Chứng khoán toàn cầu ‘rực lửa’ vì mối đe dọa của Covid-19
Chánh Tài
(TBKTSG Online) – Khi tình hình lây lan dịch bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19) ngày càng nghiêm trọng bên ngoài Trung Quốc, giới đầu tư Phố Wall trở nên hoảng loạn và ồ ạt bán tháo cổ phiếu, khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trên 3%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cắm đầu giảm hơn 1.000 điểm.
Tại châu Âu và châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng đều giảm điểm. Trong khi đó, giá vàng lao dốc sau phiên tăng mạnh hôm trước.
'Bóng ma' virus corona đẩy giá vàng tăng vọt
Các công ty xứ kim chi chạy đua ứng phó Covid-19
![]() |
Tính đến tối qua, có tổng cộng 229 ca nhiễm virus Covid-19 ở Ý, bao gồm 7 ca tử vong. Ảnh: Getty |
Dow Jones rơi 1.000 điểm, chứng khoán châu Âu mất 474 tỉ đô la
Trong một tháng qua, giới đầu tư cổ phiếu Mỹ dường như phớt lờ tác động của dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng tâm lý của họ bắt đầu thay đổi hôm 24-2 khi đón nhận tin tức xấu dồn dập về diễn biến lây lan của dịch bệnh này ở bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc, Ý và Iran.
Lo ngại cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 sẽ ghìm tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu, giới đầu tư đã tháo cổ phiếu bằng mọi giá. Lần đầu tiên kể từ ngày 4-12-2018, 3 chỉ số chứng khoán Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm trên 3%, đủ để xóa sạch thành quả tăng điểm kể từ đầu năm.
Vào lúc thị trường đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1.031,61 điểm (3,56%), về mức 27.960,8 điểm. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt thoái lùi 3,35% và 3,71%. Cổ phiếu của các hãng hàng không và công nghệ bị tổn thương nặng nhất.
Cổ phiếu của hai hãng hàng không Delta Air Lines và American Airlines lần lượt giảm 6,3% và 8,5%. Hai hãng hàng không này đã dừng bay đến Trung Quốc cho đến cuối tháng 4. Cổ phiếu Apple giảm đến 4,8% khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy của hãng này ở Trung Quốc vẫn chưa khôi phục hoàn toàn.
Hôm qua cũng là một ngày đen tối đối với các thị trường chứng khoán ở châu Âu. Chỉ số DAX của Đức giảm đến 4,01% vào thời điểm thị trường đóng cửa, trong khi đó chỉ số FTSE 100 (Anh) và CAC 40 (Pháp) đều giảm ở mức 3-4%.
Tại Ý, nơi cơn bùng phát dịch Covid đang diễn ra, chỉ số FTSE MIB giảm đến 5,4%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên giao dịch kể từ giữa năm 2016.
Trong khi đó, chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu, giảm 3,8%, cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2016 khi cử tri Anh bỏ phiếu đồng ý rút Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tính tổng cộng, cơn hoảng loạn do dịch Covid-19 khiến giá trị vốn hóa của các thị trường chứng khoán ở châu Âu bị thổi bay 474 tỉ đô la Mỹ.
Sau khi giảm điểm vào hôm trước, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng nay nhưng đà giảm ở một số thị trường dịu dần vào cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, 25-2, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 3,34%, còn chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,6%. Chỉ số S&P/ASX 200 (Úc) thoái lùi 1,6%, trong khi đó chỉ số Kospi (Hàn Quốc) lội ngược dòng tăng 1,18% sau khi đã sụt giảm mạnh gần 4% vào hôm trước.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng tương lai giao tháng 4 trên sàn giao dịch Comex ở New York tăng thêm 27,8 đô la (1,7%), lên mức 1.676,6 đô la/ounce, cao nhất kể từ tháng 2-2013.
Trong phiên giao dịch, giá vàng có lúc chạm mức 1.691,7 đô la/ounce khi giới đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn tài sản an toàn. Tuy nhiên, tính 14 giờ chiều nay, theo giờ Việt Nam, giá vàng đã thoái lui gần 40 đô la (2,3%), về mức 1.637 đô la/ounce do giới đầu tư chốt lời sau đà tăng mạnh của kim loại quý này.
Thị trường dầu cũng trải qua phiên giao dịch ảm đạm với hai chỉ số giá dầu Brent ở London và Tây Texas (WTI) ở New York đều cùng giảm gần 3% khi giới đầu tư lo ngại nhu cầu dầu sụt giảm mạnh do các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động sản xuất bị đình trệ ở Trung Quốc.
Bruce Bittles, Giám đốc chiến lược đầu tư ở Công ty quản lý đầu tư và ngân hàng Baird, cho rằng đã có thái độ chủ quan về dịch Covid-19 nhưng khi mối đe dọa của dịch bệnh này đang tăng lên, “bạn buộc phải nghĩ đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu suy yếu đủ để khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm”.
Trong một báo cáo công bố cuối tuần trước, các nhà kinh tế ở Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 1% trong quí đầu năm nay, yếu nhất trong vòng 12 năm qua.
Tại Mỹ, giới phân tích giờ đây đồng tình nhận định rằng, tăng trưởng của Mỹ sẽ rơi về mức 1,5% trong quí 1 so với mức tăng 1,7% vào cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu dự báo của FactSet công bố hôm 24-2.
Thậm chí, các nhà kinh tế ở Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí này có thể rơi về mức 1,2%.
WHO: Cần chuẩn bị ứng phó khả năng Covid-19 biến thành đại dịch
![]() |
Vào lúc thị trường đóng cửa hôm 24-2, chỉ số Dow Jones giảm 1.031,61 điểm (3,56%), về mức 27.960,8 điểm. Ảnh: Reuters |
Diễn biến tồi tệ hơn của dịch Covid-19 ở Hàn Quốc, Ý và Iran làm bùng lên các lo ngại dịch sẽ lan rộng ở châu Á và châu Âu.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm tăng lên 893 vào sáng nay (25-2), bao gồm 9 ca tử vong. Hãng hàng không Korean Air cho biết một thành viên phi hành đoàn của hãng này dương tính với Covid-19 tuy nhiên chi tiết về các chuyến bay có mặt người này vẫn chưa được công bố.
Hôm qua, chính phủ Iran xác nhận số ca nhiễm tăng lên 64, bao gồm 12 ca tử vong và bác bỏ thông tin từ một nghị sĩ của nước này nói rằng đã có 50 ca tử vong ở Iran.
Theo Bộ Y tế Ý, tính đến tối qua, có 229 ca nhiễm bao gồm 7 ca tử vong ở nước này. Ý đã phong tỏa 11 thị trấn nằm trong vùng dịch để hạn chế đi lại đối với 50.000 dân.
Dù các quan chức châu Âu và Ý tin rằng đà lây lan của dịch bệnh đã được khống chế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở một nước thành viên Liên minh châu Âu, có nguy cơ nó sẽ lan rộng ra châu Âu vì chính sách thị thực Khối Schengen cho phép hầu hết công dân ở các nước EU tự do di chuyển qua biên giới giữa các nước này.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết đang có 53 ca nhiễm ở nước này, tăng lên so với con số 34 được xác nhận hôm trước đó. Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm mới là những người Mỹ đang bị cách ly ở các căn cứ quân sự tại bang California và Texas sau khi họ được sơ tán từ tàu du lịch Diamond Princess tại Nhật Bản.
Hôm 24-2, Nhà Trắng đã đề nghị Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản ngân sách khẩn cấp 2,5 tỉ đô la để ứng phó dịch Covid-19. Số tiền này sẽ được phân bổ để nghiên cứu phát triển vắc-xin, các liệu pháp điều trị và tích trữ thiết bị bảo hộ y tế.
Không phải mọi tin tức về dịch Covid-19 đều xấu. Sáng 25-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có thêm 499 ca nhiễm mới, nâng tổng ca nhiễm ở nước này lên 77.658. Nếu không tính tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm ở các tỉnh thành còn lại của Trung Quốc chỉ tăng thêm 9 ca, mức tăng thấp nhất kể rừ ngày 20-1.
Tại cuộc họp báo hôm qua ở Geneva (Thụy Sĩ), Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói rằng dù tình hình dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát nghiêm trọng ở Hàn Quốc, Ý và Iran nhưng chưa thể gọi dịch bệnh này là “đại dịch” (pandemic), thuật ngữ thường dùng để mô tả một dịch bệnh lây lan mất kiểm soát ra nhiều lục địa.
Ông nói: “Sử dụng cụm từ “đại dịch toàn cầu” không thích hợp với thực tế tình hình hiện nay và cách gọi như vậy chắc chắn gieo rắc nỗi sợ hãi… Những gì chúng tôi đang nhận thấy là các cơn bùng phát dịch Covid-19 xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Hiện tại, chúng tôi chưa chứng kiến đà lây lan tự do của virus này và cũng chưa chứng kiến tình hình lây nhiễm, chết chóc ở quy mô rộng trên toàn cầu”.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc dường như đã khống chế dịch được dịch bệnh. Báo cáo của phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO tại Trung Quốc cho biết dịch Covid-19 có thể đã đạt đỉnh ở nước này trong giai đoạn từ ngày 23-1 đến 2-2.
Ông Ghebreyesus cho rằng hiệu quả của nỗ lực khống chế dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ truyền thông điệp quan trọng đến tất cả các nước để họ có niềm tin và hy vọng rằng dịch Covid-19 có thể bị khống chế.
Tuy nhiên, ông lưu ý số ca nhiễm mới đột ngột tăng ở Hàn Quốc, Ý và Iran là rất đáng lo ngại và vẫn có khả năng dịch Covid-19 trở thành một đại dịch.
“Chúng ta phải tập trung khống chế dịch bệnh này đồng thời phải làm mọi thứ mà chúng ta có thể để chuẩn bị ứng phó khả năng đại dịch xảy ra”, ông nói.
Cũng vào hôm qua, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của Tổng giám đốc WHO, nói rằng, các biện pháp như cách ly hàng loạt, phong tỏa giao thông và vận động toàn dân tuân thủ các thực hành vệ sinh đã chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lây lân virus Covid-19 ở Trung Quốc.
Theo Reuters, New York Times, Market Watch
![]() |