Chứng khoán thế giới tăng do kỳ vọng Trung Quốc định giá lại đồng tiền
Thái Bình
![]() |
Hai đoàn đại biểu cấp cao Mỹ-Trung Quốc hôm nay bắt đầu cuộc Đối thoại kinh tế chiến lược lần thứ hai tại Bắc Kinh. Ảnh AP |
(TBKTSG Online) – Phần lớn chứng khoán thế giới đã tăng hôm nay thứ Hai 24-5 sau vài ngày hỗn loạn, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhờ đó triển vọng thương mại toàn cầu sẽ được cải thiện; mặc dù vụ quốc hữu hóa một ngân hàng khu vực ở Tây Ban Nha một lần nữa gây áp lực lên đồng euro.
Hãng tin AP hôm nay cho biết, ở châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh đã tăng 9,01 điểm, hay 0,2%; chỉ số CAC-40 của Pháp tăng 20,52 điểm, hay 0,6%; chỉ số DAX của Đức tăng 25,42 điểm, hay 0,4%.
Trước đó ở châu Á, chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc đã tăng 3,5%, lên 2,673.42 điểm, khi nỗi lo sợ chính quyền siết chặt chính sách tín dụng đã dịu đi giữa lúc hy vọng tăng lên về khả năng tăng giá của đồng nhân dân tệ. Phần lớn các thị trường chứng khoán khu vực đều được thổi lên trước tin Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về cải cách tiền tệ.
Tại lễ khai mạc cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner dẫn đầu, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho biết Trung Quốc “sẽ tiếp tục tiến hành đều đặn việc cải cách tỷ giá hối đoái”. Đáp lại, ông Geithner hoan nghênh sự kiện lãnh đạo Trung Quốc đã “nhận ra rằng cải cách tỷ giá hối đoái là phần quan trọng của chương trình cải cách rộng lớn hơn của họ”.
Hầu hết các nhà phân tích đều nghĩ rằng, đồng nhân dân tệ được phép tăng giá so với đồng đô la Mỹ là điều thiết yếu để kinh tế thế giới phát triển một cách cân bằng hơn trong những năm tháng tới. Trong nhiều năm các nhà chức trách Trung Quốc đã kiềm giữ đồng tiền của họ ở mức thấp giả tạo so với đồng đô la để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Kết quả là, Trung Quốc đã giành được thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ.
Ông Hans Redeker, phụ trách chiến lược tỷ giá toàn cầu của ngân hàng BNP Paribas, nhận định: “Tín hiệu tích cực từ Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung tại Bắc Kinh hôm nay sẽ làm tăng thêm nhiệt tình chấp nhận rủi ro vì nó làm giảm nguy cơ một cuộc chiến thương mại”.
Dù vậy, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, trong đó Hy Lạp đã được cứu nguy, và câu hỏi về tương lai của đồng euro, vẫn là nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí nhà đầu tư.
Thị trường Wall Street, vừa kết thúc một tuần tăng trưởng mạnh, có vẻ hôm nay sẽ mở cửa với mức thấp hơn; cổ phiếu kỳ hạn của Dow Jones giảm 37 điểm, hay 0,4%, còn 10.123 điểm; cổ phiếu kỳ hạn của Standard & Poor’s giảm 5,7 điểm, hay 0,5%, còn 1,078 điểm.
Đồng euro châu Âu đã bị suy yếu bởi những tin tức cuối tuần rằng Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng khu vực CajaSur sau khi những cuộc đàm phán để sáp nhập với một ngân hàng khác đã bị đổ vỡ. Vào cuối buổi sáng nay ở London, tức chiều nay giờ Việt Nam, đồng euro đã giảm thêm 1,1%, còn 1,2414 đô la Mỹ; dù mất giá nhưng đồng tiền này vẫn còn cao hơn giá hôm thứ Tư tuần trước, khi Đức ra lệnh cấm bán khống cổ phiếu.
Ở những nơi khác ở châu Á, chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 2,1% lên 4,395 điểm; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,6%, lên đến 19,663 điểm. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam và Indonesia đều tăng điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 26,14 điểm, hay 0,3%, còn 9,758 điểm và chỉ số chứng khoán Thái Lan giảm 2,3% khi thị trường mở cửa giao dịch trở lại vào hôm nay sau khi bạo lực chính trị tồi tệ diễn ra tại thủ đô Thái Lan trong những ngày cuối tuần.
Giá dầu tiếp tục dao động quanh mức 70 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu thô giao tháng Bảy đã tăng 25 xu, lên 70,29đô la/thùng trên sàn giao dịch điện tử New York Mercantile Exchange.