(KTSG Online) – Nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ khiến nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu trên khắp các thị trường châu Á.
Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm sâu hơn 12%, chính thức bước vào chu kỳ giảm giá còn chứng khoán Đài Loan trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 57 năm.
Nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu khi các thị trường châu Á vừa mở cửa trong phiên giao dịch sáng nay (5-8).
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất, với chỉ số Nikkei 225 giảm 4.451 điểm, tương đương 12,4%, vào thời điểm thị trường đóng cửa. Đây là mức giảm điểm lớn nhất trong lịch sử của chỉ số này. Tính từ đầu tháng 7, Nikkei 225 đã giảm 24% và đã chính thức bước vào chu kỳ giảm giá, tức giảm 20% so với mức cao gần đây.
Các ngân hàng lớn của Nhật Bản chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh nhất. Cổ phiếu của Mizuho Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group, Resona Holdings và Sumitomo Mitsui Financial Group giảm giá từ 15-20%. Cổ phiếu của hãng xe Toyota giảm giá 13,7%.
Chứng khoán Nhật Bản rơi vào vòng xoáy đi xuống kể từ hôm 1-8, một ngày sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tay tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% và cho biết sẵn sàng tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay.
Động thái tăng lãi suất đã đẩy giá đồng yen tăng gần 5% so với đô la Mỹ vào tuần trước. Đồng yen mạnh sẽ khiến các công ty lớn nhất Nhật Bản, trong đó có các hãng xe gặp bất lợi vì lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài sẽ ít hơn khi quy đổi sang đồng yen.
Tại Đài Loan, chỉ số Taiex giảm gần 8,4%, đánh dấu phiên giao dịch giảm mạnh nhất trong 57 năm. Cổ phiếu của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, giảm giá 9,8%, mức giảm kỷ lục trong một phiên. TSMC chiếm hơn 30% tổng vốn hóa của chỉ số Taiex.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm kỷ lục 8,77%. Thị trường đã phải tạm dừng giao dịch 20 phút vào đầu giờ chiều khi cơ chế “ngắt mạch” được kích hoạt do chỉ số Kospi giảm hơn 8% chỉ trong vòng hơn một phút. Cổ phiếu của hai nhà sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 10,3% và 9,87%.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,54%, còn mức giảm của chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông 1,46%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm hơn 6%, xóa sạch thành quả tăng kể từ đầu năm.
Các thị trường chứng khoán ở châu Âu cũng đang chìm ngập trong sắc đỏ. Ngay sau khi thị trường mở cửa, chỉ số FTSE 100 ở thị trường chứng khoán London giảm gần 2% và chỉ số STOXX Europe 600, theo dõi cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn tiêu biểu ở châu Âu, giảm hơn 3%.
Tại Mỹ, vào sáng 5-8, chỉ số VIX, đo lường mức độ sợ hãi của thị trường chứng khoán, tăng 58,7% lên 37,12 điểm, cao nhất kể từ năm 2020.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu châu Á diễn ra sau khi chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước do dữ liệu việc làm ảm đạm, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,5% trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,8% và 2,4%.
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi khỏi các thị chứng khoán châu Á vì lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ cùng với căng thẳng dâng cao ở Trung Đông sau vụ ám sát một thủ lĩnh của tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas ở Iran.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 4,3% trong tháng 7, cao hơn so với dự báo. Thị trường việc làm suy yếu rõ rệt khiến một số chuyên gia cảnh báo, xác suất suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 12 tháng tới đang tăng lên. Những người này cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chậm nới lỏng tiền tệ nên có thể cần giảm lãi suất mạnh mẽ trong những tháng tới để ngăn chặn nguy cơ suy thoái.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư nhanh chóng chuyển từ sự lạc quan với tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) sang rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ.
“Tâm lý trên các thị chứng khoán có thể vẫn còn mong manh vì nhà đầu tư sẽ tiếp tục tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’ hay suy thoái”, Chetan Seth, nhà chiến lược cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương của Nomura Holdings bình luận.
Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.Com nhận xét, thị trường chứng khoán trong tình trạng khủng hoảng và hiện có rất nhiều nhà đầu tư bán tháo vì hoảng loạn.
“Có rất nhiều yếu tố đang chuyển động, nhưng bản chất chính của vấn đề là mối lo ngại về suy thoái sắp xảy ra của nền kinh tế Mỹ gây hoài nghi về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao của Capital.Com nói.
Theo Bloomberg, CNN, Nikkei Asia