(KTSG) - Các doanh nghiệp có tiềm lực trong nước đang tích cực nhận chuyển nhượng cổ phần từ các nhà đầu tư quốc tế tại các doanh nghiệp liên doanh, bên cạnh việc thâu tóm các doanh nghiệp trong nước khác. Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng này?
- ‘Cơn khát’ kim loại đồng đằng sau đề xuất thâu tóm trị giá 39 tỉ đô la
- Doanh nghiệp Việt chủ động hơn trong việc thâu tóm đối tác ngoại
Thâu tóm đẩy giá cổ phiếu
Sau khi không thể tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên lần 1, tại lần 2 mới tổ chức gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cho biết trong năm 2024, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.194 tỉ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 430 tỉ đồng, tăng 9,7% so với thực hiện trong năm 2023.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình công bố việc thực hiện mua lại một dự án BOT, sau khi vừa hợp nhất dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trong quí 3-2023. Cụ thể, công ty đang trong quá trình thương lượng mua lại 100% một dự án BOT với mức đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng, dự kiến sẽ thương lượng xong vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2024. Giá cổ phiếu CII sau khi có đợt điều chỉnh mạnh từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, từ đó đến nay đã có lúc chứng kiến mức phục hồi đến 15%.
Trước đó vào giữa tháng 5, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại Công ty Phân bón Hàn - Việt (KVF). Thực tế, vào đầu tháng 4, Đạm Cà Mau và Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận bàn giao Công ty Phân bón Hàn - Việt. Việc mua lại này chủ yếu nhằm thâm nhập thị trường phân NPK ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung, trong khi Nhà máy NPK hiện tại của Đạm Cà Mau nhằm phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam bộ và Campuchia.
Phân bón Hàn - Việt khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phân NPK với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm từ tháng 7-2016 tại TPHCM và đến tháng 12-2017 thì đưa vào vận hành, tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, Đạm Cà Mau đang sở hữu nhà máy sản xuất NPK với công suất 300.000 tấn/năm. Đạm Cà Mau còn đang là doanh nghiệp duy nhất trong nước có khả năng sản xuất urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm. Thông tin này là một trong những chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu DCM tăng vọt hơn 25% từ cuối tháng 4 đến nay.
Mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để thâu tóm các dự án, doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn về dòng tiền, hoặc giá cổ phiếu rớt về mức hấp dẫn.
Trong mảng logistics, Công ty cổ phần Container Việt Nam - Viconship (HOSE: VSC) cũng có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải Đình Vũ lên tới 100% vốn điều lệ, đưa công ty này từ công ty liên kết thành công ty con.
Trước đó, năm 2023, Viconship đã hoàn tất mua mới 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ với giá trị khoảng 1.049 tỉ đồng. Với việc có thêm Cảng Nam Hải Đình Vũ, Viconship sẽ có ba cảng biển lớn tại Hải Phòng, bên cạnh Cảng Xanh (Green Port), Cảng Xanh VIP (VIP Greenport).
Ở mảng xây dựng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (HOSE: HUB) Đoàn Hữu Thuận, cho biết Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HOSE: HDC) muốn đầu tư thêm để đạt 50% vốn tại Xây lắp Thừa Thiên Huế, nhằm khai thác lợi thế của hai bên. Được biết Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu và những người có liên quan hiện đang nắm giữ khoảng 43% cổ phiếu HUB.
Về mối liên hệ, ngoài là Chủ tịch HĐQT Xây lắp Thừa Thiên Huế, ông Thuận còn đang là Chủ tịch HĐQT Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn ông Lê Quý Định, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Xây lắp Thừa Thiên Huế đồng thời là thành viên HĐQT Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thế chân nhà đầu tư nước ngoài
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường hoạt động thâu tóm và sáp nhập nhiều hơn. Nếu việc thâu tóm theo chiều ngang như là cách để mở rộng thị phần, đạt lợi thế chi phí nhờ quy mô lớn, thâu tóm theo chiều dọc lại giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm bớt chi phí trung gian và chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất.
Mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để thâu tóm các dự án, doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn về dòng tiền, hoặc giá cổ phiếu rớt về mức hấp dẫn. Với những doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, so với việc đầu tư vào một dự án mới tốn nhiều nguồn lực và thời gian, chiến lược thâu tóm và sáp nhập là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Đặc biệt, nếu như trước đây lãi suất tại nhiều quốc gia ở mức thấp đã kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào mua lại các doanh nghiệp trong nước, hiện nay xu hướng đã đảo ngược khi lãi suất tại nhiều quốc gia tăng mạnh trong hơn hai năm qua và vẫn đang duy trì ở mức cao. Điều này tạo ra áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp đa quốc gia đang đi đầu tư bằng nguồn vốn vay, vì vậy đã có hiện tượng một số tập đoàn nước ngoài rút vốn đầu tư khỏi các doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện cho dòng vốn trong nước nhảy vào thế chân.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong năm tháng đầu năm nay có 1.158 lượt với giá trị góp vốn 1,05 tỉ đô la Mỹ, giảm mạnh 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 472 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn 580,7 triệu đô la Mỹ và 731 lượt không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị 472,6 triệu đô la Mỹ.
Vào cuối tháng 4, Công ty cổ phần Thế Giới Số - Digiworld (HOSE: DGW) công bố nghị quyết về việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn B2X Việt Nam từ 49,1% lên 100%, thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần từ B2X Care Solutions GmbH. Công ty cổ phần Tập đoàn B2X Việt Nam là công ty liên doanh do Digiworld và B2X hợp tác thành lập từ tháng 12-2017. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo Digiworld cho biết qua thương vụ này với B2X, Digiworld sẽ hợp nhất năng lực của dịch vụ hậu mãi theo tiêu chuẩn quốc tế hiện có.
Hay như Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (HOSE: TCM), tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây đã thông tin về việc mua lại Nhà máy Dệt SY Vina - đơn vị có liên quan thuộc sở hữu của cổ đông E-Land Asia Holdings Pte. Ltd. Việc mua lại SY Vina sẽ giúp công ty có giấy phép nhuộm, có cơ hội mở rộng phân khúc sản phẩm sang mặt hàng vải dệt thoi để phát triển thêm đơn hàng sản phẩm may giá trị cao. Sản phẩm từ SY Vina được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Còn Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng vừa hoàn tất giao dịch mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E).
Trước đó, vào cuối năm 2023, một công ty nội địa khác là Công ty cổ phần FPT đã mua 80% cổ phần của AOSIS - công ty tư vấn công nghệ (Pháp). Thương vụ này bổ sung cho FPT mạng lưới kinh doanh và hàng trăm chuyên gia công nghệ tại Pháp và châu Âu. Trước khi nắm quyền kiểm soát tại AOSIS, FPT cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI của Mỹ (tháng 10-2023) và mua Cardinal Peak - công ty dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại thị trường Bắc Mỹ (tháng 12-2023).