Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc
Phúc Minh
![]() |
Hiệu quả các biện pháo giải cứu thị trường của Trung Quốc đang bị nghi ngờ. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) - Chỉ số Shanghai Composite (chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc) ngày 27-7 giảm mạnh 8,48% - mức giảm trong ngày lớn nhất trong 8 năm rưỡi qua, lần lượt tụt khỏi các mốc 3.900 điểm, 3.800 điểm – đóng cửa ở mức 3.725,56 điểm.
Trước đó, chỉ số Shanghai Composite (CSI) từng có mức giảm trong ngày nhiều nhất là 8,84% vào ngày 27-2-2007.
Chỉ số CSI300 - phản ánh giá cổ phiếu của 300 doanh nghiệp lớn nhất thị trường Thượng Hải - hôm nay cũng giảm 8,6%, còn 3.818 điểm.
Toàn thị trường chỉ có 77 mã cổ phiếu tăng giá trong khi có tới 2.247 mã giảm giá; trong đó có gần 1.500 mã cổ phiếu giảm hết biên độ (-10%), có những cổ phiếu lớn giảm 10% như cổ phiếu Công ty thông tin di động China Unicom, Ngân hàng Truyền thông (Bank of Communications) và tập đoàn Dầu khí PetroChina.
Giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng rớt mạnh, kéo chỉ số Hang Seng của vùng lãnh thổ này xuống 4,4% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Bloomberg cho rằng chỉ số Shanghai Composite ngày 27-7 giảm kết thúc sự ổn định của thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần trước, khiến thị trường bắt đầu lo lắng về hiệu quả của việc giải cứu thị trường của chính phủ nước này, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém hiện nay.
Nhà phân tích Mari Oshidari tại Okasan Securities Group tại Hồng Kông nói với Bloomberg rằng thị trường chứng khoán sụt giảm đang tạt gáo nước lạnh vào việc giải cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc, đồng thời cho thấy niềm tin của thị trường vẫn còn mong manh.
![]() |
Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay 27-7. |
Hôm nay Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy lợi nhuận chung của ngành công nghiệp đã giảm 0,3% so với tháng 6 năm ngoái. “Thị trường Mỹ trì trệ, kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản cùng với sự tăng giá các mặt hàng thiết yếu như thịt heo ở Trung Quốc làm người ta lo ngại Bắc Kinh sẽ siết chặt chính sách tiền tệ chứ không thể tiếp tục hào phóng nâng đỡ giá cổ phiếu nữa”, Yang Hai, chuyên viên phân tích của Kaiyuan Securities nhận định.
Tuần trước, Bloomberg dẫn nguồn tin tiết lộ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đốc thúc Trung Quốc rút khỏi các biện pháp giải cứu thị trường nhằm hạn chế sự suy giảm trên thị trường chứng khoán. Nguồn tin này cho biết IMF nói dù để ngăn chặn sự hỗn loạn nghiêm trọng trên thị trường bằng các biện pháp can thiệp thích hợp nhưng chính phủ Trung Quốc nên cho phép các lực lượng thị trường thúc đẩy giá chứng khoán ổn định.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm lúc mở cửa giao dịch sáng nay 27-7 và thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ tư liên tiếp vào cuối tuần qua khi các nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi cuộc họp chính sách ngày 29-7 của Fed để nắm bắt kế hoạch tăng lãi suất cơ bản lần đầu trong 10 năm qua của Fed.
Đô la Mỹ ngày 27-7 vẫn duy trì độ yếu từ cuối tuần trước, sau báo cáo thất vọng về thị trường nhà đất Mỹ, trong khi giá dầu tiếp tục chịu sức ép từ nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Theo số liệu công bố ngày 24-7, doanh số bán nhà đơn lập mới tại Mỹ trong tháng 5-2015 và tháng 6-2015 đều sụt giảm, với các mức giảm mạnh hơn báo cáo trước đó.