Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán đối mặt với mùa thông tin không mấy tích cực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán đối mặt với mùa thông tin không mấy tích cực

Triêu Dương

(KTSG) – Chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.400 điểm ngay đầu tuần này. Tuy nhiên, với mùa thông tin quan trọng sắp tới được dự báo không mấy tích cực, nhà đầu tư cần thận trọng với các phiên phân phối đỉnh có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong mùa hè này.

Chứng khoán đối mặt với mùa thông tin không mấy tích cực
Thị trường chứng khoán dường như sắp sửa bước vào một mùa thông tin không mấy tích cực. Ảnh: THÀNH HOA

Mùa thông tin quan trọng

Sau khi lừng khừng trước vùng 1.400 điểm trong tuần trước, chỉ số VN-Index đã chính thức vượt qua mốc tâm lý 1.400 điểm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (28-6-2021), đúng như dự báo của các công ty chứng khoán. Động lực kéo thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thuộc nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và thép.

Dù vượt đỉnh và thiết lập kỷ lục mới về điểm số, nhưng thanh khoản của thị trường trong những phiên gần đây khá thấp, cho thấy dòng tiền vẫn đang khá cẩn trọng. Mục tiêu kế tiếp của thị trường được đặt ở vùng 1.450 điểm, nhưng với việc không có vùng đỉnh cũ nào là kháng cự như hiện nay, thật khó để nói VN-Index có thể vươn đến đâu?

Ngày càng xuất hiện nhiều những cảnh báo về bong bóng chứng khoán, không chỉ từ giới chuyên gia phân tích, mà còn đến từ một số lãnh đạo, cơ quan quản lý, khi cho rằng diễn biến của thị trường chứng khoán đang tách rời với nền kinh tế thực.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng thị trường dường như sắp sửa bước vào một mùa thông tin không mấy tích cực. Đầu tiên là các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế nói chung và kết quả kinh doanh trong quí 2 của các doanh nghiệp niêm yết có lẽ sẽ không mấy khả quan, vì những ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài trong suốt hai tháng cuối quí 2, dẫn đến tình trạng phải giãn cách xã hội tại một số địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Ngoài tăng trưởng GDP quí 2 chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình dịch bệnh (ước tăng trưởng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quí 2-2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quí 2-2018 và 2019), xu hướng cán cân thương mại hàng hóa đang thâm hụt trở lại cũng tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Việc chậm chân trong chiến dịch tiêm chủng vaccin Covid-19 toàn quốc so với các nền kinh tế khác cũng khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn để duy trì các hoạt động kinh tế bình thường và mở cửa lại những lĩnh vực như du lịch, hàng không quốc tế, cũng như ảnh hưởng không nhỏ lên thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, báo cáo tài chính quí 1 năm nay chứng kiến nhiều doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, nhưng thành tích này được cho là khó lặp lại trong quí 2 này. Ngoài yếu tố dịch bệnh lan rộng và kéo dài đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh, nhiều khu công nghiệp, nhà máy phải tạm dừng sản xuất, việc giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, giá cước vận tải biển leo thang, thiếu container để xuất hàng cũng ảnh hưởng lên các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Tín hiệu cần lưu ý

Việc thị trường vượt 1.400 điểm với khối lượng giao dịch thấp dù được đánh giá là không mấy tích cực, nhưng cũng hàm ý các phiên phân phối đỉnh chưa thực sự diễn ra, thị trường chưa đạt đỉnh và phần lớn dòng tiền chủ yếu vẫn đang đứng ngoài chờ nhập cuộc, do đó rủi ro hiện tại chưa đến mức báo động (phân phối đỉnh xuất hiện khi đột nhiên có số lượng lớn cổ phiếu được bán ra giữa lúc thị trường đang hưng phấn). Thanh khoản thấp có thể còn đến từ hệ thống giao dịch vẫn thường trực bị quá tải bất cứ lúc nào, nên các giải pháp hạn chế lệnh cũng góp phần kìm thanh khoản.

Tuy nhiên, có khả năng hệ thống giao dịch mới của HOSE phối hợp với FPT sẽ áp dụng ngay trong nửa đầu tháng 7 này, với mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Theo đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trong tháng 7 có thể sẽ cải thiện hơn rất nhiều, vì vậy các nhà đầu tư tay to nếu muốn phân phối đỉnh sẽ phải đợi các phiên giao dịch tăng điểm cao với dòng tiền rót vào ồ ạt, khi tâm lý nhà đầu tư cũng thường mua đuổi trong các phiên như vậy.

Vì vậy, thị trường chứng khoán dù có thể vẫn sẽ chứng kiến một sóng tăng nữa, nhưng không loại trừ khả năng đó cũng là sóng tăng chứng kiến các phiên phân phối đỉnh nhiều hơn, khi mà thị trường đang đối mặt với những thông tin không mấy tích cực trong thời gian tới. Về góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index cũng đang đi vào vùng quá mua và nằm trong sóng 5 – sóng tăng cuối theo chỉ báo sóng Elliot.

Ngoài yếu tố thanh khoản, việc động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng suy yếu dần, trong khi nhóm cổ phiếu penny bắt đầu chạy tăng tốc cũng là các tín hiệu rủi ro cần dè chừng. Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng mạnh nhờ lợi nhuận liên tục tăng trưởng lên mức kỷ lục, các thông tin về tăng vốn và chia cổ tức, nhưng ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch mới kéo theo nợ xấu, nợ tái cơ cấu tăng lên và nguy cơ thu hẹp biên độ lãi trong năm nay đang hiển hiện hơn bao giờ hết.

Việc các lãnh đạo, cổ đông nội bộ liên tục đăng ký thoái vốn, bán ra cho giai đoạn tới cũng cho thấy triển vọng thị trường đang giảm bớt, với rủi ro dường như đang cao hơn tỷ suất lợi nhuận tiềm năng. Động thái này ngược chiều với động thái mua ròng trở lại trong tuần trước của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đã từ lâu rồi khối ngoại không còn là động lực và là tín hiệu dẫn dắt thị trường chứng khoán trong nước nữa.

Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều những cảnh báo về bong bóng chứng khoán, không chỉ từ giới chuyên gia phân tích, mà còn đến từ một số lãnh đạo, cơ quan quản lý, khi cho rằng diễn biến của thị trường chứng khoán đang tách rời với nền kinh tế thực, khi tăng trưởng giá cổ phiếu cao hơn gấp nhiều lần so với tăng trưởng GDP. Điều này cũng khiến thị trường có thể chịu không ít áp lực vì dẫn đến những hàm ý sẽ sớm có những giải pháp kiểm soát mạnh tay hơn để ngăn chặn bong bóng tài sản.

Đáng lưu ý là quá khứ cũng cho thấy thị trường chứng khoán thường giao dịch không mấy mạnh mẽ trong mùa hè, đặc biệt là tháng 7 hàng năm. Thống kê hiệu suất của VN-Index trong 20 năm qua cho thấy, tháng 7 là tháng duy nhất mà chỉ số này có mức tăng trưởng bình quân âm, với mức giảm 1,44%. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới