(KTSG) - Trong bối cảnh kênh vay vốn ngân hàng có nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chứng khoán, còn kênh trái phiếu doanh nghiệp vừa bị kiểm soát chặt chẽ vừa giảm sức hút đầu tư, việc các doanh nghiệp đang tự thân vận động tìm cách tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu được xem là phương án phù hợp.
- Chờ dòng tiền tiết kiệm quay lại với chứng khoán?
- HNX cảnh báo 2 mã chứng khoán có khả năng bị hủy niêm yết
Kế hoạch tăng vốn khủng quay lại
Cổ phiếu Novaland (HOSE:NVL) tiếp tục tăng trần trong phiên giao dịch đầu tuần này (27-3-2023), đánh dấu phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, với khối lượng khớp lệnh gần 55 triệu cổ phiếu, sau khi doanh nghiệp này cho biết đã đàm phán gia hạn thành công đối với hai lô trái phiếu.
Ngoài ra, Novaland dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 19.500 tỉ đồng, tức tăng gấp 2,5 lần lên 48.750 tỉ đồng, thông qua phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời chào bán thêm 1,95 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 1:1, với giá phát hành ở cả hai phương án đều không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Một doanh nghiệp khác cũng gây chú ý trong thời gian qua là Bamboo Airways, thuộc hệ sinh thái của tập đoàn FLC, khi muốn phát hành cổ phần để tăng vốn thêm gần 10.000 tỉ đồng nhằm tái cơ cấu nợ và bổ sung cho hoạt động, từ mức vốn điều lệ 18.500 tỉ đồng hiện nay. Mới đây, đại diện Bamboo Airways cho biết hãng đã tìm được nhà đầu tư mới thay cho nhóm liên quan cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Văn Quyết.
Trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC), dự kiến họp ngày 7-4-2023, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch chào bán gần 126 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% (sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ thu về hơn 1.259 tỉ đồng; nâng vốn điều lệ từ hơn 2.518 tỉ đồng lên hơn 3.777 tỉ đồng.
Trong khi đó, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG) dự kiến trình cổ đông kế hoạch phát hành gần 48,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, qua đó tăng vốn điều lệ lên gần 5.345 tỉ đồng. Còn CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (HOSE: HUB) định trình lại phương án chào bán cổ phiểu cho cổ đông hiện hữu để tăng 30% vốn điều lệ trong năm nay.
Thị trường chứng khoán chỉ mới nhen nhóm phục hồi, các doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch tăng vốn khủng, có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy “bội thực”. Ngoại trừ các doanh nghiệp đã có sẵn các nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn có kế hoạch mua thêm cổ phần, việc tăng vốn của những doanh nghiệp còn lại có khả thi hay không sẽ cần phải đợi thời gian trả lời.
Trong nhóm chứng khoán, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HOSE: ORS) công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành/chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 4.000 tỉ đồng, thông qua phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ.
CTCP Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI) dự kiến phát hành thêm gần 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỉ đồng. CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) muốn phát hành hơn 87 triệu cổ phiếu để tăng vốn.
Ở nhóm ngân hàng, các kế hoạch tăng vốn khủng đang dần hé lộ. Theo tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa được công bố, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (HNX: NVB) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 620 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ hơn gấp đôi, từ 5.601 tỉ đồng lên 11.802 tỉ đồng.
Eximbank (HOSE:EIB) cũng có kế hoạch tăng vốn sau hơn một thập kỷ, khi dự kiến chia cổ tức theo tỷ lệ 20% và qua đó sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 14.814 tỉ đồng. Và mới đây nhất, VPBank đã đạt thỏa thuận bán 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài để dự kiến tăng vốn thêm 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Tăng cường nội lực tài chính trong môi trường ngày càng bất ổn
Trong bối cảnh kênh vay vốn ngân hàng có nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chứng khoán, còn kênh trái phiếu doanh nghiệp vừa bị kiểm soát chặt chẽ vừa giảm sức hút đầu tư, việc các doanh nghiệp đang tự thân vận động tìm cách tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu được xem là phương án phù hợp.
Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này luôn có nhu cầu thường trực lớn về nguồn vốn kinh doanh, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nên với xu hướng lãi suất cho vay đã tăng mạnh trong thời gian qua và vẫn đang duy trì ở mức cao, chiến lược tăng thêm vốn là cần thiết để giảm bớt áp lực chi phí tài chính.
Đơn cử như trong nhóm chứng khoán, để phục vụ nghiệp vụ cho vay margin với lãi suất cạnh tranh, việc liên tục tăng thêm vốn điều lệ để cải thiện năng lực cạnh tranh là rất quan trọng, nhất là khi thị trường bắt đầu bước vào xu hướng phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu vay margin tăng trở lại.
Ngoài ra, trước một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, đặc biệt là nhóm bất động sản, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, trong khi việc phát hành mới để tái tài trợ cho lượng trái phiếu đáo hạn này đang ngày càng khó khăn hơn, thì việc các doanh nghiệp chuyển dịch sang kênh chứng khoán để tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho các khoản nợ sắp đáo hạn là điều có thể hiểu được.
Bối cảnh kinh tế hiện nay và thị trường dường như cũng đang có những diễn biến thuận lợi hơn.
Thứ nhất, dù thị trường chứng khoán vẫn đang đi ngang giằng co trong giai đoạn gần đây, nhưng không ít dự báo cho rằng triển vọng của thị trường từ nửa cuối năm nay sẽ khả quan hơn. Có lẽ đón đầu xu hướng này, hàng loạt doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng vốn khủng cho giai đoạn tới, trải dài ở khắp các nhóm ngành, đặc biệt là ở nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán như đã nói.
Thứ hai là với lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay, khiến kênh tiết kiệm ngân hàng cũng giảm bớt sức hấp dẫn, dòng tiền có thể tìm kiếm cơ hội trở lại với kênh chứng khoán, đặc biệt là không chỉ nhắm vào những doanh nghiệp hiệu quả mà còn nhắm vào những doanh nghiệp đang phải tái cơ cấu với giá cổ phiếu đã giảm rất sâu trong vòng một năm qua kéo định giá về lại mức hấp dẫn.
Thứ ba là khi tỷ giá giữ được sự ổn định, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn cũng có thể hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn tới, thông qua các chiến lược thâu tóm và sáp nhập, mà thương vụ tại VPBank là rõ nhất.
Thống kê cho thấy từ ngày 7-3-2023, thời điểm khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán, đến phiên giao dịch đầu tuần này (27-3-2023), nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 3.700 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE.
Dù vậy, cũng cần phải thừa nhận rằng việc thị trường chứng khoán chỉ mới nhen nhóm phục hồi, các doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch tăng vốn khủng, có thể khiến nhà đầu tư cảm thấy “bội thực” với lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm ồ ạt.
Do đó, ngoại trừ các doanh nghiệp đã có sẵn các nhà đầu tư chiến lược, cổ đông lớn có kế hoạch mua thêm cổ phần, việc tăng vốn của những doanh nghiệp còn lại có khả thi hay không sẽ cần phải đợi thời gian trả lời.