Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán – đi tìm vùng hỗ trợ

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiện nay, hệ số P/E của kênh tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm bình quân ở mức 19,4 lần, cao hơn nhiều so với kênh chứng khoán, do đó dòng tiền tiết kiệm có khả năng vẫn sẽ tiếp tục tìm cơ hội chuyển dịch sang những tài sản khác có lợi suất hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, kênh chứng khoán hiện đang đối mặt với không ít áp lực...

Kênh chứng khoán hiện đang đối mặt với không ít áp lực. Ảnh: T.L

Khối ngoại và nỗi lo tỷ giá

Ngày 29-10-2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 5.240 tỉ đồng trên sàn HOSE, trong đó riêng cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế bị bán ròng 5.535 tỉ đồng, khi cổ đông ngoại của ngân hàng này là Commonwealth Bank (CBA) đã bán ra 300 triệu cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 440,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,77%) xuống 140,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,7%).

Hai ngày sau đó (ngày 31-10), khối ngoại lại bán ròng với giá trị gần 1.667 tỉ đồng, trong đó riêng mã MSN của Tập đoàn Masan bị bán ròng 1.334 tỉ đồng.

Theo đó, qua 10 tháng, khối ngoại đã bán ròng 77.900 tỉ đồng, đặc biệt đà bán ròng bất ngờ gia tăng trở lại trong tháng 10 với giá trị ghi nhận hơn 11.000 tỉ đồng và chỉ riêng hai phiên ngày 29 và 31-10 đã chiếm tỷ trọng hơn 62%.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại tiếp tục diễn ra trong tháng 11 này, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, đẩy đô la Mỹ tăng mạnh trở lại trên thị trường quốc tế, gây sức ép lên chính sách tiền tệ của các nền kinh tế khác. Thống kê từ đầu tháng 11 đến phiên ngày 19-11, khối ngoại đã có 13 phiên bán ròng liên tiếp với giá trị xấp xỉ 10.300 tỉ đồng, trong bối cảnh rủi ro tỷ giá gia tăng trở lại.

Không chỉ nhà đầu nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng e ngại trước xu hướng đi lên trở lại của đô la Mỹ trong thời gian qua, khi mà quá khứ cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) chịu tác động tiêu cực mỗi khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chịu áp lực. Trước sức ép lớn như vậy, chỉ số VN-Index đã rớt một mạch từ vùng gần 1.270 điểm vào ngày 7-11 và trong ngày 18-11, có lúc xuống tận 1.205 điểm, tức giảm gần 5% chỉ trong vòng tám phiên giao dịch.

Kênh chứng khoán hiện đang đối mặt với không ít áp lực. Ngoài câu chuyện rủi ro tỷ giá, lãi suất cũng có thể đi lên trong giai đoạn cuối năm, khi bước vào mùa cao điểm các ngân hàng tăng tốc cho vay. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt lên mức hơn 5,8% hôm 15-11.

Với mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư vào nước Mỹ và cam kết cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, TTCK Mỹ đang là tâm điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế khác có thể chứng kiến dòng vốn quốc tế bị rút ròng.

Thống kê cho thấy trong tuần từ ngày 4-11 đến 8-11-2024, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam duy trì trạng thái rút ròng với hơn 259 tỉ đồng, đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp dòng tiền này bị rút ròng với tổng giá trị lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2024, các quỹ ETF đã rút ròng hơn 20.300 tỉ đồng, gấp 12,7 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1.500 tỉ đồng) và tương đương 26,1% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.

Đặc biệt, không riêng gì ở TTCK Việt Nam, khối ngoại cũng rút ròng ở hầu hết các TTCK châu Á, đặc biệt, TTCK Ấn Độ bị rút ròng gần 2,3 tỉ đô la. Ở chiều ngược lại, dòng tiền vào các quỹ ETF Mỹ tiếp tục ghi nhận chuỗi bơm ròng với 21,9 tỉ đô la, trong đó dòng tiền vào ròng mạnh ở các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Mỹ, với 18,5 tỉ đô la được bơm ròng thêm, tăng 81% so với tuần trước đó.

Tìm vùng hỗ trợ

Với đà suy giảm hiện tại, một số ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng chỉ số VN-Index có thể rớt về vùng 1.200 điểm theo quán tính đi xuống. Dù vậy, đây cũng được xem là vùng hỗ trợ mạnh gần nhất của chỉ số này, khi đó dòng tiền có thể tham gia bắt đáy mạnh hơn. Thực tế trong phiên ngày 18-11, khi VN-Index rớt về vùng 1.205 điểm thì đã nhanh chóng bật lại sau đó.

Sau chuỗi suy giảm vừa qua, hệ số giá/lợi nhuận (P/E) của VN-Index đã giảm về mức 12,8 lần, thấp hơn mức gần 13,4 lần thời điểm cuối năm 2023. Giới phân tích cho rằng thị trường đã về lại vùng đỉnh giá hấp dẫn, nhất là khi triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng. Trong khi đó, hệ số P/E của HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn, từ mức hơn 19 lần đầu năm nay hiện chỉ còn hơn 15 lần.

Đáng lưu ý, hiện nay, hệ số P/E của kênh tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm bình quân ở mức 19,4 lần, cao hơn nhiều so với kênh chứng khoán, do đó dòng tiền tiết kiệm có khả năng vẫn sẽ tiếp tục tìm cơ hội chuyển dịch sang những tài sản khác có lợi suất hấp dẫn hơn. Dù vậy, kênh chứng khoán cũng đang bị cạnh tranh bởi một số tài sản có mức tăng vượt trội gần đây như vàng, tiền số, hay cả bất động sản cũng đang có dấu hiệu sôi động trở lại.

Trong khi đó, kênh chứng khoán hiện đang đối mặt với không ít áp lực. Ngoài câu chuyện rủi ro tỷ giá, lãi suất cũng có thể đi lên trong giai đoạn cuối năm, khi bước vào mùa cao điểm các ngân hàng tăng tốc cho vay. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng vọt lên mức hơn 5,8% tính đến cuối tuần qua (15-11). Sức ép thanh khoản hệ thống còn thể hiện qua động thái bơm ròng trở lại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu tháng 11 đến nay, với tổng giá trị gần 115.000 tỉ đồng trên thị trường OMO tính đến ngày 18-11.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm ngừng giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới cũng tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, khi điều này có thể khiến đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên trên thị trường quốc tế. NHNN lại đang phải bơm ròng tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, nên có thể càng gây áp lực thêm cho tỷ giá. Một yếu tố tiêu cực khác, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong thời gian còn lại của năm nay, cộng thêm áp lực từ lượng trái phiếu trễ hạn sẽ trở lại sau khi thời gian ân hạn kết thúc.

Dưới góc độ kỹ thuật, nếu VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.200 điểm - tương ứng với đường hỗ trợ bên dưới của kênh xu hướng tăng được thiết lập từ tháng 11-2022, mức hỗ trợ kế tiếp sẽ đặt tại vùng 1.170-1.180 điểm. Đây cũng là mức đáy của thị trường trong đợt điều chỉnh vào tháng 4 và tháng 8 năm nay. Vùng hỗ trợ xa hơn sẽ nằm quanh 1.130 điểm, tương ứng với mức Fibonacci 38,2% kéo từ mức đáy tháng 11-2022 lên vùng đỉnh 1.300 điểm gần đây.

Tại các điểm hỗ trợ này, dòng tiền có thể tham gia tích cực hơn. Theo đó, các nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ thời gian tới có thể trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền, như ngành dệt may, thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, vận tải. Ngoài ra, ngành bán lẻ cũng có thể tiếp tục khởi sắc khi cầu tiêu dùng phục hồi, trong khi các bước tiến nâng hạng thị trường giúp cho ngành chứng khoán và chu kỳ La Nina mang lại triển vọng cho ngành thủy điện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới