Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán: tiền lớn bắt đầu rục rịch dịch chuyển?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với việc lượng tiền gửi tiết kiệm ở vùng lãi suất cao vào cuối năm ngoái và đầu năm nay đang bắt đầu đáo hạn dần, cộng thêm việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành, dòng tiền lớn ở kênh gửi tiết kiệm có lẽ đã bắt đầu rục rịch dịch chuyển.

Ảnh: LÊ VŨ

Thanh khoản tăng vọt

Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 vào cuối tháng 5-2023, thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã bắt đầu gia tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, nếu như tuần từ ngày 22 đến ngày 26-5, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE bình quân là 639 triệu cổ phiếu/phiên thì bước sang tuần từ ngày 29-5 đến ngày 2-6 đã tăng vọt 32% lên gần 842 triệu cổ phiếu/phiên.

Tiếp đó, trong tuần từ ngày 5 đến ngày 9-6, khối lượng giao dịch tiếp tục tăng thêm 11% lên gần 932 triệu cổ phiếu/phiên, trong đó có phiên kỷ lục trao tay hơn 1,2 tỉ cổ phiếu vào ngày 8-6.

Trong tuần trước, từ ngày 12 đến 16-6, khối lượng giao dịch có chững trở lại khi giảm 10%, chỉ còn đạt gần 839 triệu cổ phiếu/phiên. Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư e ngại áp lực chốt lời đang diễn ra, cũng như chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Dù vậy, nếu so với tuần đầu tháng 5 (từ ngày 8 đến 12-5), khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trong tuần từ ngày 12 đến 16-6 vẫn ghi nhận mức tăng đến 35%. Đặc biệt, sau khi có thông tin NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 vào ngày 16-6, thanh khoản trong phiên cuối tuần lại tăng mạnh hơn 59% so với phiên trước đó, đạt gần 1,08 tỉ cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE.

TTCK không chỉ có khả năng đón nhận dòng tiền gửi tiết kiệm của dân cư quay trở lại, mà ngay cả dòng tiền kinh doanh nhàn rỗi của các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm lại cơ hội ở kênh chứng khoán này.

Đi cùng với thanh khoản gia tăng là điểm số của VN-Index cũng đi lên tích cực, với mức tăng hơn 7,2% tính từ đầu tháng 5 đến phiên cuối tuần trước, trong đó tập trung tăng vào giai đoạn từ ngày 24-5 - sau khi có thông tin NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3, với mức tăng hơn 5%.

Phân tích chi tiết qua từng giai đoạn như vậy để cho thấy dường như dòng tiền lớn đã bắt đầu có tín hiệu dịch chuyển sôi động hơn sau những động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp của nhà điều hành.

Số liệu về tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cũng đang củng cố cho một triển vọng đang dần tích cực hơn của TTCK trong giai đoạn tới. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới tháng 5-2023 đạt 104.966 tài khoản, cao gấp gần 5 lần tháng liền trước. Đây cũng là tháng có số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cao nhất trong vòng chín tháng (tính từ tháng 8-2022).

Việc TTCK thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới góp phần giúp thanh khoản đi lên. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) - MiraeAsset, thanh khoản thị trường tháng 5 vừa qua ghi nhận tháng thứ 2 cải thiện liên tiếp, với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE tăng 9% so với tháng trước lên trên 10.000 tỉ đồng/phiên. Dự kiến xu hướng tương tự cũng sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 6 này.

Cơ hội nửa cuối năm?

Với việc lượng tiền gửi tiết kiệm ở vùng lãi suất cao vào cuối năm ngoái và đầu năm nay đang bắt đầu đáo hạn dần, cộng thêm việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, dòng tiền lớn ở kênh gửi tiết kiệm có lẽ đã bắt đầu rục rịch dịch chuyển.

Trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng đã giảm đến 1,25 điểm phần trăm trong ba lần điều chỉnh gần đây nhất của NHNN, nhưng có thể thấy rằng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên - vốn không bị giới hạn bởi mức trần của NHNN, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Đơn cử như ở các kỳ hạn 12-13 tháng, nếu như giai đoạn cuối năm ngoái lãi suất huy động có lúc lên đến 10-11%/năm, thì hiện nay phổ biến chỉ còn quanh 7%/năm, cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 8%/năm.

Theo đó, hệ số P/E (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của kênh gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện đang nằm từ 12,5 lần đến hơn 14 lần, trong khi hệ số P/E của chỉ số VN-Index là 11,8 lần. Con số 11,8 lần này dù đã tăng so với mức 9,95 lần vào cuối năm 2022, nhưng nếu so với kênh tiền gửi tiết kiệm thì vẫn đang thấp hơn, cho thấy định giá của kênh chứng khoán vẫn đang còn khá hấp dẫn. Rõ ràng với lãi suất đã có bước trượt dài chỉ trong thời gian ngắn ngủi những tháng vừa qua, sức hút của kênh tiết kiệm đã giảm đi đáng kể.

Đáng lưu ý là TTCK không chỉ có khả năng đón nhận dòng tiền gửi tiết kiệm của dân cư quay trở lại, mà ngay cả dòng tiền kinh doanh nhàn rỗi của các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm lại cơ hội ở kênh chứng khoán này. Bên cạnh những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tắc nghẽn dòng tiền, vẫn có những doanh nghiệp có dòng tiền lành mạnh, nguồn vốn nhàn rỗi lớn nhưng không thể mở rộng hoạt động trong thời gian qua do đơn hàng sụt giảm, cầu tiêu dùng yếu, rủi ro trong nền kinh tế gia tăng.

Do đó, những doanh nghiệp này có thể lại đẩy mạnh giao dịch ở kênh chứng khoán nếu nhận thấy thị trường đang quay lại với xu hướng tăng, trong khi lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn. Điều này cũng đã từng diễn ra trong giai đoạn hai năm đại dịch 2020 và 2021, khi một loạt doanh nghiệp trên sàn tăng cường tham gia đầu tư, lướt sóng cổ phiếu để kiếm thêm lợi nhuận.

Nếu xu hướng chuyển dịch của dòng tiền này được duy trì và tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, triển vọng cho TTCK trong nửa cuối năm sẽ càng lạc quan hơn. Dĩ nhiên áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, nhất là khi thị trường cũng đã có những chuỗi tăng mạnh mẽ gần đây, nhưng trước những thay đổi trong xu hướng của chính sách tiền tệ hay tài khóa (đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng), về dài hạn các kênh đầu tư đều có thể được hưởng lợi.

Sự sôi động và triển vọng của TTCK còn được thể hiện qua việc các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn trong năm nay, nhằm đón đầu cho các cơ hội kinh doanh lớn hơn cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong chu kỳ phía trước của thị trường, mà được đánh giá là đã thoát khỏi xu hướng giảm và đang thiết lập xu hướng tăng dài hạn.

Trong một hội thảo mới đây, quỹ VinaCapital cho rằng Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế cao trong trung và dài hạn, tạo động lực cho thị trường cố phiếu tăng trưởng, qua đó là cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu. Về mặt lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, trong ngắn hạn năm 2023, VinaCapital dự báo sẽ có sự sụt giảm, nhưng từ năm 2024 trở đi, mức tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) nhiều khả năng sẽ quay lại mức hai con số.

Song song đó, câu chuyện nâng hạng TTCK được quỹ đầu tư này đánh giá sẽ thu hút dòng vốn đầu tư chứng khoán quốc tế và trong nước, mở rộng quy mô TTCK nhờ thanh khoản tăng lên. Việc vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, cho phép thanh toán chứng khoán T+0 đi kèm với việc triển khai các sản phẩm mới dự báo sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Trong một diễn biến khác, sau giai đoạn bán ròng trong tháng 4, tháng 5 và tuần đầu tháng 6, tuần vừa qua khối ngoại đã quay lại mua ròng hơn 1.700 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE. Ngoài ra, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán cũng mua ròng gần 663 tỉ đồng trong cùng giai đoạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới