Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán năm 2024: Thấy gì từ chuyện khối ngoại liên tục bán ròng?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc tăng cường phát triển hạ tầng pháp lý và công nghệ, giảm hạn chế đối với vốn nước ngoài, thực hiện nhiều đợt IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) để tăng tính đa dạng của hàng hóa là những yếu tố nền tảng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Lợi nhuận chưa vượt trội, IPO còn hạn chế

Tháng 11-2024, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN, khối ngoại) bán ròng với giá trị hơn 11.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, giá trị bán ròng của nhóm này là gần 90.000 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam dần phục hồi những tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ: Dũng Minh.

Nhìn lại giai đoạn này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup, cho rằng diễn biến trên thể hiện “cuộc chiến” giữa 9 triệu tài khoản cá nhân với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đẩy mạnh giao dịch khi VnIndex ở vùng đỉnh và ngược lại, NĐTNN lại bán ròng mạnh”, ông Thuân nói tại một hội thảo về thị trường vốn năm 2024 diễn ra ngày 6-12.

Qua trao đổi với đối tác, ông Thuân cũng nắm được một số lý do chính khiến NĐTNN bán ròng mạnh trên TTCK Việt Nam.

Đó là, NĐTNN phân bổ lại tài sản, rút khỏi một số thị trường mới nổi trong bối cảnh Fed vẫn neo lãi suất cao, do không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất với biên độ lớn, trong thời gian ngắn, tức là “tăng lãi suất nhanh, nhưng thường giảm sẽ chậm”.

NĐTN hiện thực hóa lợi nhuận khi nhiều cổ phiếu đã có lãi ở mức vài chục phần trăm. Cụ thể, NĐTNN thường đầu tư qua các quỹ với định hướng đầu tư lâu dài. Việc này cơ bản vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VnIndex mấy năm qua, dù khối ngoại bán ròng mạnh. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại TTCK Việt Nam, với các yếu tố rủi ro được tính đến như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản.

Từ góc nhìn một quỹ đầu tư lớn trên TTCK Việt Nam ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cho biết khối ngoại đã bán ròng hàng tỉ đô la Mỹ trong bốn năm vừa qua vì thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại.

Chi tiết hơn, chủ tịch Dragon Capital cho rằng, việc TTCK Việt Nam chưa được nâng hạng đã tác động tới quyết định của nhiều NĐTNN. “Khi giới thiệu với đối tác, kỳ vọng họ đầu tư vào Việt Nam thì phải chuẩn bị bài giới thiệu nhưng rất khó thuyết phục. Chưa kể hai năm gần đây cũng có một số việc xảy ra ảnh hưởng đến nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro”, ông Dominic Scriven lưu ý.

Ngoài yếu tố trên, phân tích của Dragon Capital cho thấy, 80 công ty lớn chiếm khoảng trên 80% giá trị vốn hóa thị trường không có sự tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 và 2023. Việc một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận trong hai năm sẽ khiến nhà đầu tư rời đi.

"Chúng ta ở Việt Nam, suy nghĩ 24/24 đến chứng khoán Việt Nam còn với nhà đầu tư nước ngoài, chứng khoán Việt Nam mới chỉ là một yếu tố, một nhân vật nhỏ trên sân khấu của họ", Chủ tịch Dragon Capital nói.

Đồng quan điểm, bà Hồ Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Phú Hưng, cho rằng các nhà đầu tư luôn tìm kiếm lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa mang lại lợi nhuận cao hơn các khoản đầu tư quốc tế trong vài năm qua. Bên cạnh đó, các đợt IPO tại thị trường Việt Nam còn hạn chế dẫn tới thiếu nguồn hàng mới. Điều này khiến việc thu hút vốn vào thị trường trở nên khó khăn.

Theo bà, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm vừa qua tốt hơn nhiều quốc khác, nhưng TTCK lại chưa thể tạo ra lợi nhuận vượt trội. Hệ quả này cũng đến từ sự không nhất quán giữa thị trường chứng khoán và phân bổ các ngành kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lạc quan, cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất, xuất khẩu mạnh và sức tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thị trường nhóm tài chính, bất động sản và tiêu dùng lại chiếm đến 3/4 lượng cổ phiếu của Việt Nam. Các cổ phiếu phần mềm chỉ chiếm chưa đến 4%.

Doanh nhân này cho rằng, thị trường thiếu các mục tiêu đầu tư có liên quan.

Củng cố nền tảng thị trường để thu hút dòng tiền ngoại

Nhìn nhận quan hệ giữa NĐTNN và TTCK Việt Nam là quan hệ hai chiều, tức “thị trường cần vốn, NĐT cần thị trường để giải ngân”, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ, Công ty chứng khoán SSI chờ đợi, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sớm được triển khai trong thực tế. Điều này giúp NĐTNN được phép mua cổ phiếu với số tiền ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ thay vì phải có đủ 100% tiền ký quỹ trước khi mua.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện mô hình trên thì ngân hàng thương mại phải được công nhận là thành viên bù trừ tại thị trường chứng khoán cơ sở và có quy định về quỹ phòng hộ.

“FTSE Russells cần sáu tháng để rà soát khối lượng giao dịch, sau đó ra quyết định. Với tiến độ hiện tại, nhanh thì đến quí 1 và quí 2-2025, chậm lắm là quí 3-2025” ông Hải nói và khẳng định, SSI có thể đáp ứng yêu cầu của FSTE Russells trong năm 2025.

Việc thiếu hàng hoá chất lượng khiến TTCK Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Dũng Minh.

Trong khi đó, bà Hồ Thúy Ái khuyến nghị cơ quan quản lý, tổ chức kinh doanh chứng khoán và công ty quản lý quỹ cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tăng cường các hoạt động nâng cao tính minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thông qua việc tuân thủ các quy định pháp luật. Cùng với đó là phát triển hạ tầng TTCK.

“Việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các sàn giao dịch để tạo thuận lợi cho việc giao dịch và giám sát, điển hình như việc vận hành hệ thống KRX sắp tới đây cũng cần được thúc đẩy trở lại” bà Ái lưu ý.

Bên cạnh đó, cần giảm giới hạn và hạn chế đối với vốn nước ngoài và thực hiện nhiều đợt IPO hơn để tăng tính đa dạng của thị trường. Điều này sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất, công nghệ niêm yết, từ đó gia tăng sự đa dạng và hấp dẫn đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup kiến nghị đẩy mạnh giảm sở hữu Nhà nước ở những doanh nghiệp, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sàn niêm yết và nâng cao chuẩn niêm yết.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch.

Với các doanh nghiệp niêm yết, bà Ái khuyến nghị cần cải thiện mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch, cần sớm đạt chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS và công bố thông tin bằng tiếng Anh. “Quan trọng nhất vẫn là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam”, bà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới