Thứ năm, 13/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán và nỗi lo thương chiến

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đà tăng của VN-Index đã bị chững lại khi bất ngờ điều chỉnh giảm 9 điểm trong phiên đầu tuần này (10-2-2025), với thanh khoản cũng tăng đột biến lên mức cao nhất trong hơn hai tháng qua. Rủi ro bất định ngày càng lớn, khi thương chiến đang là nỗi lo lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt hiện nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khá tích cực trong tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Ảnh: LÊ VŨ

Dòng tiền sôi động hơn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có diễn biến khá tích cực trong tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán (bắt đầu từ ngày 3-2), khi chỉ số VN-Index sau khi giảm mạnh trong phiên đầu tuần về vùng 1.250 điểm đã bật tăng mạnh mẽ trở lại và kết thúc ở mức 1.275 điểm trong phiên cuối tuần, tương đương tăng gần 1%, còn HNX-Index cũng tăng gần 3% lên 230 điểm.

Sau giai đoạn thanh khoản cạn kiệt trong tuần trước Tết, khối lượng giao dịch của các phiên trong tuần trước trước đã tăng trở lại - cao hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền đã luân chuyển sôi động hơn, trước kỳ vọng về một xu hướng tăng mới đang được thiết lập. Cụ thể, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong tuần trước tăng gần 20% lên gần 600 triệu đơn vị/phiên và 14.000 tỉ đồng/phiên. Sàn HNX ghi nhận khối lượng giao dịch tăng 5% lên 52,6 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch tăng 7% lên 840 tỉ đồng/phiên.

Thị trường trong tuần đầu tiên sau Tết đi lên bất chấp động thái tiếp tục bán ròng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ làm chậm lại lộ trình giảm lãi suất vì lo ngại lạm phát trở lại trước các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng được dự báo sẽ vẫn chịu áp lực trong năm nay, từ đó ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý và chiến lược giao dịch của khối ngoại.

Dường như chính sách áp thuế đang là vũ khí chiến lược của chính quyền ông Trump để đạt được những mục tiêu lợi ích khác không chỉ ở mặt kinh tế.

Trong tuần đầu tiên sau Tết, khối ngoại đã bán ròng liên tục hơn 4.200 tỉ đồng, đặc biệt trong phiên đầu năm (ngày 3-2) bán ròng lên đến 1.465 tỉ đồng. Tương tự, nhóm tự doanh cũng bán ròng 872 tỉ đồng, đặc biệt phiên ngày 4-2 bán ròng lên đến 835 tỉ đồng.

Trong báo cáo chiến lược tháng 2-2025, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo sự vận động của VN-Index trong tháng có thể theo ba kịch bản, gồm: tích lũy đi ngang (xác suất 60%) với vùng dao động chủ đạo 1.260-1.275 điểm; tích cực (xác suất 20%), hướng lên vùng 1.285-1.300 điểm; thận trọng hơn (xác suất 20%) với khu vực 1.250 điểm kỳ vọng là vùng cân bằng kế tiếp.

Theo SSI, các thách thức mà TTCK Việt Nam cần phải vượt qua là tốc độ hạ lãi suất chậm lại của Fed, biến động tỷ giá, động lực tiêu dùng trong nước cần thêm thời gian hồi phục và chính sách khó đoán của ông Trump sẽ gây rủi ro cho tăng trưởng của kênh xuất khẩu. Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường cũng mạnh mẽ. Về vĩ mô, quá trình cải cách thực thi từ cuối năm 2024 đang tiếp tục, gồm tinh gọn bộ máy hành chính, quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng, giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản...

Trong khi đó, quỹ PYN Elite cho biết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) dự kiến triển khai hệ thống KRX vào đầu tháng 5-2025. Theo PYN Elite, hệ thống này cùng với các cơ chế sắp vận hành như cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới, đồng thời chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường. Triển khai hệ thống KRX cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính giao cho ngành chứng khoán năm 2025. Đây có lẽ cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian qua.

Rủi ro bất định với nỗi lo thương chiến

Dù vậy, đà tăng của VN-Index đã bị chững lại khi bất ngờ điều chỉnh giảm chín điểm trong phiên đầu tuần này, với thanh khoản cũng tăng đột biến lên mức cao nhất trong hơn hai tháng qua. Rủi ro bất định ngày càng lớn, khi thương chiến đang là nỗi lo lớn nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt hiện nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-2 (giờ Mỹ) đã tuyên bố áp thuế quan mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Theo dữ liệu của Chính phủ và Viện Sắt thép Mỹ, các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết sẽ công bố thuế nhập khẩu đối ứng vào ngày 11 và 12-2 (giờ Mỹ), và có hiệu lực gần như tức thời. Theo ông Trump, thuế đối ứng sẽ dựa trên mức thuế được các quốc gia khác áp dụng đối với Mỹ, và không loại trừ nước nào.

Bất chấp những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ, Chính phủ Brazil được cho là đang lên kế hoạch áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ nếu ông Trump triển khai kế hoạch áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng thép nhập khẩu. Theo đó, các công ty có thể bị Brazil đánh thuế bao gồm Amazon, Facebook và Instagram của Meta Platforms, cùng Google thuộc Alphabet.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang lập danh sách các tập đoàn công nghệ Mỹ có thể bị điều tra, với mục tiêu tạo ra lợi thế đàm phán trong các cuộc đối thoại thương mại với Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia và Google, đồng thời nhắm đến Apple, công ty công nghệ Broadcom ở Thung lũng Silicon cùng nhà cung cấp phần mềm thiết kế bán dẫn Synopsys.

Ngoài ra, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này ngày 10-2 đã chính thức áp thuế bổ sung lên tới 15% đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 10% với Trung Quốc.

Trong khi đó, các quan chức của các nước châu Âu cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc áp thuế này của ông Trump, khi cho rằng chính sách áp thuế cao hơn sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ trả đũa nếu Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm. Các nước như Hàn Quốc hay Úc cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trước chính sách thuế mới của ông Trump.

Như đã nói, Việt Nam là một trong những nước có thị phần xuất khẩu thép lớn vào Mỹ, theo đó nhóm cổ phiếu thép trong phiên giao dịch ngày 10-2 đã đồng loạt giảm mạnh, với cổ phiếu HPG của tập đoàn Hòa Phát và HSG của tập đoàn Hoa Sen lần lượt giảm 4,69% và 4,52%, trong khi cổ phiếu TVN của tập đoàn Thép Việt Nam giảm 6,74% và cổ phiếu NKG của tập đoàn thép Nam Kim giảm 3,57%. Đặc biệt, khối lượng giao dịch ở cổ phiếu HPG tăng lên mức cao nhất trong một năm qua khi có hơn 61 triệu cổ phiếu đã được trao tay, cho thấy dòng tiền vào bắt đáy cũng rất mạnh.

Những biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nước hoặc trừng phạt các doanh nghiệp của nhau có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại và kinh tế toàn diện hơn, điều không chỉ kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại mà còn dẫn đến rủi ro lạm phát khi giá các mặt hàng sẽ leo thang vì ảnh hưởng bởi các hàng rào thuế quan.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng không loại trừ khả năng ông Trump chỉ đang muốn “nắn gân” để tạo lợi thế trên bàn đàm phán thương mại trong giai đoạn tới. Trước đó, vào đầu tháng 2, Mỹ đã quyết định tạm hoãn tăng thuế trong vòng một tháng với Mexico và Canada, dựa trên cơ sở hai quốc gia trên đồng ý tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn ma túy và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Dường như chính sách áp thuế đang là vũ khí chiến lược của chính quyền ông Trump để đạt được những mục tiêu lợi ích khác không chỉ ở mặt kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới