Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán tháng 12: Tiếp tục tích lũy chờ cơ hội bứt phá?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán trong tháng 11-2023 có thể tóm gọn như sau: tạo đáy vào đầu tháng, tăng mạnh đến giữa tháng, điều chỉnh giảm và củng cố trong nửa cuối tháng. Xu hướng tháng 12 sẽ ra sao?

Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy chờ cơ hội bứt phá mới, nhưng cũng có thể bị đạp xuống để hình thành mô hình hai đáy rõ ràng hơn và thu hút dòng tiền tham gia mạnh hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Tạo đáy, bật tăng rồi củng cố

Sau khi liên tiếp điều chỉnh giảm mạnh trong hai tháng 9 và 10 với mức giảm lần lượt là 6,5% và 10%, chỉ số VN-Index đã bật lại trong tháng 11 khi kết thúc tháng ghi nhận mức tăng 6,2%, đánh dấu tháng tăng mạnh thứ hai từ đầu năm đến nay, chỉ sau mức tăng 8,2% của tháng 7. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu diễn ra trong nửa đầu tháng 11, còn nửa sau thị trường chỉ đi ngang sau một số thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, VN-Index sau khi tăng xấp xỉ 10% trong nửa đầu tháng, nửa cuối tháng có lúc ghi nhận mức giảm đến 5%, trước khi thu hẹp mức giảm về còn 3,4% trong những phiên giao dịch cuối tháng. Dù các yếu tố vĩ mô vẫn đang trong xu hướng cải thiện, nhưng thông tin vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan cùng những thiệt hại liên quan đến ngân hàng SCB được công bố vào giữa tháng 11, đã ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhiều nhà đầu tư và gây sức ép lên thị trường.

Ngoài ra, việc Robbins Geller, một công ty luật tại Mỹ công bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Mỹ liên quan đến VinFast, cũng đã có lúc gây áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu nhóm Vingroup, dù theo giới phân tích những việc kiện tụng như thế này tại Mỹ là bình thường với bất kỳ doanh nghiệp nào, và cũng chưa chắc vụ kiện sẽ diễn ra.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng bán ròng trước xu hướng thị trường chưa thật sự rõ ràng. Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng hơn 3.900 tỉ đồng, đánh dấu tháng rút ròng mạnh thứ hai trong năm nay. Theo đó, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng hơn 14.600 tỉ đồng trong 11 tháng qua. Dù vậy, diễn biến có phần ngược lại trên sàn HNX, khi khối ngoại liên tục mua ròng với tổng giá trị 11 tháng đạt hơn 2.700 tỉ đồng, riêng tháng 11 mua ròng hơn 464 tỉ đồng.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của thị trường trong tháng 11 vừa qua là nhiều phiên trong các tuần đầu có biên độ dao động rất lớn, đặc biệt là hiện tượng mang hàng ra bán ở phiên ATC đẩy thị trường đảo chiều từ xanh sang đỏ, tạo ra không ít lo ngại cho nhà đầu tư và kìm kẹp đà đi lên của thị trường. Ngược lại, trong tuần cuối cùng của tháng 11, thị trường sau khi chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian trong phiên, về cuối phiên lại bất ngờ được kéo lên, trái ngược với dự báo của các nhà đầu tư.

Diễn biến dường như có tính cầm cự của thị trường trong nửa cuối tháng cho thấy các nhà tạo lập đang muốn giữ vững xu hướng đi lên đang được thiết lập trở lại, tránh để hiện tượng bán tháo lan rộng mà có thể đè thị trường chìm sâu và quay trở lại với xu hướng giảm. Ngoại trừ phiên 17-11 (thời điểm ngay trước khi thông tin về kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông) thị trường giảm mạnh với khối lượng giao dịch tăng vọt, các phiên giảm điểm sau đó chứng kiến khối lượng giao dịch chỉ ở mức trung bình.

Theo đó, thị trường chứng khoán trong tháng 11 có thể tóm gọn như sau: tạo đáy vào đầu tháng, tăng mạnh đến giữa tháng, điều chỉnh giảm và củng cố trong nửa cuối tháng. Thanh khoản trong tháng cũng chỉ ở mức trung bình, khi thấp hơn các tháng 6, 7, 8 và 9, cho thấy dòng tiền vẫn đang thận trọng và có phần phân vân trước xu hướng hiện tại.

Sóng cuối năm?

Sau những tín hiệu tích cực ở các phiên về cuối tháng 11 vừa qua, thị trường chứng khoán khởi đầu tháng 12 đầy khởi sắc, khi tăng gần 2,4% chỉ trong hai phiên giao dịch mở đầu tháng, đặc biệt là phiên ngày 4-12 tăng 18 điểm, tương đương tăng 1,7%. Trước diễn biến này, có lẽ không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng về một sóng tăng mạnh trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, thị trường cũng có thể diễn biến khó lường hơn, trong bối cảnh các thông tin tốt xấu vẫn đan xen.

Theo đó, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy chờ cơ hội bứt phá mới, nhưng cũng có thể bị đạp xuống để hình thành mô hình hai đáy rõ ràng hơn và thu hút dòng tiền tham gia mạnh hơn, nhất là khi các tín hiệu kỹ thuật vẫn thiên về khả năng điều chỉnh. Dù vậy, kịch bản đi lên đang có khả năng cao hơn và cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng hơn. Dữ liệu quá khứ cho thấy tháng 12 thường có diễn biến khá tích cực, với mức tăng trưởng bình quân trong 23 năm qua là 1,7%, là tháng có mức tăng cao thứ sáu trong năm.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng một kịch bản tương tự như tháng 11 cũng có thể diễn ra, khi thị trường tăng mạnh trong nửa đầu tháng và sau đó điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng, đặc biệt khi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất vào giữa tháng 12 này có thể phát đi những tín hiệu ngoài mong đợi của các nhà đầu tư.

Hiện hầu hết dự báo đều cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất ở cuộc họp cuối cùng trong năm nay, với công cụ Fedwatch của CMEGroup cho thấy xác suất giữ nguyên lãi suất ở vùng hiện tại 5,25-5,5% lên đến 99%, trong khi khả năng tăng lên vùng 5,5-5,75% chỉ có 1%. Điều này đồng nghĩa chu kỳ tăng lãi suất của cơ quan này đã kết thúc và khả năng giảm lãi suất có thể bắt đầu ngay trong năm 2024. Các dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây của Fed cũng ủng hộ cho lộ trình giảm lãi suất trong giai đoạn tới.

Cụ thể, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) - chỉ báo lạm phát ưa thích của Fed, tháng 10 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ. Các số liệu này làm gia tăng kỳ vọng rằng con đường tiến đến mục tiêu lạm phát trung bình 2% của Fed trở nên gần hơn. Theo đó, giới đầu tư đang kỳ vọng Fed có thể giảm lãi suất 5 lần trong năm 2024, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, như đã nói, nếu Fed phát đi một tín hiệu tiêu cực nào khác, có thể là gợi ý giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự báo, thị trường chịu áp lực là tất yếu.

Về yếu tố cơ bản trong nước, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 11 tháng qua đạt 28,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Xuất siêu 11 tháng ghi nhận mức kỷ lục 25,8 tỉ đô la Mỹ. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào như vậy sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định, trong trường hợp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chịu thêm sức ép về cuối năm thì nhà điều hành cũng có nguồn lực rộng mở hơn để can thiệp khi cần thiết.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp, dù những năm trước cho thấy áp lực thanh khoản thường tăng cao giai đoạn cuối năm, nhưng năm nay dường như đang diễn biến ngược lại. Thanh khoản dồi dào với dòng tiền gửi tiếp tục tập trung vào ngân hàng, trong khi tín dụng vẫn chậm, tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, mà mới đây nhất là động thái giảm lãi suất huy động của Vietcombank, đánh dấu lần giảm thứ 4 liên tiếp chỉ trong hơn hai tháng qua.

Thị trường cũng kỳ vọng hưởng lợi khi động lực tăng trưởng kinh tế có thể mạnh mẽ hơn đến từ các dự án đầu tư công tăng tốc về cuối năm. Số liệu thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng qua đạt 549.100 tỉ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Không ít nhà đầu tư hiện nay vẫn đang đánh cược vào nhóm cổ phiếu đầu tư công.

Nếu như xu hướng thị trường trong tháng 12 có thể vẫn không rõ ràng, chứng khoán năm 2024 được dự báo tích cực hơn khi được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp phục hồi, nền kinh tế phục hồi và định giá rẻ của thị trường. Đây cũng là kết quả tất yếu, khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh những chính sách vĩ mô đã tốt dần lên từ đầu năm đến nay, từ việc lãi suất giảm cho đến các điều kiện kinh tế đang mở rộng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới