(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua chuỗi tuần giảm điểm dài nhất trong hơn một thập niên sau những ngày giao dịch đầy biến động trong tuần này do tác động từ quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng như nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 6-5, chỉ số Nasdaq Composite, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất, giảm 1,4%, trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 0,6%, còn chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thoái lùi 0,3%. Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, tác động đến chi phí vay nợ khắp toàn cầu.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu trong những phiên giao dịch gần đây khiến hai chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 bước sang tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm điểm theo tuần dài nhất kể từ tháng 6-2011 đối với S&P 500 và kể từ tháng 11-2012 đối với chỉ số Nasdaq Composite khi các thị trường bị “tra tấn” bởi cuộc khủng hoảng nợ của khu vực sử dụng đồng euro và tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Diễn biến giao dịch chứng khoán Mỹ trong tuần này bao gồm những phiên tăng điểm mạnh nhưng rồi sau đó, cổ phiếu bị bán mạnh hơn khi giới đầu tư điều chỉnh danh mục cổ phiếu nắm giữ để ứng phó với tình hình mới khi các ngân hàng trung ương đảo ngược các chính sách nới lỏng tiền tệ đã triển khai mạnh mẽ trong suốt hai năm đầu của đại dịch Covid-19.
James Masserio, đồng giám đốc bộ phận thị trường vốn cổ phần châu Mỹ tại Ngân hàng Société Générale, nhận định: “Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều mất mát nữa vì lạm phát đang tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên cũng như sự thay đổi chính sách tiền tệ khắp toàn cầu vốn ổn định trong 10 năm qua".
Các nhà đầu tư ban đầu đã phản ứng nhẹ nhõm vào hôm 4-5 dù Fed thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, lần đầu tiên tăng mạnh ở mức này trong hơn hai thập niên. Giới đầu tư bớt lo lắng một phần là Chủ tịch Fed, Jay Powell nói rằng Fed chưa tính đến khả năng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong các kỳ họp chính sách sắp tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đột ngột chuyển sang bán tháo cổ phiếu trong hai phiên giao dịch gần nhất. Kết thúc phiên giao dịch 5-5, chỉ số giảm hơn 1.000 điểm (3,12%) và chỉ số Nasdaq Composite giảm 4,99%, đánh dấu mức giảm điểm mạnh nhất trong phiên giao dịch kể từ năm 2020.
Giới phân tích cho rằng có nhiều giả thiết giải thích cho hành động của giới đầu tư bao gồm tâm lý bất ổn do mất phương hướng.
Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu ở Công ty quản lý đầu tư Invesco, cho rằng các thị trường đang cực kỳ rối loạn. Stuart Kaiser, Giám đốc nghiên cứu chứng khoán phái sinh toàn cầu ở Ngân hàng UBS, cho biết làn sóng bán tháo cổ phiếu trong tuần này rất khó hiểu và đội ngũ nghiên cứu của ông không tìm thấy phản hồi nhất quán từ các nhà đầu tư.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân chính có thể đến từ quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1% của Ngân hàng trung ương Anh vào sáng 5-5 cũng như các dự báo cho rằng nền kinh tế Mỹ chuẩn bị bước vào thời kỳ suy thoái, một viễn cảnh ảm đạm khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt.
Khảo sát của CNBC cho thấy 8 trong số 10 doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ tin rằng Mỹ sẽ tiến vào suy thoái trong năm nay.
Trong tuần này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đâu tiên vượt qua mốc 3,1% kể từ tháng 11-2018. Các nỗi lo về tình trạng lạm phát cao kéo dài và lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng càng khiến giới đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu. Hôm 6-5, Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết trong tháng 4, giới doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng thêm 428.000 việc làm. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp tăng trưởng việc làm ở Mỹ duy trì ở mức trên 400.000.
Trong tháng 4, mức lương trung bình của người lao động Mỹ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trên 5% trong 4 tháng liên tiếp. Dữ liệu về tiền lương càng khoét sâu nỗi lo lạm phát vì lương tăng sẽ kéo theo giá cả tiêu dùng tăng.
Maria Municchi, nhà quản lý danh mục đầu tư đa tài sản tại Công ty quản lý đầu tư M&G (Anh), cho biết: “Áp lực tiền lương đang tiếp diễn và điều này được nhiều người trên thị trường xem là chỉ dấu báo hiệu lạm phát sẽ bám sâu trong hệ thống, làm dấy thêm nỗi lo về đà tăng của lãi suất”.
Các nhà phân tích cảnh báo tình trạng biến động mạnh của thị trường chứng khoán vẫn chưa dừng lại. “Môi trường tài chính nói chung đang trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Dù bạn phân tích như thế nào thì kết luận sau cùng vẫn xấu đối với các tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu”, Municchi nói.
Theo Financial Times