(KTSG) - Hầu hết các tổ chức dự báo khá tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán năm 2022, với VN-Index tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới ở vùng 1.700-1.800 điểm, dựa trên kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đà hồi phục trở lại của nền kinh tế, giúp định giá của thị trường về lại mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực, từ đó tiếp tục thu hút dòng tiền vào.
Chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm
Chính sách tài khóa mở rộng hơn với việc đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách miễn giảm thuế, phí, cùng với chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng được xem là động lực hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán. Dù một số ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới đã bắt đầu có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại trước mối nguy lạm phát, nhưng sự phân hóa cũng đang diễn ra khi có NHTƯ bất ngờ nới lỏng chính sách trở lại, như trường hợp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất gần đây.
Đối với Việt Nam, áp lực lạm phát tuy có thể gia tăng trở lại nhưng được kỳ vọng sẽ vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát. Theo đó, tuy mặt bằng lãi suất khó có thể giảm mạnh thêm nhưng cũng sẽ không sớm tăng nhanh trở lại, mà thiên về kịch bản tiếp tục giữ ổn định nhiều hơn. Khi đó, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn ở mức thấp sẽ tiếp tục kích thích dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang thị trường chứng khoán, xu thế khó tránh khỏi mà các nền kinh tế phát triển đã từng trải qua.
Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 của các doanh nghiệp, các tổ chức dự phóng hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của VN-Index sẽ giảm xuống còn quanh 13,5 lần từ mức quanh 17 hiện nay. Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay phổ biến từ 5-6%/năm tại các ngân hàng, mức P/E của kênh tiết kiệm dao động từ 16,7-20 lần, cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán trong năm sau vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiền gửi.
Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 của các doanh nghiệp, các tổ chức dự phóng hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của VN-Index sẽ giảm xuống còn quanh 13,5 lần từ mức quanh 17 hiện nay, cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán trong năm sau vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiền gửi.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp cũng sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí tài chính, kích thích mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đón đầu tăng trưởng kinh tế phục hồi, tăng thêm dư địa tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn kế tiếp, từ đó cũng giúp giá cổ phiếu doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn.
Đáng lưu ý là vào tháng 9 năm sau sẽ đến kỳ đánh giá phân loại thị trường hàng năm của FTSE, trong đó thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi nếu các cải cách nhằm thỏa mãn tiêu chí nâng hạng có kết quả, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. Theo đó, dòng vốn nước ngoài có thể sớm quay trở lại và rót ròng mạnh mẽ, nhất là khi hệ thống giao dịch chứng khoán mới của đối tác Hàn Quốc chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt.
Rủi ro cần dè chừng
Bên cạnh đó, vẫn có những lo ngại về một số rủi ro của thị trường, trong đó rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, quá khứ gần hai năm qua cho thấy, thị trường thường chỉ chịu áp lực trước các đợt bùng phát dịch bệnh trong giai đoạn đầu, sau đó tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ khi dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư được xem là tiện lợi và có tính thanh khoản cao nhất hiện nay.
Với tỷ lệ bao phủ vaccine hiện đã đạt mục tiêu, nhiều tỉnh/thành đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 tăng cường, mức độ miễn dịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ sớm đạt được trong năm 2022, trong khi Chính phủ khó có thể áp dụng những chính sách giãn cách chặt chẽ như giai đoạn trước khi mức độ ảnh hưởng lên nền kinh tế là rất đáng kể. Cũng cần lưu ý là dịch bệnh được kiểm soát tốt không đồng nghĩa với sự đi lên chắc chắn của thị trường chứng khoán, vì có thể dòng tiền từ các doanh nghiệp đã tham gia đầu cơ lướt sóng chứng khoán trong hơn một năm qua sẽ dần được rút ra để quay về đúng với vai trò phục vụ đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, nếu như hơn một năm qua thị trường chứng khoán đã đón nhận một dòng tiền không nhỏ từ kênh bất động sản đổ sang, do ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội nên việc đầu tư bất động sản trong giai đoạn vừa qua có những hạn chế và tính thanh khoản thấp. Năm 2022 có thể chứng kiến xu hướng này đảo chiều, theo đó sẽ có những nhà đầu tư chốt lời dần ở kênh chứng khoán và quay trở lại với kênh bất động sản trước tiềm năng tăng trưởng của thị trường này.
Một yếu tố rủi ro nữa cũng cần phải dè chừng là khả năng điều chỉnh của các thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ trước ảnh hưởng của chính sách nâng lãi suất trở lại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trước giờ khó thoát khỏi những ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường của các nước phát triển, nhất là cộng thêm rủi ro từ Taper Tantrum và xu hướng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên.
Những rủi ro địa chính trị cũng là yếu tố cần đặc biệt quan tâm, với các điểm nóng thu hút sự chú ý gần đây là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về bán đảo Đài Loan, giữa Nga và các nước phương Tây về tình hình tại Ukraine,...
Phân hóa ngành
Với những tác động từ các yếu tố kể trên, một số ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vẫn diễn biến lạc quan trong những tháng đầu năm, nhưng từ giữa năm trở đi sẽ chịu áp lực điều chỉnh, khi đây cũng là thời điểm có thể Fed bắt đầu tăng lãi suất, cùng với dịch bệnh không còn là mối lo ngại chính và các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh hơn.
Bất chấp những diễn biến của thị trường chung, dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngành. Các nhóm được kỳ vọng cao là các ngành hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng và chính sách mở cửa toàn diện trở lại của nền kinh tế, như nhóm hàng không, du lịch và dịch vụ và bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại trước những lạc quan về nền kinh tế và các gói kích thích phục hồi kinh tế. Nhóm cổ phiếu hàng hóa và thực phẩm cũng đáng lưu ý trước xu hướng phục hồi trở lại của nền kinh tế toàn cầu đẩy giá hàng hóa leo cao, cùng với rủi ro khủng hoảng thực phẩm dần hiển hiện.
Nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại lẫn khu công nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng gần đây, và xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài cho đến đầu năm sau, khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là mục tiêu đẩy mạnh trong năm sau để tạo sự lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ, từ đó đẩy giá nhà đất các khu vực đi lên. Ngoài các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, nhóm phát triển hạ tầng cảng biển, năng lượng cũng sẽ là tâm điểm từ năm sau.
Cuối cùng không thể không nhắc đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Nếu như nhóm chứng khoán luôn hưởng lợi lớn nhất khi thị trường chứng khoán thuận lợi cùng với thanh khoản ngày càng tăng trưởng lên tầm cao mới, dòng tiền mạnh mẽ đi kèm với số lượng nhà đầu tư mới tham gia liên tục tăng vọt, thì nhóm ngân hàng đã trải qua giai đoạn điều chỉnh và củng cố suốt gần sáu tháng qua, vì vậy được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi trở lại từ đầu năm sau, khi nhóm này vẫn là một trong số ít ngành luôn duy trì lợi nhuận khả quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào của nền kinh tế.
Chứng khoán vẫn có hai việc chính là kinh doanh/ nâng cấp nâng tầm thị trường. Trong đó nâng cấp, nâng tầm thị trường là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt. Đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của UBCKNN/ TTGDCK/ Các Cty CK mà của các địa phương được lựa chọn trở thành trung tâm tài chính khu vực như Hà Nội/ TPHCM/ Đà Nẵng. Trước hết phải chuẩn bị ngay nguồn nhân lực, trong và ngoài nước. Kế đến cần mở ra cơ chế cạnh tranh để các trung tâm này có động lực tự thân phát triển.