(KTSG Online) -Cổ phiếu ở châu Á bị bán tháo hôm 16-4 trong khi tình hình tỷ giá trong khu vực căng như dây đàn, với một loạt đồng tiền giảm giá sâu so với đô la Mỹ. Diễn biến này nhấn mạnh những lo ngại về tính dễ tổn thương của thị trường chứng khoán và tiền tệ khu vực trước kịch bản Mỹ neo lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến và trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị dâng cao.
- Triển vọng kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng khi Mỹ tăng trưởng trong tình trạng lạm phát cao
- Đô la Mỹ trỗi dậy, châu Á đứng trước áp lực can thiệp tiền tệ
Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp châu Á bị hoài nghi
Chỉ số chứng khoán châu Á- Thái Bình Dương của MSCI (MSCI Asia Pacific Index) có lúc giảm sâu đến 2,2% trong phiên giao dịch hôm 16-4, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 8 năm ngoái.
Chỉ số này chỉ còn tăng chưa đầy 1% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, dù giảm 1,2% hôm 15-4, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn tăng 6,1% trong năm này.
Các chỉ số chứng khoán hàng đầu trong khu vực gồm Nikkei 225 của Nhật Bản, Hang Seng của Hồng Kông, Shanghai Composite của Trung Quốc, Kospi của Hàn Quốc, đồng loạt chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Giới đầu tư đang lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến vì nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ cũng như giá dầu tăng cao sẽ gây tổn thương nhiều hơn cho châu Á do tác động của đồng đô la mạnh hơn và sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của khu vực.
Những hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng làm giảm kỳ vọng về sự cải thiện thu nhập bền vững của các doanh nghiệp ở châu Á. Hôm 16-4, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết GDP quí 1 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 3 chỉ tăng trưởng 4,5%, kém hơn mức dự báo tăng 6%. Doanh số bán lẻ trong cùng tháng tăng 3,1%, cũng thấp hơn so với mức dự báo tăng 4,6%.
“Châu Á, với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước đồng đô la Mỹ mạnh hơn khi Fed kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ”, Manish Bhargava, nhà quản lý quỹ của Straits Investment Holdings ở Singapore, nhận định.
Ông cho biết thêm, tăng trưởng định giá, chứ không phải sức mạnh kinh tế cơ bản, là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán của khu vực trong năm qua.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy hầu hết mức tăng của chỉ số MSCI Asia Pacific Index trong 12 tháng qua đều đến từ mức định giá tăng 6,5%, trong khi lợi nhuận ước tính của các công ty trong chỉ số này hầu như không thay đổi. Ngược lại, trong cùng kỳ, chỉ số chứng khoán thị trường phát triển của MSCI có mức tăng trưởng hơn 6,5% ở khía cạnh định giá lẫn lợi nhuận doanh nghiệp.
Lợi nhuận quí 1 của các công ty trong chỉ số MSCI Asia Pacific Index ước tính tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đầu tiên của họ trong 8 quí gần nhất. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận của họ trong thời gian còn lại của năm 2024 hiện bị nghi ngờ khi Fed dường như buộc phải đẩy lùi thời điểm bắt đầu giảm lãi suất để ứng phó tình trạng lạm phát cao dai dẳng.
Tỷ giá ở châu Á căng thẳng
Các nhà kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley nhận định sự chậm trễ nới lỏng tiền tệ của Fed có thể khiến các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Đài Loan trì hoãn giảm lãi suất.
Hôm 16-4, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã can thiệp thị trường ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá của đồng rupiah. Đồng rupiah của Indonesia giảm xuống còn 16.200 đổi 1 đô la, mức thấp nhất trong 4 năm, khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Đồng rupiah giảm giá khoảng 5% trong năm nay và là một trong những đồng tiền có hiệu suất tệ nhất ở châu Á.
Cùng ngày, đồng rupee của Ấn Độ lao xuống mức thấp kỷ lục, 83,535 đổi 1 đô la. Đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng, còn đồng ringgit của Malaysia giao dịch gần mức thấp nhất trong 26 năm.
Căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái mới đây của Iran nhằm vào Israel và kỳ vọng Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy giá đồng bạc xanh.
Tuần trước, giá đô la so với một rổ 6 ngoại tệ mạnh tăng mạnh nhất kể từ năm 2022 sau khi số liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ tăng cao hơn dự báo, khiến thị trường tin rằng Fed sẽ duy trì biên độ lãi suất 5,25-5% hiện nay trong thời gian dài hơn.
Bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis, nhận định, các ngân hàng trung ương ở khu vực kinh tế mới nổi có thể phản ứng bằng cách tăng lãi suất để ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ bên cạnh nỗ lực can thiệp trường ngoại hối.
Bà lưu ý, khả năng BI tăng lãi suất đang tăng lên. “Đồng rupiah của Indonesia đã suy yếu rất nhiều do thâm hụt tài khoản vãng lai và dòng vốn chảy ra ngoài do lo ngại rủi ro. Nếu xu hướng đó tiếp tục diễn ra vào tuần tới, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu BI tăng lãi suất”, bà nói.
Đồng rupiah là đồng tiền có lợi suất cao thứ 2 châu Á, chỉ sau đồng rupee của Ấn Độ nhưng dễ bị tổn thương vì trái phiếu của Indonesia phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn nước ngoài.
Đồng rupiah cũng bị ảnh hưởng trong năm nay do thị trường lo ngại các chính sách dân túy của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto có thể làm tổn hại đến sức mạnh tài khóa của Indonesia.
Ông Prabowo, người sẽ tiếp quản ghế tổng thống của ông Joko Widodo vào tháng 10 tới, đã cam kết triển khai chương trình cung cấp bữa trưa và sữa miễn phí cho học sinh với chi phí dự kiến lên đến 460 nghìn tỉ rupiah (28,4 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm.
Phát tín hiệu can thiệp thị trường ngoại hối
Chỉ số đô la giao ngay Bloomberg, đo lường giá đồng bạc xanh với 10 ngoại tệ mạnh khác, tăng trong 5 ngày giao dịch liên tiếp vào hôm 16-4, lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Dữ liệu mạnh mẽ về doanh số bán lẻ của Mỹ công bố hôm 15-4 thúc đẩy giá của đô la. Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 3 tăng 0,7%, cao gấp đô so với dự báo của các nhà kinh tế.
Trong năm nay, 22 trong số 23 đồng tiền chính ở khu vực thị trường mới nổi giảm giá so với đô la “Rất khó để chống lại xu hướng tăng giá của đồng đô la ngay bây giờ”, Chris Turner, người đứng đầu chiến lược tiền tệ của ngân hàng ING, nhận định và dự báo chỉ số đô la giao ngay Bloomberg có thể tăng thêm 1,2%, lên mức cao nhất kể từ tháng 10.
Trước tình hình này, các ngân hàng trung ương ở châu Á báo hiệu khả năng hành động để hỗ trợ đồng nội tệ đang mất giá của họ.
Trong tuyên bố hôm 15-4, Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) cam kết “đảm bảo đủ thanh khoản và hoạt động có trật tự của thị trường ngoại hối , quản lý mọi rủi ro phát sinh từ sự biến động gia tăng của thị trường tài chính”.
Đồng won của Hàn Quốc chạm mức thấp nhất trong 17 tháng vào hôm 16-4, vi phạm ngưỡng tâm lý quan trọng, 1.400 won đổi 1 đô la. Với mức giảm 4%, đồng tiền của Hàn Quốc chứng kiến tốc độ giảm giá mạnh nhất trong số các loại tiền tệ chính của thế giới trong tháng 4. Đồng won đã mất 8,7% giá trị trong năm nay.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã gây thêm áp lực lên đồng won, vì Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn từ khu vực này.
Trước đà giảm giá mạnh của đồng won, giới chức trách Hàn Quốc đã cảnh báo khả năng can thiệp.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thị trường ngoại hối với sự cảnh giác đặc biệt. Hành vi (bán tháo đồng won) bầy đàn quá mức là điều không mong muốn đối với nền kinh tế của chúng ta”, các quan chức của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố chung.
Sau tuyên bố đó, đồng won đã thu hẹp mức giảm, đóng cửa ở mức 1.395 won đổi 1 đô la.
Theo Kishore Narne, Giám đốc hàng hóa và tiền tệ của Công ty dịch vụ tài chính Motilal Oswal (Ấn Độ), căng thẳng địa chính trị, sức mạnh của đồng đô la và nhu cầu trong nước đối với đồng bạc xanh đang khiến đồng rupee giảm giá.
Trước đây, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) từng can thiệp để quản lý tỷ giá của rupee. “RBI thường có xu hướng kiểm soát sự biến động quá mạnh của thị trường ngoại hối và sẽ không để tỷ giá của rupee vượt qua mức 84 đổi 1 đô la”, Kishore Narne nói.
Theo Financial Times, Bloomberg