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc (theo dõi biến động giá của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến)  vẫn nằm trong chu kỳ giảm xuống, khiến đà giảm của chỉ số MSCI Asia Pacific càng tồi tệ hơn vì các công ty đại chúng tiêu biểu ở Trung Quốc và Hong Kong chiếm 25% tỉ trọng của chỉ số này.

Hôm 9-5, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu, đã chuyển sang đánh giá “trung tính” đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi khuyến nghị tăng vừa phải tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu của các công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi tháng 10 năm ngoái.

Giới đầu tư đang định giá các thị trường theo kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 175 điểm cơ bản (175 điểm phần trăm) trong năm nay, có nghĩa là đồng la Mỹ có khả năng tăng lên mức cao hơn nữa.

Viễn cảnh đó có nguy cơ khiến cho việc vay nợ và tái cấp vốn trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty ở châu Á. Thêm vào đó, nếu lợi suất trái phiếu ở châu Á tăng cao, điều đó cũng sẽ gây tổn thương mức định giá cao của các cổ phiếu công nghệ. Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ròng 40 tỉ đô la cổ phiếu ở châu Á (không bao gồm Trung Quốc) trong năm nay, theo dữ liệu thống kê của Bloomberg.

“Chúng tôi đánh giá trung tính đối với thị trường cổ phiếu châu Á, không bao gồm Nhật Bản. Bức tranh vĩ mô đang ảm đạm của Trung Quớc là một mối lo và các nhà hoạch định chính sách ở nước này vẫn chưa triển khai đầy đủ các cam kết nới lỏng tiền tệ”, các nhà chiến lược của Viện Nghiên cứu đầu tư BlackRock, viết trong một báo cáo gửi khách hàng.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán ở các nước giàu tài nguyên trong khu vực như Úc, Indonesia và Malsyia có thể là những điểm sáng trong năm nay nhờ giá cả hàng hóa duy trì mức cao. Chứng khoán Đông Nam Á cũng được hưởng lợi khi các nền kinh tế ở khu vực mày tái mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới