Chứng khoán... đại hạ giá!
Hải Lý
Một nhà đầu tư đang thao tác trên máy KeTouch của Công ty KimEng ở Thái Lan. Ảnh: Hải Lý. |
(TBKTSG) - Mười một giờ rưỡi sáng. Những mái đầu bạc phơ chiếm gần hết các hàng ghế trước màn hình điện tử hiển thị mức giá, ký hiệu mã cổ phiếu của sàn Yada - một chi nhánh của Công ty Chứng khoán KimEng (Thái Lan) tại trung tâm Bangkok. Trong các phòng VIP, mỗi phòng có một máy tính, cũng toàn là các ông, bà tuổi ít nhất chắc cũng tầm 60.
Ở phòng đầu tiên của dãy thứ tư, một khách hàng tóc muối tiêu đang tắt máy, thu dọn đồ đạc, đến giờ nghỉ ăn trưa. Cô nhân viên KimEng cười với bà và quay sang chúng tôi: “Bà người Hoa này “bám” ở đây mười mấy năm rồi, tuần nào cũng đến, kinh nghiệm lắm”. Không ngờ lại có những nhà đầu tư, không biết “lướt sóng” hay lâu dài, “chung thủy” với chứng khoán đến vậy!
Khuyến mãi... chứng khoán
Sàn Yada có không ít nhà đầu tư trẻ tuổi, nhưng họ không đến sàn. Họ giao dịch từ xa. Có lẽ chỉ những người lớn tuổi yêu thích sàn và ưa chuộng cách đặt lệnh thủ công tại chỗ. Trên bảng điện tử, màu cam (giá tham chiếu) đang dần thay thế cho màu đỏ (giá xuống), lác đác đã có những mã màu xanh (giá lên).
Một nhân viên nói, sáng hôm đó mở cửa, thị trường đỏ rực vì ảnh hưởng chứng khoán Mỹ rớt thê thảm đêm hôm trước. Cô lo lắng không biết thị trường có còn tiếp tục khởi sắc. Tính đến hôm ấy, chứng khoán Thái Lan đã lên điểm tuần thứ 12 liên tiếp - một kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng năm 1997.
Cũng như chứng khoán thế giới, chứng khoán Thái Lan đã trải qua sáu tháng tồi tệ cuối năm 2008 và đầu năm 2009, có lúc chỉ còn xấp xỉ 300 điểm (hiện nay trên 500 điểm). Ông Montree Sornpaisam, Tổng giám đốc KimEng, kể rằng vừa qua công ty đã phải thực hiện những “chiến dịch” khuyến mãi lớn để thu hút nhà đầu tư. KimEng có chương trình chứng khoán kéo dài 25 phút mỗi ngày vào buổi sáng trên truyền hình quốc gia, trong đó chuyên gia phân tích kỹ thuật dự báo, nhận định biến động thị trường.
Ngoài ra công ty làm luôn một đĩa DVD Grand Sales (Đại hạ giá), trong đó hướng dẫn những bài học sơ đẳng nhất về đầu tư cổ phiếu, để phát miễn phí cho nhà đầu tư. “Chưa bao giờ giá cổ phiếu rẻ đến thế”, ông Montree Sornpaisam nhấn mạnh. “Thị trường khủng hoảng là cơ hội cho một lớp tỉ phú mới ra đời. Tăng trưởng trong sợ hãi (ý nói khủng hoảng) là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của chứng khoán”.
Không chỉ các công ty chứng khoán khuyến mãi. Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cũng tăng cường các kênh thông tin, giáo dục chứng khoán cho nhà đầu tư. Kênh truyền hình độc lập Money Channel đặt trụ sở ngay bên trong sở giao dịch, phát liên tục và cứ 30 phút lại có bình luận trực tiếp diễn biến thị trường nội địa. Sở cũng mở thư viện và phòng đọc với hàng ngàn đầu sách và tạp chí về kinh tế, đầu tư chứng khoán. Bất kể ai có nhu cầu đều có thể đến thư viện của sở để tham khảo thông tin. Trên bảng thông báo ngay lối cửa ra vào của sở ở tầng trệt, dày đặc lịch các khóa học, đào tạo chứng khoán.
Các thành viên của sở nỗ lực đưa chứng khoán đến “mọi người, mọi nhà”. Ở Thái Lan, mức phí môi giới thông qua nhân viên đặt lệnh được quy định chung là 0,25% giá trị giao dịch. Nhưng nhiều công ty đã lập các chi nhánh toàn máy móc (Cyber Branch), chỉ có một người điều hành. Nếu nhà đầu tư đến đó giao dịch qua máy, họ sẽ được chiết khấu phí môi giới. Giao dịch từ xa cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Công ty KimEng thậm chí mới đây còn trang bị hàng ngàn máy KeTouch, giá thành khoảng 2.000 đô la Mỹ/máy, giống như máy rút tiền tự động ATM, đặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, trạm xăng, các nơi công cộng tiện lợi để nhà đầu tư giao dịch. Nhà đầu tư chỉ cần nhập tên, mã số khách hàng, rồi cứ thế chọn cổ phiếu, giá mua bán và thao tác trực tiếp từ máy. Lệnh mua bán nếu khớp, được gửi kết quả qua điện thoại di động.
Thưa bóng nhà đầu tư nước ngoài
So với hai, ba năm trước, Bangkok hiện nay ít khách du lịch hơn hẳn. Ngay cả ở các tụ điểm giải trí về đêm, trước đây vốn đông nghẹt khách phương Tây, giờ cũng giảm hẳn lượng người tham quan. Còn trên thị trường chứng khoán, bóng nhà đầu tư ngoại cũng vắng dần. Hiện họ chiếm chưa tới 25% tổng lượng giao dịch thị trường, mặc dù các điều kiện của Thái Lan khá cởi mở.
Chẳng hạn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một doanh nghiệp niêm yết tùy thuộc điều lệ mỗi công ty, nhưng trung bình là 50% vốn điều lệ. Riêng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong một ngân hàng là trên 50% và tối đa có thể tới 75% vốn điều lệ nếu được Ngân hàng Trung ương Thái chấp thuận.
Ông Pusit Kaewmongkolrsi, một giám đốc điều hành của Công ty KimEng, giải thích ngay từ khi thành lập năm 1975, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Thái Lan đã không mạnh mẽ như ở Singapore hay Hồng Kông do sự chuyển tiền vào ra được quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nước ngoài đặc biệt rút vốn mạnh vào khoảng tháng 9, tháng 10-2008 khi khủng hoảng tài chính thế giới ngày càng trầm trọng.
Bà Kesara Manchusree, Giám đốc Phát triển sản phẩm và tiếp thị của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, cho biết: “Tôi nhớ các quỹ nước ngoài lớn đã rút ra nhiều vào cuối quí 3 và quí 4 năm ngoái. Nay họ có trở lại, nhưng không nhiều. Kinh tế của chúng tôi năm nay không quá kém, nhưng cũng chưa quá tốt để hấp dẫn họ trở lại”.
Trao đổi với TBKTSG, bà nói một số quỹ thực sự đã không quay lại. Bất ổn chính trị ở Thái Lan khá thường xuyên, nhà đầu tư nước ngoài lâu dần cũng quen. Những tổ chức nào đã quen, họ có khả năng quay lại, không thì bỏ đi luôn. Trước đó mấy ngày, hãng tin Bloomberg phỏng vấn Thủ tướng Thái về sự bền vững của các liên minh trong chính phủ. Ông Abhisit Vejjajiva trả lời rằng thật khó nói trước, nhưng chính phủ mới đã tồn tại được hơn năm tháng trong khi nhiều người dự báo nó sẽ không kéo dài quá ba tháng.
34 năm sau ngày chào đời, thị trường chứng khoán Thái Lan đã trở thành kênh dẫn vốn số một của nền kinh tế. Tính đến thời điểm này, tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu của Thái khoảng 3.570 tỉ baht, tương đương 100 tỉ đô la Mỹ, thị trường trái phiếu 5.181 tỉ baht, tức 150 tỉ đô la Mỹ, trong khi dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng là 7.162 tỉ baht, ước hơn 200 tỉ đô la Mỹ.
“Tự do hóa dịch vụ chứng khoán là điều chúng tôi đang thực hiện”, bà Kesara Manchusree nói. “Do mức phí môi giới được quy định như nhau, nên các công ty chứng khoán chủ yếu cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Thái Lan hiện có 39 công ty chứng khoán và theo lộ trình đến năm 2012 sẽ mở cửa cho những công ty chứng khoán khác muốn thành lập. Năm 2010 cơ chế công ty chứng khoán và khách hàng tự thương lượng phí giao dịch sẽ được tiến hành và năm 2012 thì các công ty mới có thể tự ấn định mức phí”. Bà tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết Việt Nam hiện có hơn 100 công ty chứng khoán, gấp 2,5 lần mức của Thái Lan.
Và điều đáng nói thêm là Thái Lan có giải thưởng “Đối xử với cổ đông tốt nhất” dành cho các doanh nghiệp niêm yết. Công ty được nhận giải thưởng đó hàng năm không phải là đơn vị trả cổ tức cao nhất thị trường, mà là doanh nghiệp cung cấp thông tin tốt nhất, cập nhật kịp thời nhất cho cổ đông. Nếu Việt Nam có giải thưởng tương tự, không biết có bao nhiêu công ty niêm yết tham gia khi thông tin doanh nghiệp vẫn là miền đất nhạy cảm nhiều rào cản?